Hé lộ mục tiêu của chính quyền Trump về tương lai Assad
Trong cuộc họp báo ngày 10/4, trước đề nghị cho biết quan điểm của chính quyền Trump với việc các nhà điều tra và giới luật sư quốc tế cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad là tội phạm chiến tranh, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã lên tiếng:
"Tôi cho rằng cần có một tòa án quyết định điều đó. Rõ ràng, có lý do cho việc đó cũng như đã có những hành động chống lại ông ta và những cộng sự. Tôi nghĩ chúng ta không nên phán đoán dựa vào cảm xúc của mình. Một lần nữa tôi nhắc lại, điều đó sẽ để cho tòa án quyết định".
Ông Spicer khẳng định: "Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị những bước đi cần thiết để tiến hành chuyển giao quyền lực tại Syria trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có một tòa án thích hợp cho Assad và chỉ có tòa án mới có thể khẳng định ông ta có tội hay không".
Theo ABC News, Spicer đã yêu cầu truyền thông không cáo buộc ông Assad phạm tội ác chiến tranh, nhưng cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng được viễn cảnh Syria sẽ lập lại hòa bình khi Assad vẫn còn nắm quyền".
Từ lập luận của ông Spicer, giới phân tích cho rằng dường như luật pháp hóa chính trị, tước bỏ quyền lực và đưa Tổng thống Assad ra tòa chính là kịch bản của Mỹ và các đồng minh với ván cờ Syria nói chung, với chính quyền Assad nói riêng.
Theo giới phân tích, cựu Tổng thống Barack Obama đã "việt vị" trước Nga trong vấn đề vũ khí hóa học của Syria, mà ở đó Moscow đã đề nghị chính Washington và đồng minh thực hiện tiêu hủy và giám sát tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Assad.
Bởi khi việc tiêu hủy kết thúc thì Mỹ không còn cơ hội để xuất hiện một cách hợp pháp tại Syria, khi chính quyền Assad – thực thể chính trị hiện đại diện chủ quyền quốc gia của Syria và có đại diện tại Liên hợp quốc – không có lời đề nghị Washington giúp đỡ, như Damascus đã đề nghị Moscow.
Điều đó khiến Mỹ luôn phải "lấp ló bên cánh gà" tại Syria gần 3 năm qua. Nhưng Tổng thống Donald Trump không chọn điều chỉnh chính sách của Obama, mà chỉ xem vấn đề này là bàn đạp cho một nước đi mới táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Điều này lý giải sự kiện "Tomahawk Mỹ bay vào Syria" rạng sáng 7/4 vừa qua.
Song thực tế hiện nay đang cho thấy vụ tấn công Syria, được tiến hành trước khi điều tra vụ tấn công hóa học ở Idlib ngày 4/4 để rõ trắng đen, đã khiến Washington rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và vấp phản ứng quyết liệt từ Nga, Iran... Việc những quả Tomahawk tiếp tục bay vào Syria sẽ rất khó tái diễn.
Người đàn ông được thở oxy sau vụ tấn công hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus, Syria vào năm 2013, khiến 1.400 người thiệt mạng (Ảnh: Ammar Dar/Reuters)
Như vậy, nước cờ "vũ khí hóa học của Syria 2.0" mà Trunp thực hiện còn có thể khiến Washington gặp rắc rối trong chính sách ở Syria hơn cả thời Obama. Và Washington vẫn chỉ là "phụ diễn" chứ không thể cùng đạo diễn với Moscow tại ván cờ Syria.
Tuy nhiên, dường như Mỹ đã chọn một kịch bản khả thi hơn rất nhiều để nhằm vào Tổng thống Assad, đó là luật pháp hóa chính trị.
Nếu Mỹ và phương Tây thành công trong việc đưa Assad ra một phiên tòa, thì kết quả không chỉ là Assad có thể phải ra đi, mà cả chính quyền Damascus cũng sẽ dính líu với cáo buộc "đồng phạm" cùng nhà lãnh đạo này.
Tại sao Mỹ chọn luật pháp hóa chính trị tại Syria?
Việc Mỹ và đồng minh tìm cách luật pháp hóa chính trị nhằm tước bỏ quyền lực của những thực thể phản ứng tiêu cực với các chính sách của Washington, là hành động mang theo những hệ lụy nghiêm trọng.
Chủ quyền một quốc gia có thể bị xâm phạm nếu thực thể đại diện chủ quyền quốc gia ấy bị một phiên tòa xác định là gây tội ác.
Nếu bất chấp, Washington có thể sử dụng sức mạnh quân sự để loại bỏ ông Assad, song có lẽ Mỹ lại không chọn biện pháp đó. Nguyên nhân của sự lựa chọn chưa hẳn là vì "yếu tố Nga", mà nằm ở "ưu điểm" của biện pháp này đối với mục tiêu của Mỹ.
Thứ nhất, Mỹ có thể "nhổ tận gốc" chính quyền của Assad nếu một tòa án đủ thẩm quyền và được quốc tế công nhận xác định ông này có tội. Bom đạn Mỹ có thể cày nát đất nước Syria, có thể tiêu diệt Assad, song không thể làm được điều đó.
Lãnh đạo một quốc gia bị giết chết bởi bom đạn của thế lực bên ngoài sẽ khiến cho lòng người trỗi dậy, ngay cả trong trường hợp khi còn sống nhà lãnh đạo ấy có vướng nhiều cáo buộc. Nhưng khi một lãnh đạo bị xét xử và tòa phán quyết có tội thì lòng người sẽ ly tán, cho dù phiên tòa không phải được mọi người dân ủng hộ.
Trong khi đó, việc tìm chứng cứ chống lại chính quyền Assad trong một quốc gia có hoàn cảnh chiến tranh như Syria không phải là quá khó với Mỹ. Một vài "viên đạn lạc" có thể là bằng chứng bất lợi trước tòa mà để bác bỏ không hề đơn giản.
Trong khi đó, hàng chục năm Syria bị đặt trong tình trạng khẩn cấp đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho những thế lực "vạch lá tìm sâu", đưa ra những chứng cứ chống lại Tổng thống Assad.
Khi Washington khẳng định chỉ có tòa án mới xác định được tội danh của Assad chứng tỏ Mỹ đã nhìn thấy yếu điểm này của nhà lãnh đạo Syria .
Hình ảnh trên cao chụp căn cứ không quân al-Shayrat của Syria sau khi bị Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk hôm 7/4/2017 (Ảnh: CNN)
Thứ hai, một phiên tòa được nhiều bên công nhận sẽ đảm bảo sự "trong sạch nhất có thể" cho Washington khi dấn vào sâu ván cờ Syria. Những quả tên lửa "Tomahawk bay vào Syria ", dù bất cứ lý do gì đều khiến Mỹ không tránh khỏi cáo buộc "xâm lược" khi chính quyền Assad vẫn là thực thể chính trị đại diện cho Syria.
Như vậy, nếu Mỹ dùng quân lực để làm thay đổi vị thế tại Syria, thì dù có làm đạo diễn hay phụ diễn, Washington luôn "không trong sạch" với người dân Syria. Điều đó sẽ rất bất lợi cho Mỹ trong cách tiếp cận với Nga, quốc gia bước vào ván cờ Syria đúng bài bản và được xem là hợp pháp với lời đề nghị từ chính phủ Syria.
Khi việc gạt bỏ Assad không phải do bom đạn mà được tiến hành bởi cán cân công lý thì Washington sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo ảnh hưởng tại Syria.
Luật pháp hóa chính trị nhằm gạt bỏ Assad là một kịch bản khả dĩ nhất có thể giúp tạo cho Mỹ một vị thế tốt trong cục diện Syria hiện nay, mà những quả Tomahawk chưa hẳn mang lại được hiệu quả như vậy.
Mỹ và đồng minh đã chuẩn bị kịch bản này ra sao và liệu họ có thành công? Người viết xin đề cập ở phần tiếp theo.