"Nhiệm vụ bất khả thi": Đây mới thực sự là lý do không thể mở cửa máy bay giữa không trung

Nguyễn Hằng |

Nếu không có lực tác động tương đương trọng lượng của hai con voi châu phi thì việc cố gắng mở cửa thoát hiểm khi máy bay ở độ cao 11.000 m sẽ trở thành "nhiệm vụ bất khả thi".

Các nhà khoa học cho biết, việc một người cố gắng dùng tay không mở cửa thoát hiểm khi máy bay đang ở độ cao hành trình (11.000 m) là không thể xảy ra.

Thậm chí, nếu muốn điều đó trở thành hiện thực thì một người đàn ông phải cần đến tác dụng lực hơn 10.750 kg, tương ứng với lực nhấc bổng 2 con voi châu Phi hay 6 con hà mã đực trưởng thành.

Sự việc khiến nhiều chuyên gia vào cuộc có liên quan đến tình huống bất ngờ của một người đàn ông Mỹ.

Nhiệm vụ bất khả thi: Đây mới thực sự là lý do không thể mở cửa máy bay giữa không trung - Ảnh 1.

Máy bay Boeing 767 buộc phải hạ cánh khẩn cấp vì tình huống bất ngờ. Ảnh: Getty Images

Joseph Daniel Hudek, 23 tuổi, tới từ Tamoa, Florida (Mỹ) cố gắng mở cửa thoát hiểm chỉ khoảng một giờ sau khi máy bay Boeing 767 của hãng hàng không Delta khởi hành từ thành phố Seattle (Mỹ) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) vào hôm 6/7/2017 vừa qua.

Sự việc xảy ra bất ngờ khiến phi công buộc phải cho máy bay quay đầu và đáp xuống sân bay quốc tế Seattle-Tacoma, cảnh sát nơi đây đã tiến hành bắt giữ Hudek vì có hành vi gây rối trên chuyến bay.

Nhiệm vụ bất khả thi: Đây mới thực sự là lý do không thể mở cửa máy bay giữa không trung - Ảnh 2.

Người đàn ông cố tình mở cửa thoát hiểm đã gây rối loạn trên chuyến bay. Ảnh: Getty Images

Nhiều người cho rằng, Hudek có khả năng mở được cửa của máy bay và điều đó có thể đe dọa an toàn của phi hành đoàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng dưới góc độ vật lý, Hudek không có đủ sức lực để mở cửa thoát hiểm của máy bay nếu chỉ dùng tay không.

Giải thích điều này, John-Paul Clarke, giáo sư kỹ thuật hàng không, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm vận chuyển hàng không ở Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cho biết, áp suất bên trong cabin máy bay thông thường không bao giờ thấp hơn áp suất ở độ cao 2.400 m so với mực nước biển.

Nếu phát hiện cánh cửa bị mở, phi công sẽ nhận được tín hiệu báo động và ngay lập tức hạ cánh khẩn cấp để giảm chênh lệch áp suất trong cabin.

Chia sẻ với Live Science, giáo sư Clarke cho hay: "Điểm mấu chốt là ở độ cao trên 2.400 m, áp suất bên trong lớn hơn áp suất bên ngoài".

Bên cạnh đó, cửa máy bay được thiết kế và chế tạo đặc biệt. Mặt quay ra bên ngoài nhỏ hơn mặt quay vào trong cabin. Thiết kế cửa được niêm phong bằng một chốt khóa áp suất và phát huy tối đa tác dụng khi ở độ cao nhất định. Do đó, một người không thể đẩy cánh cửa đóng kín này từ bên trong.

Clarke nhận định: "Trên thực tế, bạn phải kéo nó vào bên trong, xoay cửa lại trước khi đẩy cửa ra phía ngoài. Ở độ cao hành trình, sự chênh lệch áp suất là vô cùng lớn".

Vậy áp suất chênh lệch ở đây thực sự là bao nhiêu?

Để giải đáp thắc mắc này, Giáo sư Clarke đã đưa ra một phép toán về lực cần để kéo được cửa máy bay vào trong khi ở độ cao hành trình.

Theo Clarke, áp suất ước tính ở độ cao 2.400 m là 75.260 pascal (Pa – đơn vị đo lường áp suất trong hệ thống đo lường quốc tế (SI)) và áp suất ở độ cao hành trình (11.000 m) là 23.000 Pa.

Trong khi đó, cửa thoát hiểm của máy bay Boeing 767 có kích thước khoảng 1,88 x 1,07 m. Để tính toán về lực cần thiết để kéo cửa vào trong khi ở độ cao hành trình, chúng ta lấy mức chênh lệch áp suất và nhân với diện tích cửa.

Kết quả là chúng ta phải cần đến một lực khoảng 10.750 kg nếu muốn mở cửa máy bay ở độ cao trên 2.400 m.

Nhiệm vụ bất khả thi: Đây mới thực sự là lý do không thể mở cửa máy bay giữa không trung - Ảnh 3.

Lực cần để mở cửa máy bay khi đang ở độ cao hành trình (11.000 m) là 10.750 kg, tương đương với lực nâng 2 con voi châu Phi hoặc 6 con hà mã đực trưởng thành. Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, câu chuyện mở cửa sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu máy bay ở độ cao dưới 2.400 m. Chỉ có sự chênh lệch nhẹ hoặc không có "mất cân bằng" giữa áp suất bên trong và bên ngoài, khiến cho bạn có thể mở cửa máy bay giống như trên mặt đất.

Clarke cho biết: "Ở độ cao dưới 2.400 m, áp suất được kiểm soát để phù hợp với áp suất bên ngoài và đó là lý do tai bạn chỉ đau khi máy bay hạ từ 2.400 m trở xuống".

Sự cố xảy ra trên chuyến bay từ Seattle đến Bắc Kinh của hàng hàng không Delta là một bài học cần phải có những biện pháp phòng ngừa cũng như chế tài xử phạt thích đáng để ngăn chặn hành vi cố ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay nhằm đảm bảo an toàn cho các hành khách.

Nguồn: Livescience, BBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại