Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén sẽ rất hạn chế

Hoàng Đan |

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu làm theo đúng khung của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén sẽ rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với vụ ông Chấn.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường quá cao

Sáng nay (9/1), Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 6, cho ý kiến về những vấn đề khác nhau của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã đặt vấn đề qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (tỉnh Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn vướng mắc nhất trong giải quyết bồi thường oan sai là vấn đề gì?

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích, qua các vụ bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén và nhiều vụ khác nữa, cái khó là định lượng để xác định bồi thường.

Còn vốn để bồi thường thì không có gì khó khăn, bên Bộ Tài chính sẵn sàng đáp ứng.

"Tuy nhiên, nói về nguồn vốn cũng bị áp lực khác như dư luận xã hội, cũng như trên diễn đàn Quốc hội có đặt ra vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự", ông Bình bày tỏ.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn việc các nước như ở Úc có hình thành quỹ để bồi thường, tuy nhiên vấn đề lập quỹ ở nước ta không được các cơ chức năng ủng hộ.

"Vấn đề này UBTVQH cần phải cân nhắc, nếu như không giải quyết được thì từ nay về sau vẫn phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường", ông Bình nêu.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, vấn đề khó nữa trong giải quyết bồi thường oan sai là những khoản vận dụng rất dễ, ví dụ như chi phí, tính trên thu nhập tối thiểu của người dân với những ngày bị tù oan.

Nhưng có những khoản rất lớn nhưng lại hoàn toàn mang tính định tính không thể định định lượng được, tạo ra sự tùy nghi, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần gần như mang tính ước lệ...

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề khác nếu như chúng ta không quy định cụ thể thì rất khó cho các cơ quan trong việc giải quyết bồi thường oan sai.

Lấy dẫn chứng vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Bình cho rằng, cán bộ làm nhiệm vụ khi vận dụng và giải quyết bồi thường vụ này khi kiểm điểm lại định mức việc bồi thường đã nhận định việc vận dụng không đúng dẫn đến mức bồi thường quá cao (7,2 tỷ đồng - PV).

Việc này tạo ra chuẩn mực, các trường hợp bồi thường sau người yêu cầu sẽ cho rằng 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia, 17 năm là mức này...

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén sẽ rất hạn chế - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Nén. Ảnh: Khắc Thành.

So sánh với vụ ông Huỳnh Văn Nén đang được đàm phán, thoả thuận, Chánh án TAND cho rằng nếu làm theo đúng barem của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén sẽ rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với vụ ông Chấn, dù ông này ngồi tù dài hơn ông Chấn đến 7 năm.

"Hiện chúng tôi đang chỉ đạo chỗ TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén.

Nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén là rất hạn chế và nó chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Không đồng tình việc lập quỹ bồi thường

Ông Nguyễn Văn Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho hay, qua thực tế giải quyết thì thấy căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường là cái khó nhất.

Bởi khi thương lượng không có barem gì cụ thể cả, ông thì đòi mà ông thì chối, vì vậy cần đưa vào luật cái gì tính cứng, cái gì thiệt hại ở những thức vô hình như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc đã mất…

Về quy định bồi hoàn, ông Thể cho rằng, cán bộ thay mặt nhà nước để làm thì "con dại cái mang", cơ quan công quyền phải đền là đúng chứ cán bộ không thể bỏ tiền ra đền.

Nếu xác định cố ý làm trái dẫn đến sai như vậy thì phải tự bỏ tiền túi ra bồi hoàn, còn nếu do trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng, luật phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp quy định, đồng thời đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp. 

"Một người bị tù oan thì cả dòng họ, con cái của họ bị thiệt hại rất nặng chứ đâu phải chỉ bản thân họ. Do đó, bồi thường không chỉ đối với bản thân người bị oan, mà còn phải bồi thường cho vợ con họ, những người chịu thiệt hại do người thân của mình vướng vào vòng lao lý oan", bà Nga nói.

Còn bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện cũng đồng tình cho rằng nên có khoản độc lập để bồi thường oan sai, tạo ra tính minh bạch, rõ rang để người dân không còn băn khoăn việc lấy tiền nhà nước bồi thường oan sai do cá nhân cán bộ gây ra.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều không đồng tình việc thành lập quỹ bồi thường oan sai, vì thành lập quỹ sẽ làm phát sinh nhiều thứ, trong khi đó xét về bản chất thì đó cũng vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại