Vụ tài xế Bắc và câu hỏi về "dòng báo chí lười biếng" trong thế giới phẳng

Hiệu Minh |

Nếu không dùng được cái đầu lạnh để kiểm chứng, xác thực thông tin, thì nhà báo có khác gì một kẻ tung tin đồn trên thế giới phẳng.

Nếu đọc ở đâu đó trên facebook hay blog của ai đó viết rằng, Benjamin Franklin từng nói như sấm truyền "Don’t believe everything you read on the Internet. Đừng tin tất cả những gì có trên internet".

Nếu tin câu lời sấm truyền này thì chuyện tài xế Bắc chủ động mời xe khách đâm vào đít xe tải, vẫn còn xuất hiện dài dài trên thế giới phẳng.

Bài học Y2K

Vào đêm 31-12-1999 hồi đó còn làm chuyên viên IT cho VP Ngân hàng Thế giới (WB), tôi phải trực suốt đêm tại 53 Trần Phú (Hà Nội) tại tầng hầm của tòa nhà để xem có sự cố Y2K nào không, trong khi bạn bè đi nhảy nhót, ra bờ Hồ đón pháo hoa như mọi ngõ ngách trên thế giới khi chuyển giao thiên niên kỷ.

Nghe nói trong ở đây, phòng nhì Pháp từng tra tấn và giết nhiều người, hồn ma vẫn vương vất. Nhưng tôi không cảm thấy sợ bằng nếu toàn bộ các máy chủ, hệ thống thông tin nối với vệ tinh trị giá hàng triệu đô la bị ngừng hoạt động do đồng hồ chuyển từ 99 sang 00.

Tôi cũng giúp chính phủ Việt Nam xin 1,7 triệu đô la viện trợ không hoàn lại nhằm khắc phục Y2K, tổ chức nhiều hội thảo cao cấp, làm các báo cáo, viết các hướng dẫn xử lý sự cố, điều tra sự sẵn sàngY2K.

>>Xem bài cùng tác giả TẠI ĐÂY

Tác giả Hiệu Minh

Như trào lưu dịch hạch truyền thông trên thế giới, tôi không quên viết một số bài báo cảnh tỉnh về con bọ thiên niên kỷ có thể làm ngưng hệ thống ngân hàng, tên lửa bị thay đổi ngày có thể tự bay lên trời, hay máy bay bỗng ngừng bay trên trời do đồng hồ chỉ nhầm sang ngày 1-1-1900.

Nhưng đồng hồ quá 12 giờ, ngày đã sang 1-1-2000 được 15 phút, điện thoại réo từ Washington DC bắt tôi kiểm tra từng thiết bị xem có sự cố gì không. Giờ phút đi qua không hề có một sự cố nhỏ nào. Vui quá là vui.

Viết mấy dòng báo cáo cho sếp sở tại và bên trung tâm tại Hoa Kỳ, tự hào đã hoàn thành trách nhiệm của một tay IT, chuẩn bị khá tốt nên mới được như thế, tôi làm một giấc ngay trong cái phòng lạnh lẽo có hồn ma mà không hề thấy sợ.

Nhưng lúc đó tôi không biết rằng, sự cố Y2K được coi là một thảm họa thiên niên kỷ của nền báo chí lười biếng, copy/past mà không kiểm chứng, văn phòng WB chỉ là một trong những nạn nhân.

Trong cuốn "Tin tức thế giới phẳng – Flat Earth News", nhà báo kỳ cựu Nick Davies, tác giả cuốn sách, có nhắc đến Y2K như một bài học về truyền thông.

Ông nhớ lại tháng 5/1993 một tờ báo vô danh tiểu tốt ở Toronto đăng một bài báo ngắn về lời cảnh báo của Peter de Jager về khả năng vào 12 giờ đêm ngày 31-12-1999 nhiều máy tính có thể ngừng hoạt động do dùng đồng hồ có hai số chỉ năm khi chuyển từ 99 sang 00.

Hiệu ứng truyền thông đã vượt quá những gì mà Peter de Jager mong đợi. Cả thế giới sôi sục về Y2K.

Những tiếng nói yếu ớt chống đối bị lấn lướt bởi số lượng khủng khiếp các bài báo sao chép của nhau một cách vô trách nhiệm, tờ Financial Times nói thế này, Washington Post viết thế kia, CNN đưa tin rồi mà.

Lời dọa hão của các hãng thông tấn đã "giúp" thế giới chi tới 300 tỷ đô la (tương đương với 412 tỷ đô thời giá hiện nay) cho Y2K một cách vô bổ.

Nhân loại nhận được là một bài học đắt giá tầm toàn cầu trong trong nền báo chí mà Nick Davies gọi là Churnalism – tin tức dựa vào ăn cắp, xào xáo mà không kiểm chứng do phải giảm giá thành, cắt nhân viên trong khi muốn mối lợi cao nhất.

Vụ tài xế Bắc và câu hỏi về dòng báo chí lười biếng trong thế giới phẳng - Ảnh 3.

Y2K là sự kiện lớn cho báo lá cải và giật gân

Những lỗi lầm trong nghề nghiệp phải bị trừng phạt

Vào những năm 1980 chưa có internet và hệ thống thông tin như bây giờ. Một nhà báo từng được cử đi dự lễ khánh thành chiếc ca nô mới đóng phía cầu Thăng Long.

Do trời rét phải đạp xe đạp hơn chục km, anh ngồi nhà và bịa ra tin in trang trọng trên tờ báo in, chiếc cano đã hạ thủy trong tiếng hoan hô vang dậy của bà con hai bờ sông Hồng.

Báo ra và bên có cano đọc được liền gọi điện báo, họ đã hoãn hạ thủy vì hôm đó mưa phùn gió bấc. Vị nhà báo kia mất việc dài dài.

Một nỗi xấu hổ của tòa soạn, người viết bịa ra tin, tòa soạn lười biếng không kiểm chứng thông tin. Còn người đọc thì nghi ngờ những gì tờ báo viết.

Tháng 2 năm ngoái, giới truyền thông Hoa Kỳ còn nhớ vụ nhà báo Brian Williams nổi tiếng làm cho hãng NBC News. Ông này đã "nhầm lẫn" khi kể về chuyến máy bay Chinook bên Iraq bị tên lửa vác vai của phiến quân bắn trúng.

Vụ tài xế Bắc và câu hỏi về dòng báo chí lười biếng trong thế giới phẳng - Ảnh 4.

Lỗi nghề nghiệp nghiêm trọng của Brian Williams làm cho hãng NBC News vào năm 2015. Ảnh: CNN.

Câu chuyện chỉ rõ hơn khi những người lính trong chiếc trực thăng Chinook đó xem tivi và bắt đầu phản ứng. Họ cho biết Brian Williams không có mặt trên chiếc máy bay. Willams phải nhận lỗi vì đúng ra là ông bay ở chiếc máy bay sau một cách bình an. Ông bị treo "miệng" 6 tháng.­

Đạo đức nghề nghiệp như đưa tin chính xác và khách quan, tránh gây phương hại, độc lập, trách nhiệm và minh bạch là những tố chất không thể thiếu của người cầm bút.

Trong trường hợp tin sai sót, tòa soạn phải xin lỗi độc giả nếu không muốn bị tẩy chay và hành động kỷ luật người đưa tin sai cũng phải được công bố.

Nửa sự thật và niềm tin bị đánh cắp

Tuần trước đi café với một bạn trên facebook vì bạn tự hào đưa tin về lái xe Bắc như một người anh hùng.

Bạn tâm sự, thế giới mạng của Việt Nam thường đưa tin xấu nhiều hơn tốt. Một người lái xe dũng cảm như anh Bắc cần đưa lên thành tấm gương cho mọi người học tập. Người viết bài này cũng bị cơn gió "người hùng" đó cuốn theo.

Thật đáng tiếc là có một số chi tiết được kể từ lái xe Bắc, lại không phải sự thật chỉ là nửa sự thật. Có những chi tiết, mà những người am hiểu hoặc những "tài già" – lái xe có kinh nghiệm – đã thấy phi lý ngay từ đầu.

Vụ tài xế Bắc và câu hỏi về dòng báo chí lười biếng trong thế giới phẳng - Ảnh 5.

Các báo đưa tin này đã không kiểm chứng với cả hai lái xe, với hành khách, thậm chí lẽ ra phải hỏi cả người đi đường, chuyện gì thực sự đã xảy ra.

Đưa tin trung thực, khách quan là một tố chất quan trọng của người cầm bút. Muốn làm được điều đó phải biết kiểm chứng bằng mọi giá chứ không thể vì sự nóng hổi mà đưa tin không chính xác.

Có một sự thật mà Benjamin Franklin đã từng nói "Half a truth is often a great lie – Nửa sự thật thường là một sự dối trá vĩ đại".

Nếu ai đó tin rằng Benjamin Franklin đã từng nói "Đừng tin tất cả những gì có trên internet", thì nên nhớ rằng thời của Benjamin Franklin, một vĩ nhân của Hoa Kỳ, chả ai biết internet là gì.

Thế nhưng không ít nhà báo sẽ ngay lập tức đưa tin một cách đầy phấn khởi về "lời sấm truyền" nhảm nhí được gắn cho Franklin như thế.

Nếu không dùng được cái đầu lạnh để kiểm chứng, xác thực thông tin, thì nhà báo có khác gì một kẻ tung tin đồn trên thế giới phẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại