Giả nghèo khổ, nhà báo trẻ bất ngờ trước câu nói kỳ lạ của người vô gia cư

Ngân Hà |

Một nhà báo trẻ cải trang thành người tật nguyền nghèo khổ, trà trộn vào sống với những người vô gia cư để tìm hiểu cuộc sống của họ.

"Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!"

Ngay ngày đầu tiên, nhìn thấy chàng trai trẻ tàn tật, ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu, từ trong đáy mắt của những người vô gia cư đã lập tức biểu lộ ra một sự quan tâm. Một người đàn ông trong nhóm đã bước đến, đưa cho anh nhà báo một cây gậy gỗ và nói: "Người anh em, hãy cầm lấy nó, như thế sẽ thuận tiện hơn nhiều".

Anh cầm lấy, trong lòng không khỏi cảm kích. Đúng lúc đó, một bóng dáng loang loáng ánh trên mặt đường, dáng đi không bình thường, ngẩng lên nhìn, trong lòng anh cảm thấy như bị cái gì đó thiêu đốt: Người đàn ông đưa gậy lúc nãy đang đi cà nhắc…

Giả nghèo khổ, nhà báo trẻ bất ngờ trước câu nói kỳ lạ của người vô gia cư - Ảnh 1.

Những người vô gia cư sống ở đáy xã hội, nhưng khi thấy người khác khó khăn, họ luôn chìa tay giúp đỡ, bởi họ vẫn thấy mình có phương diện mạnh hơn người khác. (Ảnh minh họa)

Những người vô gia cư dẫn anh đi đến nơi đặt những chiếc thùng rác ở các siêu thị, đến khu dân cư để thu lượm thức ăn và phế liệu bị người ta vứt đi. Họ còn nói cho anh biết nơi nào có nhiều đồ phế liệu, những phế liệu nào đáng tiền và nên đi lượm vào khung giờ nào.

Trong một lần trông thấy anh bước đi khập khiễng một cách vất vả để lật tìm phế liệu, một anh chàng thanh niên da đen bước đến, đưa cho anh túi phế liệu và nói: "Này người anh em, hãy đi sang bên cạnh nghỉ ngơi một chút, túi đồ phế liệu này anh hãy cầm lấy đi!".

Nhà báo trẻ nghe xong, đứng ngẩn ra đó, như thể không tin vào tai mình: "Vậy làm sao được? Những thứ này cậu vất vả lắm mới lượm được mà!"

Người lang thang đó nghe xong, khẽ nhếch miệng cười, nói một cách rất vui vẻ: "Tôi dễ dàng hơn anh một chút". Nói xong, liền quay người bỏ đi.

Tới buổi trưa, trong lúc đang cảm thấy đói đói, một người đàn ông bị còng lưng trong nhóm đi đến, đưa cho anh ổ bánh mì và nói: "Này người anh em, hãy ăn đi!".

Anh nghe xong, cảm thấy có chút ngại ngùng: "Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây?".

Người đàn ông nghe xong, khẽ nhếch miệng cười, nói: "Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!". Nói xong, liền lảng sang bên cạnh bỏ đi.

Anh cầm hai ổ bánh mì trong tay, nước mắt lã chã rơi, phải rất lâu sau đó mới bình tĩnh lại được.

Đến tối, anh cùng vài người vô gia cư rủ nhau co rúc dưới chân cầu, một ông lão đầu tóc bạc trắng chầm chậm đi đến, vỗ nhẹ vào vai anh rồi nói: "Này người anh em, cậu hãy đến ngủ ở chỗ tôi, ở đó thoải mái hơn một chút".

Anh nghe xong, cảm thấy nghi hoặc nói: "Nếu tôi ngủ chỗ ông, thế thì ông ngủ chỗ nào?"

Ông lão đó nghe xong, nhoẻn miệng cười, nói: "Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!"

Giả nghèo khổ, nhà báo trẻ bất ngờ trước câu nói kỳ lạ của người vô gia cư - Ảnh 2.

Sớm chiều ở chung với những người vô gia cư, một thời gian sau anh đã nảy sinh tình cảm thân thiết sâu sắc...(Ảnh minh họa)

Sau một thời gian, nhà báo thấy rằng, trong số họ có chàng trai vô gia cư người da đen luôn thích nói đùa, một tay bị tàn tật, nhưng cậu vẫn luôn thích giúp đỡ những người bị tật cả hai tay. Khi người này bày tỏ cảm kích, cậu luôn thích nói một câu: "Tôi dễ dàng hơn cậu một chút".

Một anh chàng khác, thính giác ở hai lỗ tai không được tốt lắm, mỗi lần nhặt được thứ gì tốt, luôn thích chia sẻ một chút cho người bạn vô gia cư có tật ở mắt; khi người này bày tỏ sự cảm kích, anh luôn nói một câu, chính là: "Tôi dễ dàng hơn cậu một chút".

Không lâu sau đó, vị nhà báo có một loạt bài viết với tiêu đề: "Tôi dễ dàng hơn cậu một chút." Loạt bài báo đã gây sự chấn động lớn đối trái tim và tâm hồn hàng triệu độc giả thân thiết của tờ báo. Đó thực sự là một loạt bài đánh thức những trái tim đã ngủ quá lâu trong sự thờ ơ, lạnh nhạt.

Không cần phải giàu có bạn mới có thể trao đi tình yêu thương và sự đồng cảm

Câu chuyện trên thực sự đã gây chấn động dư luận cũng như đánh thức lòng tốt của mỗi người đang ẩn sâu đằng sau những thờ ơ, bon chen của thời buổi kinh tế thị trường.

Trong một tác phẩm của mình, nhà văn Nam Cao viết: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất..."

Giả nghèo khổ, nhà báo trẻ bất ngờ trước câu nói kỳ lạ của người vô gia cư - Ảnh 3.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vội vã, đua chen, vô hình dung khiến những thiên lương đẹp đẽ nhất của con người như tình yêu thương đồng loại, sự sẻ chia bị vòng xoáy của tiền bạc và lợi ích cá nhân làm cho mụ mị đi. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, câu chuyện mà nhà báo trẻ gặt hái được từ chuyến thâm nhập thực tế vào đời sống của những người vô gia cư như một tia sáng cuối đường hầm, dẫn dắt độc giả đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác, khiến bất kì ai cũng đều cảm thấy ấm lòng khi đọc câu chuyện.

Người ta xúc động, xen lẫn ngỡ ngàng khi nhận ra, sự nghèo khổ ở tận cùng xã hội cũng không ngăn cản người vô gia cư sống tử tế, đùm bọc lẫn nhau.

Họ chẳng có gì đáng giá, nhưng chút vật chất như chiếc gậy, ổ bánh mỳ, hay một chỗ ngủ dễ chịu hơn một chút, có thể với người khác là không có giá trị, nhưng đó là tất cả những gì đáng giá với họ. Và họ sẵn sàng dành tặng nó cho người khác, bởi "tôi dễ dàng kiếm được hơn cậu một chút".

Giả nghèo khổ, nhà báo trẻ bất ngờ trước câu nói kỳ lạ của người vô gia cư - Ảnh 4.

Cuộc sống sẽ giản đơn và hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể nói "Tôi dễ dàng hơn cậu một chút" với bất kì ai đó mà bạn gặp trên đường đời. (Ảnh minh họa)

"Tôi dễ dàng hơn cậu một chút", câu nói kỳ lạ ở chỗ, nó được thốt ra từ một người vô gia cư tàn tật, rách nát. Khi ấy, nó bỗng biến thành một sức mạnh cảm hoá mãnh liệt, khiến những con người đang sống trong sự giàu sang phải suy ngẫm lại về sự lạnh nhạt, vô tình, ích kỉ.

Nó cho chúng ta một thứ niềm tin về cuộc sống mà ta khó có thể cảm nhận khi đến những toà nhà tráng lệ, giữa những con người giàu sang, quyền quý.

Câu chuyện trở thành động lực để mỗi chúng ta thêm trân trọng những gì mình đang có, cảm nhận được hạnh phúc ở ngay những điều bình dị nhất. 

Đồng thời, muốn nhận được thì trước tiên bạn hãy học cách cho đi. Không đợi giàu có mới có thể sẻ chia, ngoài vật chất, hãy cho đi lời yêu thương, trí tuệ và những hành động tử tế. Chỉ cần bạn có trái tim.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại