Dùng “vỡ quỹ, thủng quỹ” BHXH dễ gây hiểu nhầm

Nguyễn Hoàng |

Tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp để quản lý hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH)”.

Tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp để quản lý hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH)”. Chương trình do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nếu vẫn giữ nguyên cơ chế và mức đóng - hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của Quỹ khám chữa bệnh, khả năng mất cân đối với quỹ BHYT sẽ xảy ra vào năm 2019, quỹ BHXH vào năm 2037. Tuy nhiên, ông Lợi nhấn mạnh, quỹ BHXH không thể vỡ...

Nêu ra những nguy cơ về lý thuyết, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, đây chỉ là dự báo nếu chúng ta giữ nguyên chính sách và cơ chế. Theo đó, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên mức đóng - hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của quỹ khám chữa bệnh, khả năng xảy ra mất cân đối quỹ BHYT vào năm 2019. Còn về quỹ BHXH, khi xây dựng và tính toán Luật BHXH năm 2014, chúng tôi ước tính sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối quỹ BHXH vào năm 2037.

Dùng “vỡ quỹ, thủng quỹ” BHXH dễ gây hiểu nhầm - Ảnh 1.

Lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh nhằm đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Ảnh: TM

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu cũng được đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra như, theo công thức được áp dụng từ năm 1995, thời gian đóng BHXH trung bình của người lao động Việt Nam đang là 25 năm, nghỉ hưu là 54 tuổi và hưởng lương hưu trung bình 13 năm. Nay tuổi thọ người lao động tăng lên trung bình 73, vậy rõ ràng đang mất cân đối một số năm.

Hiện người lao động đóng BHXH đủ được chế độ trong 14 năm kể từ khi nghỉ hưu nhưng thực tế người lao động sống trung bình tới 23,5 năm sau khi nghỉ hưu. Như vậy, Nhà nước phải bù thêm 8%.

Chưa kể, khi tham gia BHXH trong 15 năm, mức hưởng tương ứng chỉ khoảng 37% lương trung bình nhưng thực tế nâng lên tới 45% để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân. Do đó, tổng mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn tổng mức đóng khiến kết dư quỹ BHXH đang giảm dần.

Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, tổng mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn với tổng mức đóng. Kết dư quỹ BHXH đang có dấu hiệu giảm dần. Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh về khả năng an toàn quỹ BHXH và BHYT. “Chúng ta nên yên tâm bởi hai quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động.

Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tôi cũng đã nói nhiều lần rằng chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm”- ông Lợi cho biết.

Được biết, Luật BHXH năm 2014 đã quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Theo nhiều chuyên gia, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối, Nhà nước có thể điều chỉnh việc mức đóng, thời gian đóng, tuổi nghỉ hưu...

Đưa ra giải pháp để chống tình trạng mất cân đối trong dự kiến tại buổi tọa đàm, ông Lợi cho rằng cần tính tới phương án người đóng ít sẽ hưởng ít và ngược lại. Đồng thời, cần có thêm các chính sách khác như hưu trí bổ sung, khi về hưu có hai lớp lương hưu...

Thông tin tại buổi tọa đàm này cũng cho biết, theo BHXH Việt Nam, đến nay, quỹ khám chữa bệnh BHYT tại ít nhất 37 tỉnh, thành phố đang bội chi với tổng số tiền hơn 3.400 tỷ đồng. Địa phương bội chi cao nhất là tỉnh Thanh Hóa với 395 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 350 tỷ đồng.

Mức bội chi tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số người tham gia BHYT chỉ tăng hơn 10% (hiện có khoảng hơn 80% dân số có thẻ BHYT).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại