Rơi khỏi máy bay ở độ cao 10.000m mà vẫn sống: Bí mật khiến nhiều người phải sốc!

Tùng Lê |

Máy bay chở khách thương mại thường bay ở độ cao 10.000m. Hãy nghĩ xem bạn sẽ thế nào nếu rơi khỏi máy bay và không hề có dù.

Đừng lo sợ, vẫn có một số người sống sót khi rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Khi máy bay gặp sự cố, cơ hội sống sót trong đống đổ nát của máy bay còn thấp hơn cả việc bạn bị văng ra ngoài khi đang bay. Cho dù trọng lực kéo xuống đất, bạn vẫn còn một chút thời gian để tìm kiếm cơ hội cho mình.

Rơi khỏi máy bay ở độ cao 10.000m mà vẫn sống: Bí mật khiến nhiều người phải sốc! - Ảnh 1.

Máy bay dân dụng chở khách thường bay ở độ cao 10.000m.

Bằng cách nào ư?

Rơi ở độ cao 10.000m

Đầu tiên, tại độ cao 10.000m và không được điều áp như trong máy bay, nồng độ ôxy thấp khiến bạn bất tỉnh khi rơi khỏi máy bay.

Nhiệt độ ngoài máy bay vào khoảng -70 độ C, gió giật lên đến 800km/h và nồng độ ôxy cực thấp. Bạn sẽ nhanh chóng bất tỉnh, băng giá sẽ tấn công vùng da nhạy cảm, hệ thần kinh bị tấn công bởi điều kiện khắc nghiệt khiến nhịp tim và huyết áp tăng vọt.

Sau vài nghìn mét rơi tự do khi bất tỉnh, nồng độ ôxy trong khí quyển tăng dần và nếu may mắn bạn sẽ tỉnh lại, điểm đến tiếp theo chính là mặt đất. Dĩ nhiên, cơ hội sống sót là rất nhỏ nhưng lúc này bạn chẳng còn gì để mất.

Có hai loại rơi khỏi máy bay mà những điều kiện này sẽ quyết định cơ hội sống sót của bạn. Thứ nhất là rơi tự do không có kèm theo bất cứ thứ gì và loại thứ hai là khi bạn rơi theo một phần máy bay khi chúng vỡ tung.

Năm 1972, tiếp viên hàng không Vesna Vulovic trên máy bay DC-9 đã bị thổi bay ra khỏi máy bay ở độ cao 10.000m khi nó nổ tung. Bà bị chèn trên ghế, xe đẩy thức ăn cùng thi thể của một phi hành đoàn khác.

Khi rơi xuống một triền đồi phủ tuyết, tuy bị thương nặng nhưng bà vẫn sống sót để kể lại câu chuyện của mình.

Theo thống kê, khả năng sống sót khi được bảo vệ bởi những mảnh vụn của máy bay sẽ cao hơn khi rơi tự do. 

Từ những năm 1940, đã có 31 trường hợp sống sót khi rơi cùng mảnh vụn máy bay trong khi chỉ có 13 trường hợp sống sót khi rơi tự do.

Năm 1943, Alan Eugene Magee, một phi công quân đồng minh trên máy bay B-17 rơi tại Pháp đã sống sót, làm ngạc nhiên quân phát xít khi ông vẫn sống khi bị bắt làm tù binh.

Điều quan trọng nhất khi rơi tự do hay cùng mảnh máy bay chính là vận tốc tới hạn. Trong khi rơi, lực cản do không khí xung quanh sẽ giúp giảm tốc độ rơi đến tốc độ ổn định.

Phụ thuộc vào kích thước và khối lượng cơ thể, mật độ không khí hay gió, tốc độ rơi tới hạn sẽ khoảng 195km/h ngay sau khi rơi 500m.

Rơi khỏi máy bay ở độ cao 10.000m mà vẫn sống: Bí mật khiến nhiều người phải sốc! - Ảnh 2.

Rơi tự do và điều chỉnh hướng rơi với tay chân dang rộng

Tiếp đất

Khi rơi xuống độ cao 7000m, không khí đặc dần và bạn có thể thở. Khi tỉnh giấc, bạn có khoảng hai phút trước khi chạm đất. Nếu muốn sống sót, bạn chỉ còn hy vọng vào những thứ nằm giữa bạn và mặt đất.

Khi viên phi công Magee rơi xuống nhà ga ở Pháp, những tấm kính trên trần nhà đã giảm đi đáng kể lực va chạm của ông xuống mặt sàn.

Những thảm cỏ, đống rơm, bụi cây có tác dụng giảm chấn rất tốt. Những tán cây to cũng là lựa chọn tốt trong khi thảm tuyết dầy là tối ưu. Thảm thực vật dầy trên mặt đầm lầy cũng sẽ là lựa chọn tuyệt vời.

Tuy nhiên, không như ta thường nghĩ, mặt nước là lựa chọn rất xấu. Giống như bê tông, nước không thể nén. Rơi xuống nước ở tốc độ cao cũng giống như rơi xuống mặt đường.

Sau khi lựa chọn được địa điểm tiếp đất, hãy cố gắng giảm tốc độ rơi bằng cách giang rộng tay chân. Đừng nằm ngửa mà hãy hướng ngực xuống dưới, ngẩng đầu lên trên để tận dụng tối đa lực cản không khí.

Đáng tiếc là tư thế tiếp đất vẫn còn đang tranh cãi. Những hướng dẫn năm 1942 cho rằng trải rộng cơ thể để giảm tác động.

Nhưng những báo cáo năm 1963 lại đề nghị tiếp đất với chân trước, cong gối giống như những vận động viên nhảy dù. Và những kỹ năng thể thao, võ thuật khác cũng góp một phần vào khả năng sống sót khi rơi khỏi máy bay.

Nếu như bắt buộc phải nhảy xuống nước, hãy học hỏi các vận động viên nhảy cầu. Tiếp nước với chân trước, thẳng người hoặc cắm xuống với hai tay duỗi thẳng bảo vệ đầu.

Cho dù phải rơi xuống đâu đi chăng nữa, đừng dùng cái đầu của bạn, theo nghĩa đen. Nếu bắt buộc, thà dập bộ mặt xinh đẹp còn hơn đập đầu hoặc gáy xuống đất.

Sau khi tiếp đất, nếu sống sót bạn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trước mắt. Tuy nhiên bạn vẫn có thể châm một điếu thuốc và thưởng thức nó như Nicholas Alkemade, xạ thủ máy bay chiến đấu khi bị rơi năm 1944 từ độ cao 5500m.

Rơi khỏi máy bay ở độ cao 10.000m mà vẫn sống: Bí mật khiến nhiều người phải sốc! - Ảnh 3.

Hai tay bảo vệ đầu khi lao xuống nước

Một trường hợp sống sót kỳ diệu khác là Juliane Koepcke vào Giáng sinh năm 1971. Máy bay của bà bị nổ tung trên rừng Amazon. Sáng hôm sau, bà tỉnh giấc khi thấy mình vẫn nằm trên ghế, đơn độc trong rừng.

Nhớ lời khuyên của người cha, một nhà sinh vật học, bà men theo nguồn nước. Băng qua sông đầy cá sấu, cá đuối gai độc và phải uống nước bẩn trong khi vết thương đã bị nhiễm trùng.

Sau 10 ngày băng rừng, bà đến được bờ sông Shebonya. Sau nhiều giờ đi theo bóng chiếc xuồng máy, bà đến được lán trại của những người xẻ gỗ. Ngày hôm sau, bà được tìm thấy và cứu chữa.

Theo văn phòng thống kê tại nạn máy bay, đã có 118934 người chết trong 15463 vụ tai nạn máy bay từ năm 1940 đến 2008.

Tuy nhiên, tỉ lệ tai nạn máy bay là thấp nhất so với những loại hình giao thông khác, và con số này ngày càng nhỏ hơn. Những kiến thức mà bạn vừa đọc có lẽ sẽ không bao giờ được dùng đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại