Su-22 phải làm sao để chiến thắng F/A-18 trong không chiến?

Nam Đồng |

Hôm 18/6, một chiến đấu cơ đa năng F/A-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ đã bắn hạ chiếc cường kích Su-22M4 thuộc biên chế Không quân Syria trên bầu trời gần Tabqa.

Chiếc cường kích của Syria bị bắn hạ khi đang làm nhiệm vụ tấn công mặt đất, do vậy khả năng cao là nó không mang theo tên lửa không đối không, nhưng kể cả trường hợp có trang bị loại vũ khí này thì Su-22M4 vẫn không phải là đối thủ của F/A-18E Super Hornet.

Với đặc trưng của máy bay tấn công mặt đất bằng bom hoặc tên lửa dẫn đường quang truyền hình, laser... Su-22 không có radar dẫn bắn, chỉ có thể sử dụng tên lửa không đối không hồng ngoại K-13M hoặc R-60 để phục vụ mục đích tự vệ.

Động cơ lắp cho Su-22 là loại Lyuka AL-21F3, cho tốc độ tối đa 1.860 km/h, trần bay hơn 14 km, vận tốc leo cao 230 m/s. Các thông số trên cho thấy Su-22 không phải là một phi cơ chậm chạp, nhưng đáng tiếc rằng kết cấu cánh cụp cánh xòe lại khiến nó khó thực hiện các thao tác vận động phức tạp, yếu tố sống còn trong không chiến quần vòng cự ly ngắn.

Su-22 phải làm sao để chiến thắng F/A-18 trong không chiến? - Ảnh 1.

Cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22M4 của Không quân Ba Lan

Nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho Su-22, liên doanh giữa Sukhoi và Sextant Avionique của Pháp đã giới thiệu phiên bản nâng cấp Su-22M5 để biến dòng cường kích đơn nhiệm lạc hậu này thành chiến đấu cơ đa năng hiện đại.

Thay đổi đáng chú ý nhất là hệ thống Klen-PS/54 trong chóp mũi được thay thế bằng radar Phathom - sản phẩm liên doanh giữa Phazatron và Thomson-CSF, có thể phát hiện mục tiêu diện tích phản xạ radar (RCS) 5m2 từ khoảng cách 75 km, theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tiến công đồng thời 2 mục tiêu.

Bên cạnh đó, máy bay còn có thêm hệ thống điều khiển "bay bằng dây", máy tính trung tâm và hệ thống truyền dữ liệu MIL-STD-1553, hệ thống dẫn hướng-tấn công PrNK-5, màn hình hiển thị trên mũ phi công Cobra HMD... Sau nâng cấp, Su-22M5 đảm đương tốt mọi nhiệm vụ, từ tiêm kích đánh chặn cho tới tấn công mục tiêu mặt đất và trên biển.

Su-22 phải làm sao để chiến thắng F/A-18 trong không chiến? - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ đa năng F/A-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ

Mặc dù đã mang trong mình sức mạnh mới, nhưng khi đặt cạnh F/A-18E/F Super Hornet thì Su-22 nâng cấp vẫn còn một khoảng cách rất dài mới có thể đuổi kịp.

Super Hornet được lắp radar mảng pha quét chủ động APG-79, phát hiện mục tiêu có RCS 5 m2 từ cự ly lên tới trên 192 km (gấp hơn 2 lần con số 75 km của radar Phathom trên Su-22M5). F/A-18E/F nhìn thấy kẻ thù từ xa nhưng đối phương lại rất khó định vị chính xác nó thông qua tần số radar, bởi APG-79 biến tần rất nhanh.

Tổ hợp phòng thủ IDECM của F/A-18E/F bao gồm hệ thống đối phó trả đũa ALE-47, ALE-50; cảnh báo bị khóa bởi radar AN/ALR-67(V)3; hệ thống gây nhiễu gắn trên máy bay ALQ-165 (ASPJ) khiến máy bay địch cực khó đưa nó vào tầm ngắn. 

Ngoài ra khả năng thao diễn của Super Hornet cũng "ăn đứt" hoàn toàn Su-22M5, vật liệu cấu thành "Siêu ong bắp cày" còn giúp máy bay có khả năng tàng hình nhẹ. 

Chênh lệch tính năng như trên, nếu Su-22 không được hỗ trợ bởi radar mặt đất để thực hiện một cuộc tập kích bất ngờ thì hoàn toàn không có "cửa thắng" khi phải đối đầu F/A-18E/F Super Hornet, kể cả khi được nâng cấp lên phiên bản cao cấp nhất là Su-22M5.

Trong trường hợp bị F/A-18E chủ động tấn công như hôm qua, cách tốt nhất mà Su-22 nên làm chỉ là cố gắng rút lui nhanh nhất có thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại