Người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?

Pha Lê |

Từng là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt, thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tên tuổi của bà đã không còn xuất hiện trong các bảng xếp hạng người giàu Việt Nam.

"Nữ hoàng" chứng khoán đầu tiên

Bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt lần đầu tiên ghi nhận tài sản cá nhân của các doanh nhân Việt được biết đến lần đầu tiên là năm 2006. Khi đó, cả nước có 193 cổ phiếu niêm yết, với quy mô vốn hoá 220.000 tỷ đồng (13,8 tỷ USD), tương đương 24% GDP Việt Nam.

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt khi đó là ông Trương Gia Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT. Còn đối với nữ doanh nhân, một cái tên khá đình đám, không thể không nhắc đến là bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thuỷ sản Minh Phú (MPC).

Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, bà Bình theo cậu vào Nam lập nghiệp. Quãng thời gian này, bà đã trải qua những ngày tháng khó khăn khi làm công nhân thu mua tôm. Tiếp đó, bà trở thành kế toán của Xí nghiệp Đông lạnh Cà Mau. Đây là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng để tích lỹ kinh nghiệm cũng như kiến thức thực tế phục vụ cho công việc sau này.

Trong quá trình làm việc trong Nam, bà Bình đã gặp được ông Lê Văn Quang (Chủ tịch HĐQT Công ty Thuỷ sản Minh Phú) và kết duyên vợ chồng.

Với những kinh nhiệm đã tích lũy trong thời gian làm việc, hai vợ chồng bà Bình - ông Quang đã lên kế hoạch gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cộng với số tiền tích lũy, năm 1992, ông Quang và bà Bình đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Minh Phú với số vốn ban đầu là 120 triệu đồng.

"Tôi vốn từ gian khó đi lên, trải qua rất nhiều công việc, từ một công nhân thu mua rồi đến kế toán, thủ quỹ… Công việc nào tôi cũng làm qua và phải làm bằng cả tâm huyết của mình mới có được ngày hôm nay", bà Bình tâm sự về những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn và thử thách.

Người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - Ảnh 1.

Bà Chu Thị Bình và chồng Lê Văn Quang

Nhờ nỗ lực không ngừng, đến năm 2006, Minh Phú đã có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng với 5.000 công nhân làm việc trong nhà máy.

Ít lâu sau đó, Minh Phú đổi tên thành Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Minh Phú và niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm mở mang, huy động vốn để đầu tư. Đây cũng là năm đã đưa tên tuổi của bà Bình đến với rộng rãi trên truyền thông cũng như các nhà đầu tư.

Khi Minh Phú lên sàn số cổ phần của hai vợ chồng bà Bình năm trong tay tương đương hơn 50% cổ phần của toàn công ty. Việc sở hữu một số lượng lớn cổ phiếu MPC đã khiến tài sản trên sàn chứng khoán của bà ước tính đạt 1.145 tỷ đồng.

Bà Bình xếp thứ 5 trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt và ở vị trí đầu tiên đối với các nữ doanh nhân. Bà chính là "nữ hoàng" chứng khoán đầu tiên của Việt Nam.

"Biến mất" sau 1 lần tỏa sáng

Tuy nhiên, ngôi vị này của bà Bình không giữ được lâu bởi bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán năm tiếp theo 2007, bà Bình đã bị đánh bật khỏi vị trí đứng đầu bởi giá trị cổ phiếu MPC sụt giảm mạnh. Khi đó, tài sản trên sàn của bà Bình chỉ còn đạt gần 926 tỷ đồng, giảm hơn 220 tỷ đồng so với năm 2006. 

Điều này đồng nghĩa với việc, từ vị trí dẫn đầu trong danh sách nữ doanh nhân, bà bị đẩy xuống vị trí thứ 5, nhường "ngôi vị này cho bà Đặng Ngọc Lan - vợ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Vị trí top 5 trong bảng xếp hạng 100 người giàu nhất sàn chứng khoán của bà cũng theo đó "biến mất", bà tụt 17 bậc xuống ở vị trí 22.

Cũng kể từ thời điểm này, tên tuổi của bà gần như "lặn" khỏi những vị trí danh giá trong Top những phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam do tổng tài sản sụt giảm mạnh.

Năm 2008, tài sản của bà chỉ còn 189 tỷ đồng, năm 2009 tăng mạnh lên 578 tỷ đồng. Năm 2010, khối tài sản này lại sụt còn 522 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 tài sản chứng khoán của bà Bình "bốc hơi" đến 1 nửa, từ 522 tỷ xuống còn 255 tỷ đồng.

Đến năm 2012, tài sản của bà Bình tăng lên 547 tỷ đồng. Con số này dù không cao nhưng nó cũng đủ cho bà vươn lên vị trí thứ 6 trong Top nữ doanh nhân.

Kết thúc năm 2013, cổ phiếu MPC của bà Bình chỉ còn 419 tỷ đồng, đứng ở vị trí 29 trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán. Bà đứng sau hàng loạt đại gia nữ như bà Trương Thị Lệ Khanh, bà Vũ Thị Hiền, và Nguyễn Hoàng Yến và các chị em đại gia họ Phạm.

Phải bước sang đến năm 2014, bà Bình mới lại được nhắc đến nhiều khi một loạt các sự kiện liên quan đến Minh Phú đã đẩy giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng mạnh. Chỉ trong 1 tuần giữa tháng 8, MPC tăng tới 30,56% giá trị.

Kết thúc năm 2014, bà Bình tăng tài sản của mình từ mức 419 tỷ đồng lên 1.835 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt và thứ 5 trong Top những phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.

Tưởng con đường thăng tiến trên bảng xếp hạng người giàu Việt đang thênh thang rộng mở với bà Bình thì ngày 31/3/2015, 70 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) chính thức hủy niêm yết toàn bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.

Trước khi hủy niêm yết, MPC đã có nhiều phiên tăng liên tục với mức tăng kịch trần. Chốt phiên giao dịch ngày 30/3, MPC đứng ở mức 122.000 đồng/cổ phiếu, tăng thêm 40.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 12 ngày. Khi đó, bà Bình nắm 17.475.010 cổ phiếu MPC tương đương 25,29% cổ phần doanh nghiệp này. Tính theo thị giá khi đó, số cổ phiếu này tương đương 2.132 tỷ đồng.

Số tài sản này nếu đem so sánh với những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2015 thì bà Bình có thể đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách người giàu nhất Việt Nam và là thứ 3 trong Top những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam, chỉ đứng sau bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng (4.195 tỷ đồng) và bà Phạm Thúy Hằng (2.802 tỷ đồng).

Sau khi MPC hủy niêm yết, các thông tin liên quan đến doanh nghiệp này cũng như bản thân nữ doanh nhân Bình cũng chìm xuống, gần như không được nhắc đến. Và cái ngôi vị "nữ hoàng" một thời của bà Chu Thị Bình cũng dần chìm vào lãng quên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại