GS Mỹ: Việt Nam và các nước nên thuyết phục Trump đưa Mỹ trở lại TPP

Đức Huy |

Đó là nhận định của GS.TS William Frasure của Đại học Connecticut (Mỹ), trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Sau buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi ngắn với GS. Frasure. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

GS Mỹ: Việt Nam và các nước nên thuyết phục Trump đưa Mỹ trở lại TPP - Ảnh 1.

---

1. Ngay trong ngày đầu làm việc tại Nhà Trắng, Sean Spicer, thư ký báo chí của Trump đã có một màn tranh cãi với các phóng viên về số lượng người tham gia buổi lễ nhậm chức. Ông đánh giá thế nào về cách hành xử này? Và liệu những màn tranh luận giữa Trump với truyền thông sẽ còn tiếp diễn trong 4 năm tới?

Có thể thấy Spicer cũng chỉ làm theo lệnh, và người ở vị trí Spicer rõ ràng không thể làm trái chỉ thị của Tổng thống. Trump cho rằng giới truyền thông trước đây đã có hiềm khích với ông khi còn tranh cử, và điều này tiếp diễn khi ông đã trở thành Tổng thống. Trump nghĩ vậy cũng đúng. 

GS Mỹ: Việt Nam và các nước nên thuyết phục Trump đưa Mỹ trở lại TPP - Ảnh 2.

Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Sean Spicer, đã có một màn tranh cãi nảy lửa với phóng viên ngay trong buổi đầu làm việc. Ảnh: NBC

Tuy nhiên, cũng không có gì ngạc nhiên khi truyền thông Mỹ tỏ ra không mấy thân thiện với Tổng thống của họ. Điều này đã từng xảy ra dưới thời Lyndon Johnson, Richard Nixon, George W. Bush, và thậm chí một vài thời điểm trong nhiệm kì của Barack Obama. Các Tổng thống này đều phải đương đầu với một giới truyền thông đầy hoài nghi và thậm chí có lúc hiềm khích sâu sắc vói họ.

Mỗi người trong số họ đều có cách thích nghi riêng.

Nhưng Trump là người đầu tiên mà ngay từ buổi nhậm chức đã công kích ngay trở lại. Ông cho rằng mình vẫn có thể gửi được thông điệp tới người dân mà không cần truyền thông. Tổ chức các buổi vận động, đưa ra các thông điệp trên mạng xã hội, và trả lời phỏng vấn riêng theo các quy định do Trump đưa ra, là những phương pháp mà cho đến nay ông đã áp dụng, và gặt hái được thành công.

Mặt khác, giới truyền thông nhiều khả năng sẽ không giảm cường độ công kích. Tại Mỹ, việc báo chí ủng hộ hay chống lại chính trị gia là chuyện hết sức bình thường. Ở Mỹ, không ai bị bắt vì chỉ trích lãnh đạo.  

Dù Trump có không thích giới truyền thông đến mức nào đi nữa, thì về lâu về dài ông cũng phải chấp nhận vai trò không thể thiếu của nó trong nền dân chủ của Mỹ, và các nhà báo bất bình với Trump cũng sẽ phải chấp nhận sự thật rằng giờ đây ông đã trở thành Tổng thống hợp hiến. 

Do đó, sớm muộn gì các màn tranh cãi này cũng sẽ thuyên giảm.

2. Ông có nhận xét gì về nội dung bài phát biểu nhậm chức của Trump?

Bài phát biểu nhậm chức của Trump phản ánh những nét chính trong chiến dịch tranh cử của ông. Bởi vậy nên những người bất bình với việc Trump đắc cử sẽ cảm thấy bài phát biểu này này quá bi quan, và giọng điệu thì gay gắt một cách không cần thiết.

Tuy nhiên, với nhóm ủng hộ, thì bài phát biểu này là một sự khẳng định rằng Trump sẽ giữ lời hứa với họ. Cũng phải nói thêm rằng bức tranh ảm đạm về nước Mỹ mà Trump thể hiện trong bài phát biểu cũng không khác là bao so với bức tranh mà Bernie Sanders, ứng viên cánh tả từng đối đầu với Hillary Clinton trong kì bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, đã thể hiện.

"Những nhà máy bỏ hoang" hay "những con người bị lãng quên" là cách nói vẫn được cánh tả áp dụng thường xuyên.

Trong bài phát biểu của Trump, điều đáng lo ngại hơn đối với nhiều người Mỹ cũng như các nơi khác trên thế giới là sự khẳng định hùng hồn rằng ông sẽ "đặt Mỹ làm ưu tiên số một".

Cũng chưa thực sự rõ Trump có ý gì khi nói vậy. Một mặt, chúng ta có thể nói rằng nước nào cũng sẽ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng nếu ý của Trump chỉ có vậy thì ông đã chẳng phải khẳng định hùng hồn như thế làm gì.

GS Mỹ: Việt Nam và các nước nên thuyết phục Trump đưa Mỹ trở lại TPP - Ảnh 3.

Do đó, chúng ta cần phải ngầm hiểu rằng Trump đang nung nấu một ý tưởng gì đó mạnh hơn, và đó hoàn toàn có thể là một sự thay đổi trong tư duy đối ngoại của Mỹ trong suốt 75 năm qua. Trong thời gian này, Mỹ áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa quốc tế đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, vì mục đích đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc dân chủ, thương mại tự do, và pháp trị. 

Phải chăng Trump muốn chấm dứt cách tiếp cận này? Phải chăng ông muốn Mỹ hành xử giống như Trung Quốc, lo lợi ích của riêng mình và coi các nước nhỏ nghiễm nhiên phải nghe theo? Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, và sẽ gây ra những vấn đề rất khó khắc phục trong quan hệ với những nước như Việt Nam.

3. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Trump đã chính thức rút tên Mỹ khỏi hiệp định TPP. Ông có ngạc nhiên không khi Trump không hề cho các nước khác bất kì một cơ hội tái đàm phán nào? Và ông nghĩ sao về tương lai của một TPP không có Mỹ?

Trump đã nói rõ ngay từ đầu chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ rút Mỹ khỏi TPP. Vậy nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Song đây là một nước đi thiếu khôn ngoan. Mỹ cần có TPP. Việt Nam cũng cần có TPP. Cả hai nước cần có TPP bởi chính thương mại tự do đã giúp họ, cũng nhu nhiều nước khác, trở nên thịnh vượng. 

GS Mỹ: Việt Nam và các nước nên thuyết phục Trump đưa Mỹ trở lại TPP - Ảnh 4.

Trump kí quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP. Ảnh: AP

Với Đổi Mới, Việt Nam đã quyết định bỏ thời bao cấp lại phía sau, và hướng tới nền kinh tế toàn cầu với tự do thương mại. Việt Nam đã và đang hết sức thành công trên con đường này, và TPP sẽ là một bước tiến tiếp theo. 

Với Mỹ, thương mại từ trước đến nay vẫn luôn là đầu tàu trong tăng trưởng. Tuy nhiên, Trump và nhóm ủng hộ ông lại cho rằng thương mại đang kìm hãm kinh tế Mỹ, và là yếu tố dẫn tới sự suy thoái trong nền công nghiệp. Điều này sai hoàn toàn. 

Do đó, mọi biện pháp khả thi cần được Việt Nam và các nước thành viên khác trong TPP áp dụng để tác động lên chính quyền Trump, qua đó thuyết phục Mỹ trở lại với TPP, hoặc thiết lập một cơ chế hợp tác khác để thay thế. Chắc chắn Trump sẽ đòi những điều khoản có lợi hơn cho Mỹ so với những gì đã có trước đó trong TPP và đàm phán sẽ rất khó khăn, nhưng Việt Nam không nên từ bỏ. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại