Đột nhập "nghĩa địa" của tất cả các loại máy bay trên thế giới

Anh Cương |

Cũng giống con người, những chiếc máy bay "già" tại Anh sẽ được đưa đến một nơi để "an nghỉ" khi chạm đến ngưỡng cuối cuộc đời.

Sau những năm tháng miệt mài cống hiến, thực hiện biết bao chuyến bay, phục vụ biết bao khách hàng, những chiếc máy bay sẽ đến lúc phải "giã từ sự nghiệp".

Thay vì đến các bãi phế liệu, sắt vụn thông thường, những chú chim sắt khổng lồ tại Anh được đưa đến một nơi đặc biệt, được coi là "nghĩa địa tái sinh" dành cho máy bay.

"Nghĩa địa tái sinh" của máy bay - nơi an nghỉ của chú chim sắt khổng lồ

Nơi an nghỉ dành cho những chú chim sắt khổng lồ nằm tại vùng đất trũng thuộc Cotswolds, trung tâm nước Anh.

Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là nơi mà những chiếc máy bay cũ, gỉ sét kết thúc cuộc đời bay lượn của mình, mà còn là nơi chúng được tái sinh. Tại đây, những bộ phận còn có thể sử dụng sẽ được tháo ra để lắp vào những chiếc máy bay "hậu bối".

Đột nhập nghĩa địa của tất cả các loại máy bay trên thế giới - Ảnh 1.

Chịu trách nhiệm thực hiện công việc này là công ty Air Salvage International, được thành lập bởi Mark Gregory.

Lấy trụ sở ngay tại sân bay Costwolds, Air Salvage International đã hoạt động được 20 năm, và mỗi năm "chào đón" trung bình khoảng 50-60 máy bay cũ.

Đột nhập nghĩa địa của tất cả các loại máy bay trên thế giới - Ảnh 2.

Những chiếc máy bay đã "già" sẽ được đưa vào xưởng, và được đội ngũ công nhân tháo dỡ một cách tỉ mỉ từng bộ phận.

Trong đó họ đặc biệt chú ý đến phần động cơ - bộ phận chiếm vai trò quan trọng ít nhất khoảng 80-90% của máy bay.

Đột nhập nghĩa địa của tất cả các loại máy bay trên thế giới - Ảnh 3.

Trung bình để thực hiện tháo dỡ một chiếc máy bay như Boeing 737 hay Airbus A320 sẽ mất 8 tuần, còn đối với những chiếc ngoại cỡ như Boeing 747 hay 777 sẽ phải mất từ 10-15 tuần.

Máy bay "già" được "tái sinh" như thế nào?

Công việc đầu tiên khi tháo dỡ một chiếc máy bay đó là phải loại bỏ hết các "chất lỏng" bên trong. Nhiên liệu, chất làm tan băng, và chất lỏng thủy tinh sẽ được rút hết và đặt trong các thùng lớn trên đường băng sân bay.

Đột nhập nghĩa địa của tất cả các loại máy bay trên thế giới - Ảnh 4.

Sau đó, động cơ sẽ được tháo gỡ một cách cẩn thận, và họ cần dùng đến cần cẩu để làm được điều đó.

Động cơ được bơm các chất bảo quản với áp suất cao, nhằm loại bỏ toàn bộ xăng dầu dư thừa, giúp động cơ tránh khỏi nguy cơ bị ăn mòn.

Về cơ bản, một chiếc máy bay được coi là đủ "già" để xuất hiện tại nghĩa địa là khi các bộ phận đã quá cũ, bị ăn mòn nhiều. Tuy nhiên, cần hiểu rằng phần động cơ và một số bộ phận khác vẫn còn hoạt động tốt.

Vì vậy, những bộ phận đó sẽ được giữ lại bảo quản, rồi "tái sinh" trên cơ thể mới. Số vật liệu không dùng được nữa sẽ chính thức "an nghỉ" tại bãi phế liệu.

Máy bay tái chế là một kho tàng khổng lồ

Việc tái chế động cơ máy bay không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn giúp cho các xưởng sản xuất máy bay tiết kiệm được một khoản chi phí vô cùng đáng kể.

Ví dụ, chi phí để sản xuất động cơ cho một chiếc Boeing 777 tính sơ sơ sẽ rơi vào khoảng 24 triệu bảng Anh (khoảng 690 tỉ VNĐ). Nhưng nếu tận dụng một động cơ Boeing 777 cũ, con số này sẽ chỉ là 2,35 triệu bảng (khoảng 67 tỉ VNĐ), tức là nhỏ hơn gấp 10 lần.

Đột nhập nghĩa địa của tất cả các loại máy bay trên thế giới - Ảnh 5.

Bên cạnh hệ thống động cơ, những bộ phận khác nếu còn tốt cũng sẽ được giữ lại để dùng cho các thế hệ sau.

Thông thường, đó là bộ phận tiếp đất khi hạ cánh, bộ phận trợ lực (tuabin ở phía sau máy bay dùng cho các hệ thống điện), hệ thống điều hòa không khí và lối thoát hiểm.

Đột nhập nghĩa địa của tất cả các loại máy bay trên thế giới - Ảnh 6.

Ngoài ra, hệ thống ghế ngồi cũng là nguồn thu không nhỏ, khi thị trường tiêu thụ mặt hàng này đang phát triển rất mạnh.

Rất nhiều cá nhân và tập thể sẵn sàng mua lại những chiếc ghế ngồi cũ trên máy bay để đào tạo các tiếp viên hàng không, đặt trong các phim trường hay lắp trên các phi cơ riêng. Thông thường, ghế ngồi hạng phổ thông có giá khoảng vài trăm bảng, còn ghế hạng thương gia có giá đắt hơn gấp 10.

Có một điểm rất thú vị, đó là những cuộc mổ xẻ này thường đem lại một số vật dụng do hành khách bỏ quên từ rất lâu. Gregory cho biết, ông đã từng tìm thấy một chiếc ví có chứa khoảng $600 trong buồng lái của một chiếc máy bay thuộc hãng Air New Zealand.

Vị cơ trưởng đen đủi kia chắc đã mất chiếc ví này được... hơn10 năm, và ông đã giật mình sửng sốt khi chiếc ví được gửi trả về ngôi nhà tại Úc.

Không chỉ ví, mà còn bút máy, thẻ nhớ... và nhiều vật dụng khác cũng được tìm thấy. Thậm chí có lần, Gregory còn tìm được... 3kg cocaine bằng cách nào đó được vận chuyển lậu lên máy bay.

Nguồn: BBC Future

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại