Vì sao 3 hạm đội lớn của Trung Quốc đồng loạt thay tướng khi Trump nhậm chức?

Hải Võ |

Động thái này thể hiện sự chú trọng hơn của Quân ủy trung ương Trung Quốc trong việc sẵn sàng chiến đấu trên biển - Thời báo Hoàn Cầu ngang nhiên tuyên bố.

Sáng 20/1 (giờ Bắc Kinh), Hải quân Trung Quốc đã tổ chức nghi lễ thăng chức cho Tư lệnh Hạm đội Nam Hải Trung Quốc, tướng Thẩm Kim Long trở thành Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, thay thế Đô đốc Ngô Thắng Lợi. Cựu Phó tư lệnh Hải quân Vương Hải thay thế chức vụ cũ của ông Thẩm.

Ngày 21/1, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Đô đốc Viên Dự Bách được thông báo thăng chức làm Tư lệnh Chiến khu miền Nam. Thay thế ông Viên là Phó tham mưu trưởng Chiến khu miền Nam Trương Văn Đán.

Ngày 22/1, Tư lệnh Hạm đội Đông Hải Tô Chi Tiền nhận chức vụ mới là Phó tư lệnh Hải quân. Cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Chiến khu miền Nam Ngụy Cương tiếp nhiệm ông Tô.

Nói cách khác, chỉ trong vài ngày trước và sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc đã đồng loạt thay tướng.

Đa Chiều (Mỹ) bình luận, không khó nhận ra nhân tố đặc biệt trong loạt thay đổi nhân sự này: Chiến khu miền Nam.

Chiến khu miền Nam Trung Quốc, hình thành sau cuộc tái cơ cấu và cải tổ quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình, được trao quyền phụ trách vấn đề an ninh ở hướng biển Đông, đã trở thành khu vực được đánh giá là "nóng bỏng" ở nước nay do diễn biến phức tạp ở biển Đông trong 2 năm qua.

Vì sao 3 hạm đội lớn của Trung Quốc đồng loạt thay tướng khi Trump nhậm chức? - Ảnh 1.

Đô đốc Viên Dự Bách trở thành tân Tư lệnh Chiến khu miền Nam của trung Quốc (Ảnh: Huanqiu)

Việc tướng Viên Dự Bách, một đô đốc hải quân, trở thành Tư lệnh Chiến khu miền Nam, cho thấy lãnh đạo quân đội Trung Quốc muốn tập trung hơn các nguồn lực ở chiến khu này để sẵn sàng cho những tình huống họ leo thang căng thẳng trên biển Đông.

Giới quan sát Trung Quốc tin rằng, một tư lệnh chiến khu xuất thân từ hải quân sẽ điều phối hiệu quả hơn sự kết hợp giữa các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không.

Trong khi đó, đưa Thẩm Kim Long trở thành Tư lệnh Hải quân là một tín hiệu rõ ràng hơn của Bắc Kinh đối với tình hình biển Đông. Trong bài xã luận nói về tướng Thẩm hôm 21/1, Tân Hoa Xã cho biết ông này lãnh đạo Hạm đội Nam Hải "trong giai đoạn biển Đông diễn biến nhạy cảm".

"Trong các đời Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, ngoài các vị tướng khai quốc, Thẩm Kim Long là người đầu tiên từ tư lệnh hạm đội trực tiếp trở thành tư lệnh hải quân. Điều này có liên quan trực tiếp với việc Thẩm Kim Long dẫn dắt Hạm đội Nam Hải trong giai đoạn tranh chấp biển Đông leo thang căng thẳng, xử lý nhiều vấn đề nhạy cảm," Tân Hoa Xã viết.

Tân Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Đô đốc Vương Hải từng giữ chức vụ ở hạm đội này trong quá khứ. Sự điều chỉnh đối với Vương được cho là "thắt chặt sợi dây liên hệ" giữa lãnh đạo hải quân và các hạm đội.

Theo Đa Chiều, tướng Vương Hải trở lại Hạm đội Nam Hải là sự xác nhận vai trò chiến lược của hạm đội này trong cục diện khu vực. Hạm đội Nam Hải là công cụ chủ chốt của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/1 dẫn lời một học giả Trung Quốc (ẩn danh), cho rằng sự hiện diện của Mỹ những năm gần đây đã làm tình hình khu vực biển Đông diễn biến bất lợi cho Bắc Kinh, khiến cái mà ông ta gọi là "trách nhiệm bảo vệ" của Hạm đội Nam Hải nặng nề hơn.

Tại cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 9/1, ông Rex Tillerson, người được tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí ngoại trưởng, khẳng định việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, tôn tạo các đảo/đá ở Biển Đông là hành động vi phạm, không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Theo ông Tillerson, Mỹ cần thông điệp mạnh yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hoạt động trên và không được tiếp cận các đảo này.

Như một sự đồng thuận với Tillerson, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer hôm 23/1 tuyên bố Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ ở biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại