Trung Quốc muốn đưa thêm quân sang châu Phi: Cuộc phô trương sức mạnh bắt đầu nóng

Thi Anh |

Đầu tháng 7, Trung Quốc đã triển khai một số quân tới Djibouti để điều hành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của mình. Và họ đang muốn lấn thêm một bước nữa...

Trung Quốc sẽ cân nhắc tới khả năng điều quân tới khu vực biên giới tranh chấp giữa Djibouti và Eritrea, đại sứ Trung Quốc tại Liên minh Châu Phi (AU) tuyên bố trong thời điểm căng thẳng đang gia tăng giữa hai quốc gia Đông Phi.

Trả lời phỏng vấn AP, ông Kuang Weilin cho hay, Bắc Kinh sẽ cân nhắc can thiệp nếu căng thẳng biên giới giữa hai nước Đông Phi bùng phát.

Trung Quốc vốn là một trong những nước đóng góp nhiều nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới, với hơn 2.500 quân được triển khai trong các sứ mệnh toàn cầu.

Hiện nay, lực lượng này không hiện diện ở Djibouti và Eritrea nhưng hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã triển khai một số quân tới Djibouti để điều hành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh. Mỹ cũng có một căn cứ ở nước này tại Camp Lemonnier, căn cứ duy nhất của Washington ở châu Phi.

Ông Kuang nói với AP rằng căn cứ mới của Trung Quốc "sẽ chỉ phục vụ mục đích hậu cần, chứ không có năng lực phòng thủ" và sẽ tập trung vào chống cướp biển, gìn giữ hòa bình và duy trì các hoạt động nhân đạo trên khắp châu Phi, Tây Á.   

Trong khi đó, Reuters đưa tin, căn cứ này khiến Ấn Độ lo ngại bởi từ đó có thể dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc nước này đang tìm cách bành trướng quân sự.

Hồi tháng 6, khoảng 450 binh lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Qatar đóng tại Dumeira đã rút về nước, sau khi quốc gia vùng Vịnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan tới một số quốc gia láng giềng. Qatar vốn giữ vai trò trung gian hòa giải giữa 2 quốc gia Đông Phi trong một thỏa thuận ngừng bắn ở biên giới Dumeira.

Được biết, Eritrea và Djibouti đều tuyên bố chủ quyền với núi Dumeira và đảo Dumeira, nơi dễ dàng tiếp cận các tuyến vận tải quan trọng của biển Đỏ giữa Đông Phi và bán đảo Ả rập. Năm 2008, một vụ xung đột biên giới quy mô nhỏ đã nổ ra trong khu vực.

Mặc dù Qatar đã đứng ra hòa giải và thỏa thuận được ngừng bắn, hai bên tranh chấp vẫn căng thẳng, đặc biệt là khi Djibouti cáo buộc Eritrea đưa quân tới khu vực tranh chấp mà quân đội Qatar vừa rời khỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại