Tàu sân bay và tàu ngầm Mỹ "nhảy" vào chèn ép Hải quân TQ ngay nếu Bắc Kinh đánh Ấn Độ?

Hải Võ |

Hai học giả Mỹ tin rằng Washington không đứng ngoài cuộc trong trường hợp xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mà sẽ hành động chống lại Bắc Kinh.

Tờ Times of India dẫn nhận định của ông Zack Cooper, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đánh giá: "Tôi không cho rằng Mỹ sẽ dính líu vào xung đột ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng tôi tin rằng động thái cạnh tranh ngày càng leo thang giữa Trung-Ấn sẽ củng cố mối hợp tác an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ."

Ông Cooper nói rằng Mỹ đang nỗ lực tạo thế cân bằng về địa chiến lược để chống lại tốc độ trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, và Ấn Độ có thể đóng vai trò then chốt trong ý định của Washington.

"Trong trường hợp đó, nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi các yêu sách chống lại Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ mạo hiểm khi tự mình tạo ra một liên minh đối trọng chống Trung Quốc," Cooper nói. "Nếu khôn ngoan Trung Quốc sẽ tự xuống thang căng thẳng [biên giới Trung-Ấn] và giải quyết bế tắc mà không xung đột vũ trang".

Cuộc chạy đua về sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh bận rộn trong vài tuần qua, mới đây nhất là vụ chiến đấu cơ Trung Quốc chặn một máy bay do thám của Mỹ trên biển Hoa Đông hồi cuối tuần trước.

Theo các nhà phân tích, Mỹ có thể tăng cường hiện diện của hải quân nước này để đề phòng trường hợp giao tranh nổ ra giữa quân đội Trung-Ấn ở vùng biên giới Sikkim.

"Nếu cuộc giằng co và đối đầu hiện nay chuyển thành chiến tranh, Washington có thể sẽ cung cấp hỗ trợ cho quân đội Ấn Độ về hậu cần, tình báo và vật tư," giáo sư Mohan Malik từ Trung tâm an ninh châu Á-Thái Bình Dương (APCSS) ở Honolulu, Hawaii, đánh giá.

Theo ông Malik, "[Mỹ] thậm chí có thể điều động một tàu sân bay cùng các tàu ngầm đến Ấn Độ Dương để giám sát và ngăn chặn Hải quân Trung Quốc".

Mối lo ngại Mỹ chọn phe trong cuộc đối đầu Trung-Ấn được Trung Quốc đề cập trong bài bình luận hôm 26/7 trên tờ Thời báo Hoàn Cầu. Bài báo chỉ trích "một số thế lực phương Tây đang kích động xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ hòng thu lợi ích chiến lược mà không phải bỏ ra thứ gì".

Giáo sư Malik cho biết, một số chiến lược gia người Trung Quốc ủng hộ giải pháp tiến hành một cuộc chiến ngắn ngày để "dằn mặt" Ấn Độ, đồng thời vẫn đạt được mục tiêu của Bắc Kinh về giành ảnh hưởng trong trật tự khu vực.

Tàu sân bay và tàu ngầm Mỹ nhảy vào chèn ép Hải quân TQ ngay nếu Bắc Kinh đánh Ấn Độ? - Ảnh 1.

Ông Dương Khiết Trì (phải) và ông Ajit Doval gặp nhau tại hội nghị của nhóm BRICS năm 2016 (Ảnh: PTI)

Ở một diễn biến khác, cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, kể từ khi căng thẳng nổ ra ở cao nguyên Doklam/Donglang, đã được tổ chức hôm 27/7 tại Bắc Kinh.

Ông Doval đề xuất các nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để giảm nhiệt cuộc đối đầu. Cuộc gặp được đánh giá là mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi ông Dương là quan chức thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời có ảnh hưởng lớn trong Quốc vụ viện Trung Quốc, nơi ông phụ trách vấn đề đối ngoại.

Ngày hôm nay (28/7), ông Doval sẽ có cuộc tiếp xúc ông Tập Cận Bình.

Trước thềm chuyến công du của ông Doval, Bắc Kinh được cho là đã gửi thông điệp hòa giải qua hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Hãng tin nhà nước Trung Quốc kêu gọi củng cố niềm tin bởi hai nước "không phải là những đối thủ truyền kiếp".

"Hầu hết các nền kinh tế, bao gồm phương Tây, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu chiến tranh Trung-Ấn nổ ra trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và liên kết với nhau như ngày nay," Tân Hoa Xã cảnh báo.

Tại New Delhi, chính phủ Ấn Độ nhắc nhở Trung Quốc tuân thủ các thỏa thuận ký kết vào năm 1993 và 1996 để duy trì hòa bình dọc đường biên giới không chính thức giữa hai nước, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại