Cuộc đời kỳ lạ của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga (Phần 3): Trường dành cho người mù

Trần Hậu |

Tại trường dành cho người mù, Vanga được đón tiếp lạnh nhạt. Phải nói rằng cô đã quen tự mình quan tâm tới người khác và giúp làm công việc nội trợ.

Phần 3: TRƯỜNG DÀNH CHO NGƯỜI MÙ

Tại trường dành cho người mù, Vanga được đón tiếp lạnh nhạt. Phải nói rằng cô đã quen tự mình quan tâm tới người khác và giúp làm công việc nội trợ. Thêm vào đó, cuộc sống khốn khó của gia đình và nỗi bất hạnh đổ sụp lên đầu cô, không cho phép cô bộc lộ cá tính vui nhộn của mình.

Mọi thứ ở đây đều khác. Vanga được mặc bộ đồng phục học sinh cực đẹp, như cô cảm thấy, gồm chiếc váy màu nâu có nếp gấp và tấm áo khoác với cái cổ may theo kiểu thủy thủ. Cô đi đôi giày màu be. Mái tóc màu hạt dẻ của cô được cắt tỉa cẩn thận và búi rất đẹp. 

Mặc dù không thể nhìn thấy nhan sắc của mình, nhưng cô có thể sờ và vuốt ve rất lâu bộ quần áo mới của mình. Niềm tự hào và hạnh phúc tràn ngập tâm hồn vốn đã chịu nhiều đau khổ của cô.

Cuộc sống ở chỗ mới hết sức thú vị, mặc dù cần phải tuân theo một thời gian biểu nghiêm ngặt.

Buổi sáng, các học sinh phải lên lớp, các em học đọc và viết theo bảng chữ cái Braille, cho phép sờ bằng tay thay cho mắt. Các em còn được học nhiều thứ khác, nhưng Vanga thích âm nhạc hơn cả. Cô có một nhạc cảm tuyệt vời, và học chơi piano khá nhanh.

 Âm nhạc dường như đưa cô trở về với quê hương thân thuộc, nơi có cánh đồng bốn mùa xanh tốt và mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ, với mảnh sân trước nhà, nơi bọn trẻ chơi trò chơi đuổi bắt hoặc cô kể cho chúng nghe những câu chuyện của mình. 

Giai điệu vui tươi này gợi cô nhớ tới tiếng rì rào của dòng Trakayna chảy cách thành phố của họ không xa. Thật tiếc là những giờ học tuyệt vời này trôi qua quá nhanh.

Sau đó bắt đầu những tiết học thực hành. Các cô bé học nghề nấu ăn, học dọn dẹp trong nhà. Ban đầu Vanga gặp rất nhiều khó khăn: ngay cả việc làm thế nào để nấu món xúp hay cháo, cũng là một nhiệm vụ khó khăn đối với cô, nhưng dần dần cô tiếp thu được kỹ năng. 

Dường như cô học “nhìn” bằng tay. Những ngón tay của cô trở nên mềm mại và nhạy cảm, thậm chí cô sử dụng thành thạo cả những vật dụng như kim đan, kim khâu. Vanga tiếp thu bài rất nhanh, và tất cả giáo viên đều hài lòng với thành tích học tập của cô.

Vanga đã hòa nhập với cuộc sống mới. Ba năm lặng lẽ trôi qua, và cô đã tròn 18 tuổi. Cô là một học sinh xuất sắc và đạt nhiều thành tích. Ngôi trường này đã giúp cô lấy lại sự thăng bằng và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. 

Cô có một ngoại hình dễ thương, và gương mặt thanh tú của cô dường như được tỏa sáng bằng ánh sáng nội tâm.

Vanga đối xử với tất cả các bạn của mình khá đúng mực, nhưng thời gian gần đây cô nhiều lần bắt gặp ý nghĩ rằng cô thích nghe giọng nói dễ chịu của Dimitr và ở gần anh ta. 

Cô không thể hiểu điều gì đang diễn ra với mình. Khi nghe anh nói  trái tim cô bắt đầu đập rộn ràng và hai má bỗng nhiên ửng đỏ.

Những giây phút hiếm hoi được ở bên nhau đã mang đến cho cả hai biết bao hạnh phúc và niềm vui thánh thiện, khiến cho họ lại muốn gần nhau thêm nữa.

Một lần, Dimitr thổ lộ rằng đã yêu cô và đề nghị cô làm vợ của anh. Bản thân anh xuất thân từ làng Giaoto quận Gevgelia. Bố mẹ anh là những người giàu có. Họ nhận thấy tình cảm chân thành của đôi bạn trẻ và nhận trách nhiệm quan tâm chăm sóc tương lai của  họ. 

Vanga hoàn toàn thay đổi. Cô như được hạnh phúc chắp cánh. Cô đã có những dự định cho tương lai, cô hình dung về đám cưới kỳ diệu của mình, về việc cô xuất hiện trước các vị khách trong bộ trang phục lộng lẫy: chiếc váy dài màu trắng và tấm khăn voan. 

Rồi bố cô và những người ruột thịt sẽ vui sướng xiết bao. Cô thông báo cho bố về việc Dimitr xin đính hôn và xin ông chúc phúc. Những ngày chờ đợi kéo dài lê thê.

NHỮNG THỬ THÁCH KHẮC NGHIỆT

Nhưng cuộc sống lại diễn ra theo cách khác. Tin từ Strumitsa đến khiến Vanga hết sức bàng hoàng. Bà Tanka qua đời trong lần sinh đứa con thứ tư. Ông bố còn lại một mình với mấy đứa con không có sự giúp đỡ, hỗ trợ nào. Vanga buộc phải về nhà  để trông nom các em và làm công việc nội trợ.

Vanga không thể không nghe lời bố và bỏ mặc những người thân yêu của mình cho số phận. Không còn sự lựa chọn nào khác, cô buồn bã từ biệt ngôi trường, mối tình đầu của mình lẫn niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vanga hiểu rằng những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời mình ở Trường người mù sẽ không bao giờ lặp lại.

Ở nhà, Vanga chứng kiến cảnh nghèo khổ đến cùng cực. Những đứa em gầy trơ xương, ốm yếu vì đói ăn và bệnh tật. Trái tim cô thắt lại khi nghĩ rằng  những đứa trẻ bé bỏng này đã trở thành mồ côi. Vasil 6 tuổi, Tome - lên 4, còn em út Lubka mới 2 tuổi.

Giờ đây cô là tất cả đối với các em – vừa là mẹ vừa là người nội trợ, và người bảo vệ. Ý nghĩ đó đã đem lại cho cô sức lực để vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào.

Sau khi Vanga trở về, ông bố đi kiếm việc làm ở các làng bên.

Nhưng những nỗi bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha họ. Trận động đất ở thành phố Chirpan năm 1929 bao trùm cả khu vực Strumitsa. 

Tâm chấn của nó khá mạnh, nhưng may thay, trong gia đình ông Pande không ai bị thương, chỉ ngôi nhà đất của họ bị đổ sụp, và gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Ông Pande  ngay lập tức lo chỗ ở mới. Sau vài ngày, ông đã dựng lên được một căn nhà mái tranh vách đất. Vì đồ đạc hầu như không có gì nên họ chuyển sang chỗ mới rất nhanh.

 Ban đầu nhà chỉ có một phòng, về sau được nới rộng, xây thêm phòng bếp và lò nướng bánh mỳ, tất nhiên khômh có gì để nướng.

Vanga cố gắng tạo ra sự ấm cúng tại chỗ ở mới. Trong căn nhà này, Vanga và Lubka đã sống nhiều năm, các em trai không sống lâu ở đây. Ông Pande không thể một mình nuôi sống gia đình. Và để đỡ đần bố, Vasil và Tome cũng phải đi kiếm việc làm khắp các làng.

Vanga cố gắng sử dụng tất cả những kỹ năng học được ở Trường người mù. Cô đan áo rất đẹp và nhanh, nên ít lâu sau mọi người tìm đến đặt hàng. 

Thay cho tiền công, họ biếu cô những đồ vật lặt vặt hoặc áo len cũ. Cô tháo những chiếc áo cũ này ra và đan lại cho các em mặc vì không có tiền mua áo mới.

Những người láng giềng tốt bụng thấy Vanga đã chịu khó hết sức để nuôi nấng các em, lo ăn, lo mặc, quên cả bản thân mình. Và họ mang  quần áo của những người phụ nữ đã chết cho Vanga mặc.

Vanga học thêm nghề dệt, từ sáng đến tối trong nhà vang lên tiếng khung cửi. Thường thường Vanga dệt áo đến tận đêm khuya, vừa làm vừa khóc vì tuyệt vọng. 

Ban ngày cô tự kiềm chế để không làm Lubka sợ hãi, nhưng ban đêm cô phó mặc bản thân, và nước mắt là phương tiện duy nhất giúp cô trút đi nỗi đau khổ của mình.

Vào buổi sáng lại bắt đầu những công việc bất tận. Họ dậy rất sớm. Bản thân Vanga không bao giờ chịu ngồi không và không cho phép ai lười biếng. Cô cố gắng để trong nhà bao giờ cũng ngăn nắp, gọn gàng.

Tất cả mọi công việc được sắp xếp theo các ngày trong tuần. Ví dụ, thứ hai dành cho việc giặt giũ, thứ ba- quét dọn sân, thứ tư- sửa quần áo.

Lubka còn rất bé, nhưng không thể trông cậy vào ai. Vanga dạy em làm công việc nội trợ và tỏ ra rất nghiêm khắc.

Lubka buộc phải may vá. Vanga sờ chỗ may, và nếu thấy đường may không cẩn thận, cô tháo ra và bắt Lubka may lại.

Lubka lúc nào cũng nước mắt lưng tròng, vì em phải sửa nhiều quần áo,  không thể ra đường chơi cùng chúng bạn. Vanga, dù rất thương em, nhưng buộc phải kiên quyết. Cô cho rằng mọi việc cần phải làm đâu vào đấy.

Vào thứ 5, hai chị em nhào bột nướng bánh mỳ. Thứ 6, ra ngoại ô đào đất sét đỏ về trát vách phía bên trong nhà, còn ở bên ngoài, họ đặt đá đen xung quanh cho đẹp. Thứ bảy, họ ra đồng hái rau về ăn. Chủ nhật, hai chị em đi lễ nhà thờ.

Vào chủ nhật, sau bữa trưa, những người hàng xóm tụ tập ngoài sân để tán chuyện gẫu hay giải trí; những người phụ nữ từ các làng lân cận cũng đến đây nhờ Vanga dệt áo.

Vanga là một người đối thoại thú vị và sắc sảo, ai cũng thích trò chuyện với cô.

Ở vùng Strumitsa có một phong tục thú vị. Buổi tối trước ngày Thánh George (ngày 6 tháng Năm theo lịch mới), các cô gái thả vào trong hũ rượu sành một vật dụng cá nhân để “thử vận may”. 

Các cô gái láng giềng thường đặt hũ sành giữa sân nhà Vanga dưới bụi cây hoa hồng lưu niên màu đỏ thắm. Thường thường, có thể vì thương Vanga mù lòa, cô thường được chọn làm “nhà tiên tri”. Cô lấy các đồ vật ra và tiên đoán số phận của các cô gái.

 Những lời tiên đoán này thường trở thành hiện thực, nhưng không một ai, kể cả Vanga lẫn các cô gái, lúc bấy giờ nghĩ rằng có điều gì đó khác thường.

Vào Ngày lễ 40  Thánh tử đạo, các cô gái dự đoán số phận bằng cách đặt các nhành cây (làm “cầu”), hy vọng rằng đêm đến sẽ gặp trong mơ vị hôn phu đến từ bờ bên kia. Sáng hôm sau, các cô vội vã đến gặp Vanga, và  kể lại những giấc mơ của họ. 

Hơn nữa, khi giải thích những giấc mơ, Vanga thường vượt ra ngoài nội dung của chúng; cô còn kể về những gì không cần biết – về bí mật thầm kín nhất của mỗi người trong họ. Các cô gái hết sức ngạc nhiên, nhưng cũng chỉ có vậy.

Tuy nhiên, những ngày lễ vui nhộn thật hiếm hoi. Vanga thường xuyên đứng trước câu hỏi: “Làm sao nuôi sống gia đình?” Bởi cái nghèo bám họ không rời. Cuộc đấu tranh sinh tồn diễn ra gay gắt.

Họ chủ yếu ăn bánh ngô, cải bắp dại hoặc sữa chua pha loãng, nhưng cũng hiếm hoi và nói chung là nhịn đói.

Một lần, khi trong nhà không còn gì ăn nữa, ông bố nhờ một trong những người quen khá giả mà ông coi là bạn thân, tương trợ ít bột mỳ. Anh ta trả lời rằng không có ý định cho không, nhưng có thể bán một bao bột mỳ nhỏ. 

Ông Pande đã vét hầu bao mua bao bột mỳ và gửi ngay về Strumitsa cho các con. Vanga nhóm bếp nướng bánh mỳ. Nướng xong, hai chị em bẻ những chiếc bành mỳ nóng hổi ra ăn.

Nhưng được một lúc thì Lubka và Vanga bắt đầu đau bụng, rồi nôn thốc nôn tháo. Sợ quá, những người hàng xóm vội chạy sang làng bên gặp ông bố để báo tin. 

Quá hốt hoảng, ông bố chạy về nhà, nếm thử bột và hiểu ra rằng ông bạn đã bán cho ông ta không phải bột lúa mạch mà là bột một loại cây rất độc.

Sự giúp đỡ của “ông bạn” là thế đấy.

Tuy nhiên, trẻ con vẫn là trẻ con, chúng luôn luôn mơ mộng, đòi bố mua hết thứ này đến thứ khác. Ông bố không bao giờ từ chối, chỉ hứa sẽ mua quà, khi thu hoạch mùa anh đào. Sáu cây anh đào mà bọn trẻ đặt niềm hy vọng, được trồng trong một mảnh vườn nhỏ ở ngoại ô, bên dòng sông Trakayna.

 Khi anh đào chín, ông bố hái bán cho những người mua hàng rong, nhưng số tiền thu được quá ít ỏi nên đành phải khất lời hẹn sang năm sau vậy.

Sau đó họ thử trồng thuốc lá. Cả gia đình chăm bón cây con từ sáng đến tối, nhưng số tiền bán thuốc lá cũng chỉ đủ mua một cái bình và ít mỳ vằn thắn.

Năm 1934, Lubka lên 8 tuổi, và được đến trường. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn nhưng cô bé học giỏi nhất lớp. Vanga rất vui mừng và tự hào về những thành tích học tập của em gái.

Qua kinh nghiệm bản thân, cô biết việc học tập ở Trường người mù hữu ích như thế nào. Hoàn cảnh các em trai lại khác. Họ làm việc công nhật ở các làng khác nên không có điều kiện học tập đều đặn. Nhưng ngay cả khi không làm gì thì họ cũng không đi học. 

Và nếu như trong tất cả những chuyện khác, các em trai đều răm rắp vâng lời Vanga thì trong việc học hành, họ như nước với lửa.

Từ năm này sang năm khác, cuộc mưu sinh nhọc nhằn của họ vẫn tiếp diễn. Mặc dù kiệt sức và mệt mỏi, Vanga vẫn là người mạnh mẽ và kiên cường nhất trong gia đình.

 Cô không bao giờ cho phép mình phàn nàn về sự nghèo khổ trước mặt các em, và trở thành chỗ dựa không chỉ đối với chúng mà cả ông bố đã hoàn toàn suy sụp bởi sự đói nghèo, lăng nhục, thống khổ, và nhiều khi rơi vào tuyệt vọng. 

Vanga hết sức an ủi, động viên bố, và dự báo về những ngày tốt đẹp hơn.

Không làm sao thoát khỏi cảnh sống ngày ngày đứt bữa, ông bố nảy sinh ý định làm giàu nhanh bằng cách đi tìm kho báu.

Một lần, Vanga nói với bố rằng cô biết một nơi chôn kho báu như vậy, và mô tả vị trí đó nằm cách Strumitsa không xa: một ngôi làng hoang vắng, bên cạnh một con sông và cánh rừng nhỏ.

 Giữa con sông và cánh rừng nổi lên một tảng đá nhọn răng cưa, và dưới tảng đá này, theo lời mô tả của Vanga, người ta chôn tiền. Ông bố lấy làm ngạc nhiên và thở dài một cách hoài nghi.

Vanga vẫn chau mày và không nói một lời. Ông bố trở nên khó xử. Nghĩ ngợi một lát, ông cho rằng điều đó có thể xẩy ra. Ngôi làng có tên Rayantsy đã bị dân làng bỏ đi sau một nạn dịch hạch, và không bao giờ trở lại nữa.

 Nó nằm bên bờ một con sông nhỏ, quả thật, ở đó có một cánh rừng và tảng đá. Ông bố hỏi Vanga làm sao biết được chỗ ấy, và cô trả lời rằng cô nằm mơ thấy. Thế là ông bảo Vanga cùng đến Ryantsy thử vận may xem sao.

Cả gia đình cùng lên đường. Lubka nhớ lại rằng Vanga định hướng rất tự tin, dường như đã đến đây nhiều lần, và tất cả đúng như cô đã miêu tả.

Họ đi men theo bờ sông phía dưới tảng đá, và ông bố quyết định sẽ trở lại đây muộn hơn, mang theo xẻng để thử vận may.

Thế nhưng sau đó ông bị ngã gãy tay. Rồi con sông bị ngăn lại để làm bể chứa nước. Thậm chí nếu có hũ tiền chôn thật  ở đấy thì nó cũng mãi mãi bị chìm dưới nước. Và giấc mơ làm giàu tan vỡ.

Chẳng bao lâu sau, một con cừu trong đàn cừu của ông Pande chăn, bị lạc. Ông bố trở về nhà với tâm trạng hết sức lo lắng vì ông chẳng có gì để bồi thường, ông sợ bị đuổi việc và gia đình ông sẽ chết đói. Đúng lúc đó, cô con gái mù đã ra tay giúp đỡ ông.

Vanga nói rằng con cừu lạc đàn hiện đang do một kẻ nào đó tên là Atanac ở làng Monospitovo chăn. Và cô mô tả chi tiết ngoại hình của ông ta. Ông bố vô cùng ngạc nhiên vì ngay cả ông cũng không biết con người đó, huống hồ Vanga vì cô chẳng bao giờ bước ra khỏi nhà. 

Nhưng dù sao ông vẫn tìm đường đến ngôi làng đó, và quả thật đã tìm được chú cừu bị lạc trong đàn cừu của người mà Vanga mô tả.

Dắt chú cừu về nhà, ông bắt đầu gạn hỏi con gái vì sao biết được điều đó, và Vanga đáp rằng cô nằm mơ thấy. Cô thường buồn rầu nhắc đi nhắc lại rằng hay mơ thấy những chuyện rắc rối, và sau đó trở thành hiện thực.

Vào mùa lạnh, cuộc sống của họ còn khổ sở hơn. Họ chủ yếu sưởi ấm bằng quả sam mộc do hai chị em nhặt ở rìa thành phố. Nhưng quả sam mộc cũng chóng hết, hơn nữa không phải lúc nào cũng đi nhặt được. Đã thế ngôi nhà mái tranh của họ bị gió lùa thông thống.

Những gia đình nghèo nhất ở Strumitsa nhân dịp Năm mới được công xã trợ cấp một khoản tiền nhỏ, nhưng nhận được khoản trợ cấp này không phải dễ dàng.

 Vanga và Lubka phải đứng xếp hàng cả tuần trước tòa thị chính. Có lúc Vanga đứng chân trần hàng giờ trên nền xi măng lạnh cóng khiến đôi chân bầm tím vì lạnh.

Mặc dù thể lực khá tốt, năm 1930, Vanga bị bệnh viêm màng phổi. Trong vòng gần 8 tháng, sinh mệnh của cô như treo đầu sợi tóc. Lubka chăm sóc chị hết sức tận tình. 

Nhưng sức khỏe của Vanga càng ngày càng trở nên tồi tệ. Cô hoàn toàn kiệt sức, vào những ngày trời nắng, Lubka dìu chị ra ngoài phố như một đứa trẻ.

Năm 1939, trong một chiến dịch bầu cử, quần chúng bắt đầu thể hiện sự bất bình về đường lối của Chính phủ Bungaria vốn xích gần với nước Đức. Các cuộc biểu tình và bãi công của quần chúng liên tiếp nổ ra. Tiếp sau đó là làn sóng bắt bớ diễn ra.

Trong số những người bị bắt có cả ông Pande: có ai đó tố cáo ông đã công khai tuyên bố về sự nguy hại của đường lối như vậy. Lại bắt đầu những cuộc hỏi cung có áp dụng các biện pháp “cực đoan”. Ông bị bắt khai tên của những người “cùng tham gia cuộc đấu tranh chống chính phủ”.

 Nhưng rồi họ cũng không phát hiện ra bằng chứng gì về tội lỗi của ông Pande; ông được trả lại tự do.

Khi ông Pande trở về nhà, cơ thể ông đầy những vết thương bầm máu, còn tâm hồn ông cũng bị tổn thương bởi những vết sẹo tinh thần. Ở tuổi 53, trông ông như một cụ già. Các con gái chăm sóc vết thương cho bố bằng những thứ thuốc dân gian họ có thể mua được.

Còn chưa hoàn toàn bình phục mà ông Pande lại đi tuyên truyền vận động khắp các ngôi làng.

Đầu năm sau, Lubka bị bệnh viêm màng não. Em được đưa vào bệnh viện thành phố Shtip. Bệnh viện không còn chỗ trống, em phải nằm ngoài hành lang. Hai tuần liền Lubka giành giật sự sống với thần chết, nhưng có lẽ nhờ số phận nên em đã khỏi bệnh.

Trở về nhà, Lubka nhìn thấy Vanga hoàn toàn kiệt sức, ốm yếu và bất lực. Khi Lubka đi vắng, không ai một lần đến nhà, và Vanga nhiều ngày không ăn không uống. Cô vô cùng vui mừng vì Lubka trở về khỏe mạnh và lành lặn.

Còn tiếp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại