Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tiến sĩ Terry F. Buss |

Có lẽ ngay cả nhà viết kịch đại tài Shakespeare cũng không thể viết ra một câu chuyện ly kỳ hơn 100 ngày đầu tiên tại nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

LTS: Ngày mai, 29/4 là tròn 100 ngày Tổng thống Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ. Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của tiến sỹ Terry F.Buss (Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) viết riêng cho báo điện tử Trí Thức Trẻ, đánh giá về thời kỳ quan trọng này.

Vào hôm 23/10/2016, chỉ 16 ngày trước khi đắc cử, Trump công bố bản "Cam kết với Cử tri Mỹ." Bản Cam kết này liệt kê ra những mục tiêu quan trọng mà Trump sẽ hoàn thành trước ngày thứ 100 ở Nhà Trắng, sẽ rơi vào 29/4/2017. 

Nhìn nhận từ thành công của đảng Cộng hòa khi thâu tóm Quốc hội dưới quyền Tổng thống Bill Clinton vốn thuộc đảng Dân chủ vào năm 1994, Trump đã "học hỏi" từ bản Cam kết với người dân Mỹ của phe Cộng hòa khi đó để làm bàn đạp chiếm lại Quốc hội sau 40 năm nằm trong tay người Dân chủ.

Thế nhưng cũng giống như bản Cam kết của Quốc hội năm 1994, bản Cam kết 100 ngày của Trump được cho là đã thất bại toàn tập.

Trump đã ban hành nhiều sắc lệnh lớn nhằm bãi bỏ chính sách của TT Obama về môi trường và quy định chính phủ, nhưng cả hai chính sách lớn nhất là lệnh cấm người dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh và lệnh cắt nguồn tài trợ cho các "thành phố bảo vệ" (những nơi chấp nhận người nhập cư trái phép) đều bị các tòa án liên bang thuộc phe Dân chủ đình chỉ vì vi hiến.

Quốc hội hiện tại dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa vẫn chưa thể thông qua bất cứ đạo luật nào. Phe Cộng hòa không thể thông qua đạo luật chăm sóc sức khỏe khổng lồ cũng như kế hoạch xây dựng tường ngăn biên giới Mexico do bị phía Dân chủ qua mặt. Các kế hoạch cải cách thuế, cơ sở hạ tầng và việc làm đều đang nằm im lìm chờ đợi.

Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Trump trong phòng làm việc cùng Phó Tổng thống Mike Pence, Chánh văn phòng Reince Priebus và cố vấn cấp cao Steve Bannon. Ảnh: Getty

Trump luôn đặt nhiều niềm tin vào thành công vang dội của bản Cam kết, và không ngừng nhấn mạnh với truyền thông và phe đối lập về các thành tựu của mình hàng ngày. Nhưng đến khi tia hy vọng thành công cuối cùng bị dập tắt ngay trước ngày 29/4, Trump đã đi ngược lại chính mình, tuyên bố những mục tiêu 100 ngày là "vô nghĩa", và là "hàng rào cản trở."

Trump thậm chí còn chê bai bản Cam kết trong buổi phỏng vấn mới đây với AP, tuyên bố rằng "có ai đó đã đưa ra bản Cam kết" nhưng không nhớ được là ai, khi nào và ở đâu.

Mặc dù vậy, Trump vẫn sẽ tổ chức một buổi vận động quy mô lớn vào 29/4 để ăn mừng ngày làm việc thứ 100.

Lý do đằng sau thất bại của Trump là gì? Và điều này có ý nghĩa như thế nào với tương lai?

Kỳ vọng phi thực tế

Giới phân tích cho rằng, 100 ngày vừa qua cho thấy Trump không có khả năng đưa những lời hứa tranh cử thành hiện thực, và rằng việc tranh cử quá khác biệt so với khả năng cầm quyền thực sự. Tuy nhiên cách lý giải này có phần quá đơn giản.

Thứ nhất, Trump đi quá xa khi liệt kê ra quá nhiều chính sách và còn hứa sẽ hoàn thành chúng trong vòng 100 ngày. Không chỉ vậy, Trump còn công kích truyền thông, khiến cho nhất cử nhất động về các mục tiêu và tiến trình đều bị theo dõi sát sao.

Bất cứ ai từng làm việc trong chính phủ đều hiểu rằng Tổng thống, các ban ngành, Quốc hội và tòa án không thể giải quyết công việc nhanh chóng. Bộ máy quản trị Mỹ luôn trong tình trạng tắc nghẽn, càng có nhiều việc phải làm thì khối lượng công việc đã hoàn thành càng nhỏ giọt.

Chính vì vậy, những phần việc cần từ 4 đến 8 năm để hoàn thành không thể xong trong 100 ngày. Nên nhớ rằng Tổng thống Barack Obama không đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ đầu, và đã phải liên tục qua mặt Quốc hội và men theo Hiến pháp để hoàn thành những chính sách mà Trump đang dần dần loại bỏ.

Trump cũng không nhận được lời khuyên gì hữu ích về cách đưa lịch trình khổng lồ đến với công chúng. Trong 100 ngày đầu, Trump theo đuổi phong cách "gây sốc", áp đảo đối phương khiến họ tê liệt và chịu thất bại.

Steve Bannon, người đứng sau lịch trình nêu trên không có kinh nghiệm quản trị hoặc lập pháp. Bannon còn từng tuyên bố rằng ông muốn phá hủy toàn bộ hệ thống chính trị hiện hành.

Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 2.

Jared Kushner và Steve Bannon - hai cố vấn có tầm ảnh hưởng lớn với Donald Trump. Ảnh: Getty

Trump còn giao cho con rể Jared Kushner trọng trách cải tổ chính phủ, cải cách, đối ngoại, đối nội và hầu như là mọi lĩnh vực khác - Kushner cũng không có kinh nghiệm làm việc với những vấn đề này.

Có lẽ người duy nhất sở hữu kinh nghiệm lãnh đạo và chính sách là Phó Tổng thống Mike Pence, do ông từng là nghị sĩ và Thống đốc bang Indiana. Nhưng Pence lại dành phần lớn thời gian để giải thích các chính sách của Trump cho Quốc hội, truyền thông và lãnh đạo các nước khác.

Ví dụ cho điều này chính là lệnh cấm người dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Trump ban hành sắc lệnh, nhưng lại không để tâm đến các vấn đề quản trị khác. Cơ quan có thẩm quyền sẽ phải thẩm định kỹ lưỡng sắc lệnh, bao gồm bộ quy tắc và quy trình - nhưng phần việc này đã bị bỏ qua.

Kết quả là hàng nghìn khách du lịch có đầy đủ thị thực đã bị từ chối nhập cảnh, bị bắt hoặc tạm giam ở sân bay. Tình hình hỗn loạn bùng nổ từ đó.

Một yếu tố khác đó là có ít người trong đảng Cộng hòa ủng hộ Trump. Trump vận động tranh cử dựa trên cơ sở chối bỏ quyền lãnh đạo của đảng Cộng hòa, chính vì vậy ông đã để vuột mất sự hiểu biết về chuyên môn của nhiều nghị sĩ bảo thủ - những người đã có thể giúp Trump chuẩn bị tốt hơn cho 100 ngày vừa rồi.

Không chỉ vậy, Trump không thu hút được nhân sự đủ điều kiện để lấp đầy khoảng 4.000 ghế trống trong các cơ quan chính phủ cấp cao.

Thứ hai, dường như Trump tin rằng ông chỉ cần ban hành sắc lệnh và nó sẽ tự động được thi hành. Ông chủ Nhà Trắng đã quên rằng ông cần làm việc với cả người ủng hộ và phe đối lập trong Quốc hội và bộ máy nhà nước để đem lại kết quả thực sự.

Một ví dụ cho điều này chính là đạo luật sức khỏe thay thế Obamacare, hứa hẹn tiêu tốn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Đạo luật này ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Mỹ, và tối quan trọng với Quốc hội, bệnh viện, nhà thuốc, công ty dược phẩm, v.v... Tuy nhiên do những ý kiến từ các bên không được ghi nhận, đạo luật này được coi như đã thất bại từ trong trứng nước. Các nghị sĩ bất đồng ý kiến đến mức lãnh đạo hai viện không thể ban hành cuộc bỏ phiếu.

Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 3.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan công bố đảng Cộng hòa sẽ không tổ chức bỏ phiếu cho dự luật chăm sóc sức khỏe thay thế Obamacare vào ngày 24/3. Ảnh: Getty

Đạo luật sức khỏe còn ẩn chứa một vấn đề khác không phải lỗi do Trump. Obama thông qua Obamacare sau nỗ lực kéo dài 2 năm, nhưng đảng Cộng hòa đã dành 6 năm sau đó để phản đối. Khi nắm trong tay chiếc ghế Tổng thống và thâu tóm Quốc hội, phe Cộng hòa vẫn không thể thống nhất một phương án thay thế Obamacare.

Điều này khiến giới phân tích cho rằng người Cộng hòa không thể lãnh đạo, mà chỉ biết phản đối. Sau khi đắc cử, Trump vô tình tham gia vào tình trạng hỗn loạn này. Ông đã không thể dùng tới kỹ năng đàm phán trứ danh của bản thân - mặc dù luôn vỗ ngực tự hào.

Dù ông có muốn hay không, Trump vẫn cần làm việc với tất cả các bên để đạt được thỏa hiệp hay thống nhất ý kiến. Chỉ một Thượng nghị sĩ thôi cũng có khả năng khiến bộ máy quản trị của Mỹ ngưng hoạt động. Khi một nhóm 30 nghị sĩ bảo thủ bày tỏ ý kiến ủng hộ Obamacare, Trump đe dọa sẽ vận động chống lại họ trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 2018 mặc dù hai bên cùng thuộc đảng Cộng hòa.

Thứ ba, dường như Trump không có nhiều kiến thức về những lĩnh vực trong bản Cam kết. Ông từng thừa nhận rằng mình ít khi đọc sách báo, mà theo dõi tin tức qua tivi truyền hình cáp. Trump sử dụng 140 ký tự của Twitter để công bố nhiều chính sách, và cách truyền đạt của ông cũng có phần giống tít báo: "Thương mại rất tồi tệ đối với người lao động Mỹ."

Hệ quả của thói quen này là các chính sách không rõ ràng, luôn thay đổi mỗi khi Trump biết thông tin mới hoặc được các cố vấn thuyết phục.

Khi còn tranh cử, Trump nói NAFTA (hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico và Canada) - cần thương lượng lại vì nó bất lợi với lao động Mỹ. Vài ngày sau, Trump khẳng định cần phải chấm dứt NAFTA. Đến bây giờ ông lại cho rằng NAFTA không quá tệ.

Tin vui là có khả năng Trump sẽ xem xét lại hiệp định thương mại tự do TPP với 12 nước châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đã rút khỏi ngay từ ngày đầu tiên. Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.

Nước Mỹ phân mảnh

Có thể nói cuộc vận động tranh cử năm 2015 - 2016 là cuộc vận động chia rẽ nhất lịch sử. Hillary Clinton và đảng Dân chủ thúc đẩy công chúng về cánh tả, dựa trên các quan điểm chính trị về chủng tộc, giới tính và tầng lớp xã hội. 

Bernie Sanders và phía Xã hội Chủ nghĩa ủng hộ vị trí lề trái hơn nữa, tuyên truyền phương thức quản trị như các nước châu Âu. 

Donald Trump vận động với tư cách một ứng viên đi ngược lại các quan điểm sẵn có, đưa đất nước về cánh hữu, thu hút những cử tri lao động da trắng bị đảng Dân chủ và Cộng hòa "ngó lơ".

Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 4.

Từ trái qua: Bernie Sanders, Donald Trump và Hillary Clinton. Ảnh: AP

Clinton và Sanders gây chia rẽ đảng Dân chủ, còn Trump chia rẽ đảng Cộng hòa. Còn bây giờ hai đảng lớn đang chuyển sang tấn công lẫn nhau. Phe Chống đối được thành lập bởi Thượng nghị sĩ Clinton, Sanders và phe cánh tả, nhằm mục đích phản đối và quyết hạ bệ tổng thống Trump.

Đến chương trình nghị sự của Trump khó có thể được hoàn thành trong vòng 100 ngày do những phân hóa gay gắt trong xã hội. 

Trước khi Trump nhậm chức, phe cánh tả đã tổ chức biểu tình bạo lực khắp đất Mỹ và cho tới nay, những cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Hàng trăm ngàn phụ nữ diễu hành trên đường phố Washington ngay sau lễ nhậm chức của Trump trong khi hàng loạt cuộc biểu tình khác được tổ chức toàn quốc vào Ngày Trái Đất để phản đối việc Trump hủy bỏ các chính sách môi trường của tổng thống Obama.  

Ở các địa phương, các đảng viên đảng Cộng hòa bị tấn công và hăm dọa trong các tòa thị chính. Đảng Dân chủ nhiều lần từ chối tham gia các cuộc họp hội đồng nhằm trì hoãn lễ nhậm chức của các quan chức cấp cao dưới quyền Trump và cũng đồng loạt bỏ phiếu phản đối Neil Gorsuch, người được Trump chọn làm Thẩm phán Tòa án Tối cao. 

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa buộc phải thay đổi các điều lệ để thẩm phán Gorsuch đủ điều kiện nhậm chức. Đây là một thành tựu của Trump, nhưng nó khiến phe cánh tả càng thêm tức giận.

Truyền thông thiên vị

Các tổ chức truyền thông và phóng viên cánh tả nắm gần như toàn quyền tin tức trong tay. Khi Trump tranh cử tổng thống, nhất cử nhất động của ứng cử viên này bị khai thác triệt để. Cho tới nay, những tin tức xoay quanh tổng thống Trump vẫn đặc biệt thu hút dư luận. 

Trump không hề né tránh báo giới, và thường xuyên xuất hiện để trực tiếp trả lời mọi vấn đề, trong khi đối thủ Clinton từ chối mọi cuộc họp báo và giới truyền thông. Tháng 11/2016, báo giới cánh tả bắt đầu ngừng những tin bài khách quan và thay vào đó tập trung vào những tin tức có thể hạ gục Trump. 

Thời báo New York Times thậm chí còn gỡ bỏ những chuẩn mực của tòa soạn để lên kế hoạch bôi nhọ ứng cử viên này. Hầu như mọi tin liên quan đến Trump đều là tin tiêu cực và đầy định kiến. Các tin thực tế thường được chèn thêm những dòng quan điểm vốn chỉ xuất hiện trên những trang bàn luận ý kiến. 

Chưa dừng ở đó, những tin giả bắt đầu tràn lan trên các mặt báo. Thay vì tìm kiếm những nguồn tin cậy, các tòa soạn chấp nhận tung các tin chưa qua xác nhận để thu hút độc giả. 

Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 5.

Ảnh: Huff Post

Không như các tổng thống tiền nhiệm, tổng thống Trump không có tuần đầu làm việc suôn sẻ sau lễ nhậm chức. Các phiếu khảo sát ý kiến cho thấy giới truyền thông tiếp tục tấn công Trump. Chỉ có 44% người được hỏi ủng hộ Trump, thấp hơn mọi tổng thống trước đó và dù Trump có cố gắng thế nào thì ông cũng không thể thành công trong 100 ngày đầu nhậm chức.

 Mỗi khi một chính sách thất bại, báo giới tập trung vào những điểm yếu kém. Khi Trump thay đổi một chính sách, báo giới chỉ trích ông không giữ lời khi còn tranh cử. 

Khi một chính sách được ban hành, các phương tiện truyền thông cho rằng nó là vi hiến, đi ngược lại chương trình của Obama, gây hại nhiều hơn có lợi cho nước Mỹ, được thông qua để giúp giới giàu có, các ngân hàng hay giúp các hoạt động kinh doanh tư nhân của Trump hưởng lợi.

Việc tổng thống Trump không làm rõ các tuyên bố, cùng với truyền thông thiếu khách quan và đầy những thông tin giả mạo, giờ đây chính phủ và dân Mỹ đều gặp khó khăn trong việc nắm được thông tin để đưa ra quyết định về chính sách. Nền dân chủ rõ ràng đang gặp nguy hiểm. 

Nhìn về phía trước

Tương lai của nước Mỹ khá ảm đạm khi quốc gia này phân hóa khá đồng đều giữa một phía Đảng Cộng hòa ủng hộ tổng thống đương nhiệm trong khi Đảng Dân chủ đồng loạt chỉ trích người đàn ông này. 

Không phe nào chịu nhường phe nào. Các đối thủ tích trữ lượng tiền nhiều chưa từng thấy để công kích phe còn lại. Từ các tổ chức cộng đồng cho tới các tổ chức phi lợi nhuận, cả xã hội Mỹ đều dần bị cuốn vào cuộc nội chiến này. 

Cảnh tượng này gợi nhắc tới đất nước Mỹ hồi những năm 1960. Cựu tổng thống Obama cũng tham gia bằng việc đào tạo một nhóm lãnh đạo tương lai nhằm phản đối kế hoạch hoạt động của Trump. 

Vì chính phủ quá phân hóa và phe này không thể áp đảo phe còn lại, một phe thứ ba xuất hiện. Mỗi khi một bên bị đánh bại, họ sẽ tới tòa án để tìm hướng giải quyết hoặc viện tới quyết định của tòa để trì hoãn tiến trình này. 

Trump đã cho phép thi công đường ống dẫn dầu trị giá 3,7 tỉ đô la Mỹ tại Nam Dakota, gần vùng đất của người Anh-điêng. Trước đó, do không ủng hộ dự án này, Obama đã đệ trình lên tòa án suốt nhiều tháng, hy vọng có thể dập tắt nó. 

Chuyện ly kỳ về 100 ngày đầu tiên tại nhiệm sở của Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh 6.

Bộ máy tư pháp trong tòa án liên bang không nhậm chức thông qua bầu cử, do đó phe Chống đối trao quyền lập pháp vào tay những người không lo sợ bị miễn nhiệm. Hầu hết họ thuộc đảng Dân chủ. 

Có lẽ tình hình này sẽ không kéo dài lâu. Trump được quyền bổ nhiệm 100 thẩm phán liên bang mới, và ông sẽ chọn những người cùng quan điểm với mình như Obama đã lựa chọn. 

Tiếp theo đó, Trump có thể sẽ làm theo những phương thức cũ mà Obama đã sử dụng để đạt được mục tiêu và vượt qua tình trạng trì trệ trong bộ máy chính phủ.

Có khả năng Trump sẽ chỉ đạo các cơ quan chính phủ không được thắt chặt luật lệ trong những khu vực ông cảm thấy không thích, như khi Obama chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa không siết chặt luật biên giới để cho phép 1 triệu người nhập cư bất hợp pháp được phép ở lại nước Mỹ. 

Mỹ đang gặp rắc rối lớn. Tôi rất mong Trump không trở thành vua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại