Bí thư Huyện ủy xin lỗi dân về vụ "trẻ lọt lòng còng lưng gánh quỹ" ở Hậu Lộc, Thanh Hóa

Tuệ Minh |

Sau khi chỉ ra những khoản thu của cấp dưới là sai, Bí thư huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) qua báo chí đã xin lỗi những người dân bị thu sai quy định.

Liên quan đến những phản ánh về việc người dân bị thu đến cùng kiệt thậm chí trẻ mới lọt lòng cũng phải đóng quỹ, phụ nữ bụng mang dạ chửa cũng phải tham gia… đắp đất ở xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Huyện uỷ huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Ấp về những vấn đề này.

Giật mình với cách bắt người dân đi họp  

PV: Là Bí thư huyện uỷ Hậu Lộc, ông có biết việc thu của cấp xã và cấp thôn ở xã Hải Lộc như báo chí đã phản ánh không?

Ông Nguyễn Văn Ấp: Theo chỉ đạo của huyện, trong quá trình tổ chức thực hiện, không có chỉ đạo thu của dân thế này, thu của dân thế kia ngoài các quy định của Nhà nước. Ở thôn, anh em cũng đặt ra các khoản thu, thôn này thu khoản này, thôn khác thu khoản khác.

Hàng năm, huyện đều có giao cho UBND huyện có chỉ đạo chặt chẽ về việc này. Nhưng vẫn có tình trạng các thôn vẫn tiếp tục thu các khoản đóng góp, dù dân bàn nhưng không phải tất cả đều đồng tình các khoản đóng góp.

Vừa rồi có một số báo phản ánh một xã khác ở Hậu Lộc là xã Minh Lộc, huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra việc thu thực tế của các thôn xem có đúng không. 

Có 3 loại đối tượng: xã thu các loại phí, quỹ theo quy định của Nhà nước; hợp tác xã thu theo quy định của hợp tác xã; dân tự bàn để thu đóng góp.

Về những khoản dân tự bàn để thu đóng góp thì có người đồng ý, có người không đồng ý. Thực tế khi kiểm tra thì có những khoản thu không đúng. 

Ví dụ như thu quỹ hội họp (thu, không tiêu và ai đi họp thì trả dần để bắt buộc người dân phải đến họp). Hội họp là quyền của dân, ai đến họp được, không đến được thì phải có cách tuyên truyền khác chứ không thể làm như vậy được. Hay là một số quỹ làng thu đến đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi cũng không đúng...

Bí thư Huyện ủy xin lỗi dân về vụ trẻ lọt lòng còng lưng gánh quỹ ở Hậu Lộc, Thanh Hóa - Ảnh 1.

Không năm nào là gia đình bà Hiền - một người dân ở xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) thoát khỏi cảnh nợ chính quyền thôn

Từ xã Minh Lộc và đi kiểm tra một số nơi nữa thì huyện, thường vụ huyện uỷ đã báo cáo với tỉnh và huyện cũng đã yêu cầu Uỷ ban huyện có công văn yêu cầu tất cả UBND các xã chỉ đạo rà soát lại các khoản thu của các thôn. 

Chỗ nào thu không đúng như báo chí phản ánh thì đều phải chấm dứt ngay và có biện pháp xử lý kịp thời, trả lại hay không trả lại thì phải họp dân lại để người dân có ý kiến.

Như vậy, huyện đã chỉ đạo rất kiên quyết trong việc chấm dứt ngay việc thu không hợp lý, không hợp sức dân.

Thứ hai là không được phép sử dụng các biện pháp có tính chất cưỡng chế để bắt người dân phải tham gia các khoản đóng góp trong khi người dân không đủ điều kiện, hoặc là người dân chưa đồng tình. Đối với người chưa đồng tình thì phải cố gắng thuyết phục, vận động nếu quỹ đóng góp đó là phù hợp.

PV: Việc thôn phát cho mỗi hộ một cuốn sổ theo dõi các khoản đóng góp, sau đó dùng cuốn sổ này để làm bằng chứng cho việc đóng góp và dùng làm cơ sở để quyết định có giải quyết thủ tục hành chính cho người dân hay không... là đúng hay sai, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ấp: Về sổ theo dõi các khoản thu, việc ở thôn lập thành một cuốn sổ để theo dõi, đáng lẽ phải ghi rất rõ khoản nào thu cho xã, khoản nào tự nguyện đóng góp do thôn thu, khoản nào thôn thu giúp hợp tác xã hoặc phải làm thành 3 bản thu khác nhau. 

Nhưng anh em dưới xã tuỳ tiện làm chung vào một cuốn sổ để thôn theo dõi.

Nhưng để kiểm tra và dùng là cơ sở để thực hiện các biện pháp hành chính đối với người dân (cấp giấy khai sinh, cấp giấy tạm vắng cho người đi làm ăn xa, thậm chí kể cả vấn đề chứng thực để vay vốn ngân hàng...) là sai quy định.

Thu sai, dứt khoát phải xử lý kỷ luật

PV: Với những cán bộ thu sai của dân thì chủ trương xử lý của huyện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ấp: Huyện đã yêu cầu kiểm tra và rà soát. Anh nào làm sai thì sẽ phải xử lý. Xã mà thu sai thì xã sẽ phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm túc. 

Thôn thu sai mà không được sự bàn bạc thấu đáo và đồng thuận của người dân, dùng các biện pháp bắt buộc người dân đóng góp thì dứt khoát trưởng thôn và bí thư chi bộ ở đó phải bị xử lý kỷ luật. Tinh thần là như vậy, huyện rất là nghiêm.

Đối với những cán bộ làm sai thì sẽ tiến hành xem xét kỷ luật theo quy tình kỷ luật: huyện kết luận những vấn đề đó sai, sau đó tiến hành xử lý kỷ luật theo phân cấp.

PV: Trước đây, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT đã "trảm tướng ngay tại trận". Là một bí thư huyện uỷ, ông học tập được điều gì từ vị Uỷ viên Bộ Chính trị này trong việc xử lý cán bộ sai phạm?

Ông Nguyễn Văn Ấp: Chúng tôi sẽ làm nghiêm túc. Còn quy trình thì phải làm từ dưới lên theo điều lệ của Đảng và quy định của Nhà nước. 

Chúng tôi chỉ đạo quyết liệt là sau khi có kết luận sai phạm như thế nào thì các cấp sẽ kiểm điểm và đề xuất lên cấp có thẩm quyền để xem xét quy trình kỷ luật chứ cũng không thể xuống dưới mà nói cách chức thôn trưởng được

PV: Với tư cách là Bí thư Huyện uỷ huyện Hậu Lộc, ông muốn nói gì với những người dân đã bị cấp dưới thu tiền sai?

Ông Nguyễn Văn Ấp: Trước hết, với trách nhiệm của người lãnh đạo địa phương, việc dưới cơ sở làm sai có một phần trách nhiệm tham gia lãnh đạo quản lý của các cấp có thẩm quyền.

Trong đó có trách nhiệm của cơ quan chuyên môn của huyện, trong đó có trách nhiệm của lãnh đạo các xã thì việc thu quá sức dân, thu sai quy định, tôi cho rằng báo chí phản ánh giúp chúng tôi là rất tốt.

Trách nhiệm của chúng tôi là phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc thu sai quy định, thu quá mức làm cho nhân dân khó khăn. Nếu đối tượng nào thu sai thì phải trả lại số tiền cho người dân.

Và qua báo chí, tôi cũng xin lỗi những người dân đã bị thu sai, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm trong việc này.

Dù không đến từng hộ dân nhưng chúng tôi cũng sẽ chia sẻ với người dân và hứa sẽ chỉ đạo nghiêm túc để xử lý tình trạng thu sai quy định ở xã Hải Lộc.

PV: Thời gian tới, huyện có biện pháp nào để giám sát việc thu quỹ ở cấp dưới không khi kể từ 2009 đến nay, đây đã là lần thứ hai xảy ra tình trạng thu sai quy định ở huyện Hậu Lộc, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Ấp: Thứ nhất là, về phía huyện, trước khi có các cơ quan báo chí phản ánh thì huyện vẫn thường chỉ đạo các cơ quan tài chính của huyện, ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thường xuyên phối hợp với nhau để đi kiểm tra nhưng cũng có nơi kiểm tra được, có nơi không. 

Nhân chuyện có các bài báo phản ánh về xã Minh Lộc và Hải Lộc thì chúng tôi đã có các biện pháp cụ thể. Thứ nhất là cử tất cả cán bộ thuộc ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xuống từng thôn để nắm bắt tình hình và có báo cáo lại. 

Thứ hai là phía Nhà nước, huyện đã có công văn chỉ đạo rà soát tất cả, báo cáo tất cả các phần thu ở cấp xã, cấp thôn về huyện. Tôi đã mời bí thư, chủ tịch các xã lên để quán triệt việc tổ chức thu dưới cơ sở cho đúng. 

Thứ ba là chúng tôi đã chỉ đạo ban của hội đồng nhân dân thành lập đoàn giám sát của hội đồng nhân dân đối với tất cả vấn đề thu.

Xin cám ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại