Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: 4 thay đổi và 4 bài học của ASEAN

Lương Hương |

"Ở Việt Nam chúng tôi có một câu: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao, nên 10 nước ASEAN mà chụm lại thì ngọn núi sẽ còn rất cao, còn 10 nước chúng ta mà là 10 cái cây đứng riêng biệt thì gió thổi đổ lúc nào không biết".

Tại Hội nghị quốc tế "Chuyển dịch địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN" do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 9/6, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã có một bài phát biểu được các đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt và đánh giá rất cao.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: 4 thay đổi và 4 bài học của ASEAN - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Mở đầu bài phát biểu của mình, nguyên Phó Thủ tướng cho biết, nhìn lại 50 năm ra đời và phát triển của ASEAN, ông nhận thấy có 4 thay đổi rất lớn ở khu vực cũng như trong các hoạt động của ASEAN.

Thứ nhất, nếu năm 1967, khi ASEAN ra đời, chiến tranh vẫn còn đang diễn ra khá căng thẳng ở Đông Nam Á. Các cuộc chiến tranh và xung đột kéo dài 25 năm, từ năm 1967 cho đến đầu năm 1991 khi ký Hiệp định Paris về vấn đề Campuchia.

Đến nay, bức tranh ấy đã thay đổi hẳn. Chí ít, đã không còn chiến tranh nóng giữa các nước hay trong khu vực mặc dù vẫn còn đó những căng thẳng trên Biển Đông, còn đó mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố hay những căng thẳng bên ngoài dội vào ASEAN.

Nếu so với 50 năm trước thì cục diện bây giờ đã khác hẳn. Đây là một sự thay đổi rất lớn.

Thứ hai, nhớ lại 50 năm trước, ASEAN là những nước nghèo, chậm phát triển thì bây giờ 10 nước ASEAN, dù mức độ phát triển khác nhau nhưng đều là những nước phát triển tương đối và nhiều nước đã trở nên phồn vinh và có vai trò rất lớn về kinh tế trên thế giới.

Đây là một sự thay đổi rất quan trọng.

Thứ ba, Đông Nam Á của 50 năm trước là một khối bị chia rẽ, xung đột lẫn nhau nhưng bây giờ 10 nước Đông Nam Á đã cùng nắm tay nhau trong một tổ chức thống nhất là ASEAN.

Thay đổi thứ tư là vai trò của các nước Đông Nam Á xưa kia là không có gì đáng kể.

Thậm chí, ở một số mức độ khác nhau, hình thức khác nhau, một số nước Đông Nam Á bị lôi kéo vào các cuộc xung đột và trở thành những quân cờ thì bây giờ ASEAN đã trở thành một tổ chức đã chứng tỏ được sự độc lập và còn có thể dẫn dắt, đóng một vai trò rất chắc chắn ở khu vực.

Cũng theo ông Vũ Khoan, nhìn lại 50 năm phát triển của ASEAN, chúng ta có thể rút ra 4 bài học.

Bài học thứ nhất là ASEAN hay bất kỳ khu vực nào cũng không thể phát triển được nếu vẫn còn chiến tranh, xung đột. Lịch sử 50 năm qua của ASEAN và tình hình thế giới đã chứng tỏ điều đó.

Bài học thứ hai, bất kỳ quốc gia nào cũng không thể phát triển trong sự cô lập. Mỗi quốc gia chỉ có thể phát triển nếu liên kết với nhau trong khu vực và hội nhập với thế giới.

Bài học thứ ba, 50 năm vừa qua đã cho các nước Đông Nam Á thấy chúng ta chỉ có thể mạnh nếu chúng ta liên kết với nhau. Lịch sử của Đông Nam Á chí ít từ giữa những năm 1990 đến giờ khi mà ASEAN bao gồm cả 10 nước đã chứng tỏ điều đó.

Bài học thứ 4, chúng ta chỉ có thể có được điều này nếu ASEAN tự lực, tự cường, giữ được độc lập, không biến mình thành trò chơi hay thành lá bài ở trên tay người khác. Chúng ta phải chủ động dẫn dắt thế giới chứ không thể để thế giới dẫn dắt mình.

Không chỉ điểm lại những sự thay đổi căn bản và những bài học mà ASEAN có thể rút ra trong quá trình phát triển suốt nửa thế kỷ qua của mình, nguyên Phó Thủ tướng còn chỉ ra những thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt trong những năm tiếp theo.

Về kinh tế, ASEAN là một khối phát triển khá thịnh vượng, hội nhập với nhau khá chặt chẽ nhưng đang đứng trước 2 thách thức rất lớn.

Thứ nhất, thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Nếu nhìn lại lịch sử phát triển của ASEAN thì chúng ta sẽ thấy khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 vào cuối thế kỷ trước, ASEAN đã nắm bắt được 2 xu hướng và nhờ đó đã phát triển được.

Xu hướng thứ nhất là cuộc cách mạng CNTT và nhiều nước ASEAN đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế để nắm bắt lấy những cơ hội mà cách mạng thông tin đưa lại.

Thứ hai là xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá phát triển rất mạnh và ASEAN cũng đã nắm bắt rất tốt.

Ngày nay, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, liệu ASEAN có nắm bắt được không vì những phát minh, sáng chế nằm ở đâu đó chứ không phải nằm ở ASEAN.

Nếu không nắm bắt được, ASEAN sẽ sa vào sự lạc hậu về chất. Trong thời gian tới, ASEAN cần phải tính toán để tiếp cận mạnh mẽ nhưng cũng thực tế, đúng với khả năng của mình.

Thách thức thứ hai, nếu trước đây ASEAN phồn vinh lên nhờ nắm bắt được xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá nhưng bây giờ lại đang nổi lên xu hướng bảo hộ.

Kinh tế của ASEAN vốn là hướng ngoại, buôn bán nội khối còn rất thấp nên nếu buông ngọn cờ tự do hoá và toàn cầu hoá, kinh tế ASEAN sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Về mặt an ninh, có 3 hiện tượng đang nổi lên và có thể đe doạ sự ổn định của khu vực. Một là tình trạng bất ổn định trên Biển Đông, biển Hoa Đông hay Đông Bắc Á cùng với vấn đề Triều Tiên… là điều ASEAN rất không mong muốn nhưng nó lại đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. ASEAN sẽ ứng phó với những nguy cơ này như thế nào?

Thứ nữa, chủ nghĩa khủng bố đang lan toả sang cả ASEAN. Một số nước ASEAN đã trở thành đối tượng, địa bàn hoạt động của chủ nghĩa khủng bố.

Thứ ba là sự tranh hùng giữa các nước lớn trong sự chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia trên thế giới. Trước đây, ASEAN đã rất thành công trong việc thích nghi với những sự chuyển dịch sức mạnh đó, kể cả khi thế giới là 2 cực, kể cả khi tam giác Xô – Mỹ - Trung.

Trên thế giới đang diễn ra sự giằng co của 2 xu hướng: Hướng tâm và ly tâm. Hướng tâm thể hiện trong việc hình thành các tổ chức liên kết như EU hay ASEAN.

Song song với hướng tâm là xu hướng ly tâm (ly khai), phản ảnh sự va đập lợi ích chung và lợi ích riêng của từng quốc gia. Chừng nào các quốc gia còn tìm thấy tiếng nói chung, lợi ích chung thì xu thế hướng tâm sẽ tăng lên.

Khi lợi ích riêng tư nổi trội thì sẽ ly tâm. Có thể ASEAN sẽ không gặp phải vấn đề như Brexit nhưng cũng không nên xem thường. Làm sao để có thể hài hoà giữa lợi ích chung và lợi ích riêng là một vấn đề rất thời sự đối với ASEAN.

Trong khuôn khổ đó, ASEAN làm thế nào để có thể điều phối được mối quan hệ với các nước lớn? Trong sự tranh hùng mới, sự va đập giữa các nước lớn có những nét mới. Một trong những biểu hiện của việc này là vấn đề Biển Đông.

Tất cả các nước ASEAN đều muốn có hoà bình, có ổn định, đều muốn tôn trọng luật pháp quốc tế hay giải quyết hoà bình các mối xung đột nhưng điểm mấu chốt là các xung đột có thể xuất hiện lại không phải do các nước ASEAN gây ra.

Để kết thúc bài phát biểu của mình, nguyên Phó Thủ tướng đã trích dẫn câu ca dao Việt Nam để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, nhất trí đối với tương lai 50 năm tới của ASEAN.

"Ở Việt Nam chúng tôi có một câu: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao và 10 nước ASEAN mà chụm lại thì ngọn núi sẽ còn rất cao, còn 10 nước chúng ta mà là 10 cái cây đứng riêng biệt thì gió thổi đổ lúc nào không biết", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại