Phát hiện hóa chất lạ trên sao Hỏa: "Cái kết buồn" cho việc tìm sự sống ngoài hành tinh?

Nguyễn Hằng |

Kỳ vọng tìm thấy sự sống ngoài hành tinh có thể trở thành nhiệm vụ bất khả thi nếu hợp chất kỳ lạ này “bùng nổ” trên sao Hỏa.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh, Anh phát hiện thấy hợp chất perchlorate "ẩn náu" trong bề mặt sao Hỏa, có thể tiêu diệt hết toàn bộ vi khuẩn.

Điều này cho thấy sao Hỏa khó có thể chở thành "mảnh đất hứa" của sự sống ngoài hành tinh do tồn tại loại hợp chất quá độc hại.

Phát hiện hóa chất lạ trên sao Hỏa: Cái kết buồn cho việc tìm sự sống ngoài hành tinh? - Ảnh 1.

Bề mặt sao Hỏa "nguy hiểm" hơn chúng ta tưởng.

Chất độc khó lường

Perchlorate là một loại hợp chất của clo, thành phần làm cho nước trên bề mặt sao Hỏa chủ yếu tồn tại ở dạng lỏng và có vị mặn.

Jennifer Wadsworth, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Perchlorate có thể gây nguy hiểm cho con người nên chúng ta phải chắc chắn rằng chúng không có ở quanh khu vực nhà ở".

Theo nghiên cứu mới, hợp chất perchlorate vô cùng dồi dào trên sao Hỏa. Tuy nhiên, điều đáng ngại là khi các hợp chất của perchlorate tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời (đặc biệt là tia UV) thì chúng có thể có khả năng tiêu diệt bất kỳ dạng sống nào chỉ trong một thời gian ngắn.

Các nhà nghiên cứu cho hay, nhiệm vụ trong tương lai là phải tìm kiếm sự sống đã từng tồn tại, ẩn sâu dưới bề mặt sao Hỏa.

Để tìm hiểu được tác động của loại hợp chất độc hại này, nhóm nghiên cứu đã đưa Bacillus subtilis (một loại vi khuẩn thường thấy xuất hiện phổ biến trên các tàu vũ trụ) vào trong dung dịch magnesium perchlorate trên đĩa petri với nồng độ tương tự như môi trường trên sao Hỏa.

Sau đó, họ đặt thí nghiệm trên tiếp xúc với tia cực tím. Kết quả thu được rất bất ngờ, không có bất kỳ vi khuẩn nào có thể sống sót sau thí nghiệm với thời gian chỉ sau 30 giây.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, hai thành phần khác trên bề mặt sao Hỏa là ​​oxit sắt và hydrogen peroxide có thể hoạt động cùng với perchlorate có khả năng tiêu diệt vi khuẩn mạnh gấp 10 lần.

Chưa biết liệu perchlorate hoạt tính có thể lan rộng bao xa, nhưng có thể hóa chất độc hại này sẽ di chuyển được xuống sâu bên dưới bề mặt vài mét, nơi mà sự sống có thể tồn tại.

Mặc dù perchlorate có tính chất ổn định ở nhiệt độ trong phòng thí nghiệm nhưng do là chất oxy hóa mạnh nên nó có khả năng gây tổn hại đến tế bào sống khi bị kích hoạt ở nhiệt độ cao.

Sự sống "mong manh"

Nhóm nghiên cứu cho hay: "Mặc dù đã từng nghi vấn, nhưng những quan sát của chúng tôi cho thấy bề mặt sao Hỏa rất nguy hiểm đối với sinh vật sống do có chứa nhiều tác nhân độc hại như các chất oxy hóa, oxit sắt, perchlorate và tia cực tím".

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tiến hành một thí nghiệm khác. Đó là để vi khuẩn B.subtilis sống trong mẫu vật làm bằng silic, tương tự như đá sao Hỏa.

Phát hiện hóa chất lạ trên sao Hỏa: Cái kết buồn cho việc tìm sự sống ngoài hành tinh? - Ảnh 2.

Hình ảnh vi khuẩn B.subtitis. Ảnh: Shutterstock

Những điều kiện này giúp cho B.subtitis dễ dàng sống sót hơn nhưng tiếc là hầu hết chúng vẫn chết. Điều đó có nghĩa là nếu thực tồn tại sự sống trên sao Hỏa thì có thể nó đang ẩn giấu sâu bên dưới bề mặt của hành tinh đỏ.

Tồn tại quá nhiều perchlorate là một trong những "điều kiện tồi", khó có thể duy trì sự sống trên hành tinh này.

Tuy nhiên, nếu đất của sao Hỏa (nơi có chứa nhiều perchlorate) giết chết các vi khuẩn có nguồn gốc từ Trái Đất khi tiếp xúc với tàu vũ trụ hoặc robot thám hiểm, thì các sứ mệnh trong tương lai của chúng ta sẽ ít có cơ hội làm lây nhiễm mầm sống cho hành tinh lân cận.

Mặc dù không phát hiện bất kỳ sự sống nào trên sao Hỏa nhưng các nhà nghiên cứu kỳ vọng, vi khuẩn hoặc các dạng sống khác có thể tồn tại ở sâu bên dưới bề mặt.

Các nhà khoa học cũng hy vọng rằng nghiên cứu mới trong tương lai có thể giúp tìm ra cơ chế hoặc cách thức tiêu diệt các tế bào sống của loại hóa chất perchlorate trên hành tinh này.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Nguồn: Sciencealert, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại