Mỹ bối rối với Triều Tiên, còn Israel đã ném bom tan tành "giấc mơ hạt nhân" của 2 nước

Hải Võ |

Dù cách bán đảo Triều Tiên đến 8.000 km, Israel dường như không hề xa lạ với cuộc đối đầu xoay quanh vấn đề hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Israel từng đối diện với cuộc khủng hoảng tương tự trong quá khứ, và kịch bản có thể sắp lặp lại - theo đánh giá trên Bloomberg View của nhà báo, nhà quan sát, cựu cố vấn cấp cao của cố thủ tướng Israel Menachem Begin, ông Zev Chafets. 

Học thuyết Begin

Vào thập niên 1970, Israel nhận thấy chính quyền tổng thống Iraq Saddam Hussein đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Ông tỏ rõ thái độ kiên quyết với nỗ lực chống lại những kẻ thù trong và ngoài nước. Đánh bại Israel là một trong những ưu tiên của Iraq.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 1977, thủ tướng Israel Menachem Begin cố gắng thuyết phục Mỹ và châu Âu rằng Saddam là "mối đe dọa rõ ràng và thực tế" đối với nhà nước Do Thái, do đó các đồng minh cần hành động ngay.

Mỹ và phương Tây đã phớt lờ ông Begin. Nhưng thủ tướng Israel quyết định chống lại ông Saddam vào năm 1981.

Đối thủ chính trị của ông Begin, người tiền nhiệm Shimon Peres, cho rằng đây là hành động dại dột. Ngoại trưởng Moshe Dayan, cựu tham mưu trưởng quân đội, phản đối hành động đơn phương do lo ngại làm suy yếu vị thế quốc tế của Israel. Bộ trưởng quốc phòng Ezer Weizmann, cựu lãnh đạo không quân và  là anh rể ông Dayan, cũng bác bỏ hành động quân sự chống Iraq vì đánh giá tiềm ẩn rủi ro không chấp nhận được.

"Begin không phải là chuyên gia quân sự," ông Chafets viết, "nhưng nếu phải trả một cái giá nào đó - về chính trị, ngoại giao, quân sự - thì tốt hơn hết là nên trả trước, chứ không phải sau khi người Iraq đã có bom [hạt nhân]".

Mùa hè năm 1981, thủ tướng Begin ra lệnh tiến hành Chiến dịch Opera, và không quân Israel tấn công phá hủy lò phản ứng Osirak, cách thủ đô Baghdad của Iraq chỉ khoảng 17 km về phía Đông Nam.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án vụ không kích. Các nước châu Âu bất mãn và nổi giận. Tờ New York Times của Mỹ gọi chiến dịch Opera là "không thể tha thứ".

Nhưng thủ tướng Israel không tìm kiếm sự cảm thông của tờ NYT, hay châu Âu, hay ngay cả chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan có quan hệ tốt. Ông Menachem Begin đã nêu một khái niệm đơn giản mà sau này được gọi là Học thuyết Begin: Israel sẽ không cho phép các đối thủ công khai của mình có được công cụ để hủy diệt nước này.

Trong chiến tranh vùng Vịnh, một số tên lửa Scud của Iraq đã bắn trúng các thành phố của Israel, gây ra thiệt hại và hoảng loạn, nhưng chúng chỉ được trang bị các đầu đạn phổ thông.

"Israel đã loại bỏ phương án [Iraq có đầu đạn hạt nhân] từ trước," ông Chafets cho biết.

Mỹ bối rối với Triều Tiên, còn Israel đã ném bom tan tành giấc mơ hạt nhân của 2 nước - Ảnh 1.

Bản đồ Google Earth cho thấy Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Tuwaitha của Iraq, với mũi tên đỏ là vị trí lò phản ứng Osirak bị phá hủy trong Chiến dịch Opera của không quân Israel năm 1981 (Ảnh: Google Earth via Rick Herter)

Từ Iraq đến Syria

Tương tự, vào năm 2007, Israel tuyên bố xác nhận "mối nghi ngờ" mà nước này điều tra trong 5 năm: Syria, với sự hỗ trợ của CHDCND Triều Tiên, đang tìm cách xây lò phản ứng hạt nhân. Thủ tướng Israel là Ehud Olmert, một học trò của ông Begin, cử lãnh đạo tình báo Mossad là Meir Dagan tới Washington để yêu cầu Mỹ can thiệp.

Giám đốc CIA Michael Hayden khi đó đồng thuận với luận điểm của Israel, rằng Damascus được Iran tài trợ bằng tài chính để xây lò phản ứng. Nhưng ông Hayden khuyến cáo tổng thống Georgeo W. Bush rằng không kích Syria sẽ làm bùng nổ chiến tranh toàn diện, và không ai muốn điều đó.

Một lần nữa Israel tự mình hành động. Ngày 6/9/2007, quân đội nước này phá hủy cơ sở của Syria ở vùng Deir ez-Zor, và nhiều báo cáo còn nói rằng một nhóm chuyên gia người Triều Tiên cũng thiệt mạng trong vụ tấn công. 

Michael Hayden sau đó thừa nhận ông đã phán đoán sai về phản ứng của chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, còn Israel nói họ đã ngăn chặn Syria sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đến nay, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng quốc phòng Ehud Barak đã chi hàng tỉ USD để huấn luyện và chuẩn bị cho kế hoạch "loại bỏ" chương trình hạt nhân Iran.

Ông Barak lý giải: "Có những tình huống cho thấy không nhất thiết phải tấn công [Iran] ngay lúc này, nhưng anh biết rằng sau này anh sẽ không thể tấn công họ được nữa."

Trong trường hợp đó, ông khẳng định "hậu quả của việc không hành động là rất nghiêm trọng, và anh buộc phải hành động".

Chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngăn chặn ý định hành động quân sự bằng các loại vũ khí có sức công phá cao của Israel. Mỹ cùng 5 quốc gia khác (nhóm P5+1) đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran vào năm 2015, bất chấp sự phản đối gay gắt của Israel.

Ông Netanyahu cảnh báo thỏa thuận trên "đầy lỗ hổng", cho phép Tehran che giấu chương trình hạt nhân và tiếp tục phát triển các phương tiện mang vũ khí hạt nhân. Israel tái khẳng định cáo buộc này vào năm 2016 khi Iran thử nghiệm tên lửa mới.

Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Không gian vũ trụ của Vệ binh cách mạng Iran, tuyên bố nước này phát triển tên lửa có tầm bắn 2.000 km là để tấn công Israel "từ khoảng cách an toàn".

Mỹ bối rối với Triều Tiên, còn Israel đã ném bom tan tành giấc mơ hạt nhân của 2 nước - Ảnh 2.

Ảnh vệ tinh chụp cơ sở al-Kibar của Syria, mà Israel cáo buộc là nơi xây dựng lò phản ứng hạt nhân, bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel năm 2007 (Ảnh: Reuters)

Bài toán hạt nhân Triều Tiên

Israel luôn sẵn sàng cho những kịch bản khốc liệt, Zev Chafets viết trên Bloomberg.

Nước này đã lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả, tổ chức đào tạo quân đội về vô hiệu hóa các cuộc đánh bom. Quân đội Israel (IDF) hồi đầu tháng 9 đã tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong 19 năm với mục tiêu "sẵn sàng chiến tranh" với Hezbollah, phong trào được Iran hậu thuẫn.

Chính phủ Israel tuyên bố không chấp nhận bị Iran "giữ làm con tin" bởi các đe dọa nhằm vào thường dân. 

Theo ông Chafets, những biện pháp kể trên không nằm ngoài khả năng của Mỹ và đồng minh Hàn Quốc trong nỗ lực xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Bộ ngoại giao Israel hồi đầu tháng cũng ra thông cáo lên án Triều Tiên về vụ thử tên lửa, nói rằng "chỉ có phản ứng quốc tế cương quyết mới ngăn được các nước khác cũng hành động tương tự [như Triều Tiên]". Rõ ràng, "các nước khác" là sự ám chỉ Iran, đồng thời là thông điệp gửi Mỹ.

Từ góc nhìn chính phủ Israel, "cộng đồng quốc tế" là điều không tồn tại khi phát sinh vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Chafets nhận định, những gì đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên là "một sản phẩm của Mỹ".

Theo ông, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu rất rõ, thậm chí là quyết liệt, yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ hạt nhân. Đây cũng là chính sách của các chính quyền tiền nhiệm, nhưng các tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama không thực sự kiên quyết như ông Trump.

"Họ (các tiền nhiệm của Trump) cứ để diễn biến trôi đi, vẽ ra các giới hạn tưởng tượng, tổ chức các cuộc đàm phán mà kết quả chẳng đi đến đâu để rồi mong điều tốt nhất sẽ đến," nhà báo Israel viết. "Nhưng kết quả tốt đã không đến, và gần như chắc chắn không bao giờ đến".

Mỹ bối rối với Triều Tiên, còn Israel đã ném bom tan tành giấc mơ hạt nhân của 2 nước - Ảnh 3.

Tác giả Zev Chafets (Ảnh: Jacob Silberberg)

Triều Tiên hiện nay ở vào vị thế còn cao hơn Iraq và Syria trước đây, khi đã chứng minh mình thực sự sở hữu công nghệ hạt nhân, và chương trình hạt nhân/tên lửa của nước này sẽ không giảm đi theo thời gian.

Ông Trump đã đưa ra lập trường cứng rắn và rõ ràng, nhưng đến nay mới chỉ là lời nói.

"Tổng thống Mỹ có thể sẽ hối hận vì dính vào rắc rối với [lãnh đạo Triều Tiên] Kim Jong Un. Có thể ông Trump sẽ coi đây là sai lầm của một người mới. Có thể ông sẽ bị lung lạc để đảo ngược đường lối, và cố gắng giữ thể diện bằng những lệnh trừng phạt có vẻ đáng tin, các nghị quyết trống rỗng của LHQ hay các cuộc đàm phán không kết quả," Chafets nhận định. 

"Nhưng nếu tổng thống Mỹ lui bước, nếu ông Kim Jong Un tiếp tục nắm giữ các đầu đạn hạt nhân và vũ khí đạn đạo, cũng như không gặp hậu quả gì sau khi đe dọa Mỹ/đồng minh về sự hủy diệt bằng hạt nhân, thì từng đối tác và đồng minh của Washington sẽ cân nhắc lại kịch bản chiến lược của mình".

Đối với Israel, dù cách xa Triều Tiên nhưng lại ở gần Iran, kịch bản đó mở đầu bằng Học thuyết Begin - ông Chafets kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại