Vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì: Một phương án bồi thường được đề xuất

Tuệ Minh |

Ở vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì, theo 1 phương án bồi thường thiệt hại tài sản được đề xuất (URC chưa chấp thuận), tiền bồi thường dựa trên số chai nước không thể thu hồi và giá bán.

Liên quan đến việc URC phải thu hồi 2 lô hàng C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì, thông tin một phần lớn của lô hàng này không thể thu hồi được đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Và từ đó, phương án bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong vụ việc này càng được quan tâm nhiều khi trước đó đã có ít nhiều thông tin về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng họp với phía URC để xác định phương án bồi thường.

Vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì: Một phương án bồi thường được đề xuất - Ảnh 1.

Với các vi phạm, URC Hà Nội đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt gần 6 tỷ đồng

URC phải có trách nhiệm với người tiêu dùng

Để làm rõ những thông tin này, chiều nay (7/9), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, ông Hùng khẳng định: "Quan điểm trước sau của Hội là công ty phải có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho những người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng nước C2 và Rồng Đỏ trong hai lô bị thu hồi".

Theo vị này, hiện đang trong quá trình thương lượng giữa công ty và chắc chắn sẽ có thông tin chính thức tới người tiêu dùng.

Và đến thời điểm này, buổi làm việc chiều hôm qua (6/9) giữa Hội và một số cơ quan chức năng với Công ty URC là buổi làm việc thứ 2. Còn buổi làm việc thứ nhất diễn ra trước đó vào tháng 7/2016.

Theo ông Hùng, buổi làm việc đầu tiên xuất phát từ việc Hội lên tiếng về việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Thời điểm đó, phía công ty đã có liên lạc qua thư, đặt vấn đề có một buổi làm việc để cung cấp đầy đủ thông tin cho phía Hội.

Tại buổi làm việc đầu tiên, Hội nêu quan điểm của Hội và có dẫn ra các văn bản pháp lý có liên quan như Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm với những điều khoản cụ thể, nghĩa vụ và quyền lợi của người tiêu dùng.

Từ đó, Hội đi đến kết luận việc bồi thường là đương nhiên không thể chối cãi. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, có đến 4 phương thức đã được đưa ra để giải quyết tranh chấp. Sau khi cân nhắc, theo ông Hùng, phía URC nói: "Còn hơi sớm để công ty đưa ra việc bồi thường như thế nào nhưng sẽ kết hợp với Hội để giải quyết".

Vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì: Một phương án bồi thường được đề xuất - Ảnh 2.

Với những thùng C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì không thể thu hồi được, vấn đề bồi thường thiệt hại đối với người tiêu dùng được quan tâm đặc biệt (Ảnh: Quang Định/TTO)

Tránh việc bồi thường chỉ là hình thức

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm: "Sau buổi làm việc đầu tiên, URC có gửi thư tóm tắt nội dung buổi làm việc và tôi cũng có thông tin trở lại.

Họ đưa ra cho Hội một phương án xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại do họ soạn thảo. Từ đó, chúng tôi có thống nhất với họ về việc có một cuộc họp để thống nhất phương án bồi thường. Đó là lý do có cuộc họp ngày hôm qua, 6/9".

Xác định đây là vụ việc hết sức phức tạp và ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông người tiêu dùng nên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Vì thế trong buổi làm việc chiều qua, đại diện Bộ Công thương, đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Y tế và một số đơn vị khác đã được mời đến tham dự cuộc họp.

Ông Hùng khẳng định: "Trên cơ sở nghiên cứu phương án họ đã đưa trước đó, tôi thấy rất khó cho người tiêu dùng, nhưng dù sao URC cũng phải bám sát theo luật pháp của Việt Nam.

Để phương án bồi thường thiệt hại có tính khả thi, tránh "các rào cản ký thuật" dẫn đến việc bồi thường chỉ là hình thức nhất là việc đòi hỏi chứng cứ như hoá đơn mua hàng nhiều người sẽ không có và không thực tế), họ đưa ra phương án: Đối tượng xem xét bồi thường là người tiêu dùng đã sử dụng. 

Nhưng tôi yêu cầu phải bổ sung là: người đã mua và sử dụng (vì người mua sản phẩm dù không dùng thì vẫn là bị thiệt hại)".

Về việc phía URC đề cập đến các chứng cứ, ông Hùng phản biện: Đó là vấn đề rất khó.

"Tiếp theo tôi có đề xuất là công ty dành ra một khoản tài chính để bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt tài sản (còn về sức khoẻ thì phải giám định).

Khoản tài chính này dựa trên dữ liệu về hai lô sản phẩm bị kết luận nhiễm chì phải thu hồi; số lượng sản phẩm đã thu hồi được; số lượng chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng), có kiểm chứng của cơ quan chức năng (cụ thể là Thanh tra Bộ Y tế); giá bán sản phẩm của công ty. 

Ngoài ra, công ty cũng phải thông báo đầu mối giải quyết việc bồi thường.

Về phía Hội sẽ có các công văn gửi các Hội địa phương để huy động các văn phòng tư vấn khiếu nại các Hội địa phương vào cuộc cùng với văn phòng khiếu nại của Trung ương Hội.

Sau một thời gian (3 hoặc 6 tháng), nếu không còn khiếu nại của người tiêu dùng thì khoản tài chính bồi thường thiệt hại sẽ được sung công để phục vụ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Nhà nước", ông Hùng kể lại việc ông đặt vấn đề đối với phía URC.

Tuy nhiên, tại cuộc trao đổi chiều nay, theo vị Tổng Thư ký của Hội này, việc sung công dường như chưa thoả đáng bởi nguồn tiền này không nằm trong số các nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Đã có gợi ý là số tiền còn dư sẽ cho vào quỹ phúc lợi người tiêu dùng của công ty.

Ngoài ra, theo Hội, việc giải quyết bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, người tiêu dùng thực hiện qua đường toà án. Người tiêu dùng được sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Được biết, tại buổi làm việc ngày hôm qua, TGĐ Công ty URC đã đánh giá cao ý kiến của ông Hùng là bồi thường phải khả thi, đến đúng người tiêu dùng và chấp nhận đề xuất về phương án xử lý của bên Hội. Tuy nhiên vấn đề này vẫn cần phải có sự chấp thuận từ phía lãnh đạo của URC và sẽ có xác nhận vào thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại