Vì sao tên lửa S-200 của Syria không thể làm xước sơn tiêm kích Israel?

Nam Đồng |

Lực lượng phòng không Syria lại vừa phóng tên lửa S-200 nhằm vào một tốp máy bay chiến đấu Israel xâm nhập lãnh thổ, có điều kết quả vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.

Được biết đây đã là lần thứ ba trong năm 2017, tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Syria "lên tiếng", mục tiêu của nó là 2 chiếc tiêm kích F-15I Ra'am thuộc Lực lượng phòng vệ trên không Israel. Phía Syria thông báo mục đích của việc phóng tên lửa không phải để bắn hạ mà chỉ buộc máy bay Israel rút lui.

Việc bắn tên lửa phòng không tầm xa chỉ nhằm mục đích đe dọa cho thấy tinh thần chiến đấu của binh lính Syria rất có vấn đề, cần lưu ý rằng hai vụ phóng trước cũng không thu về kết quả đáng khích lệ, các tiêm kích Israel dễ dàng vô hiệu hóa loại vũ khí đã cao tuổi này.

Vì sao tên lửa S-200 của Syria không thể làm xước sơn tiêm kích Israel? - Ảnh 1.

Tên lửa phòng không S-200 của Quân đội Syria

Hiệu suất chiến đấu kém của tổ hợp S-200 nằm trong tay Quân đội chính phủ Syria (SAA) cũng chẳng phải là điều quá khó hiểu, do mục đích thiết kế của nó không nhằm đối đầu với tiêm kích sở hữu độ cơ động cao.

Đạn tên lửa đánh chặn 5V28E tầm bắn 240 km trang bị cho S-200 có đặc thù là kích thước rất lớn với trọng lượng 7,1 tấn; chiều dài 10,8 m; mang theo đầu đạn nặng 217 kg (chứa bên trong 16.000 mảnh văng loại 2 gram và 21.000 mảnh nhỏ 3,5 gram) cho bán kính sát thương rất rộng.

Tuy vậy khả năng "bay lượn" của đạn 5V28E lại rất hạn chế vì Liên Xô chế tạo ra nó nhằm tiêu diệt đối tượng là máy bay ném bom chiến lược tầm xa kích thước khổng lồ, hoạt động ở độ cao lớn của Không lực Hoa Kỳ.

Vì sao tên lửa S-200 của Syria không thể làm xước sơn tiêm kích Israel? - Ảnh 2.

Tiêm kích đa năng F-15I Ra'am của Không quân Israel

Gặp phải địch thủ là tiêm kích F-15I Ra'am hay F-16I Sufa tối tân có diện tích phản xạ radar nhỏ, tính năng thao diễn cực kỳ linh hoạt, được tích hợp những khí tài tác chiến điện tử tối tân có thể nhanh chóng đưa ra cảnh báo về mối đe dọa nhằm triển khai biện pháp đối phó phù hợp... thì đài radar 5N62 lạc hậu rất khó dẫn bắn hiệu quả cho đạn 5V28E.

Trong tay Quân đội Syria vẫn còn những vũ khí đủ sức "vít cổ" chiến đấu cơ Israel, đó là những hệ thống Buk-M2E, Pechora-2M, hay thậm chí cả Pantsir-SA, nhưng nhược điểm của chúng là tầm bắn chỉ bằng 1/10 - 1/5 so với S-200, phải chờ máy bay Israel lại gần mới khai hỏa.

Trường hợp Syria triển khai những hệ thống này, không loại trừ viễn cảnh tiêm kích Israel sẽ ra tay hạ thủ trước nếu cảm thấy bị đe dọa vì có lợi thế tung đòn từ trên cao và còn được trang bị các loại tên lửa đối đất siêu hiện đại.

Nếu thực sự quyết tâm bắn hạ máy bay Israel, việc đầu tiên mà phòng không Syria cần làm là chấp nhận rủi ro chứ không phải đề cao sự an toàn cho mình lên trên hết rồi "bắn hú họa" một quả tên lửa tầm xa khi đã biết rõ xác suất trúng đích của nó cực thấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại