Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc

Đào Thanh Tuy |

Trả lời báo chí, lãnh đạo thôn Lộc Tiên cho biết, tất cả các khoản thu của thôn, xã đều nhận được sự đồng thuận của dân. Tuy nhiên, thực tế thì người dân lại là con nợ...

LTS: Đứa trẻ còn đỏ hỏn trên tay đã phải gánh trên vai vô số những khoản đóng góp cho thôn, thậm chí phải tham gia… đắp đất để phòng chống thiên tai. Chuyện lạm thu nhức nhối này đang diễn ra ở thôn nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Người dân đồng tình làm… con nợ!

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc người dân è cổ, còng lưng đóng góp các loại phí, quỹ ở thôn Lộc Tiên, ông Đỗ Xuân Liên, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết, từ vài năm nay, xã chỉ thu những khoản mà tỉnh, huyện có chủ trương, yêu cầu.

Việc người dân Lộc Tiên phải gồng mình đóng góp chủ yếu là các khoản thu của thôn. Tuy nhiên, ông Liên cũng cho biết, việc thu, chi của thôn xã có nắm được vì hàng năm thôn vẫn phải báo cáo.

"Chúng tôi sẽ chấn chỉnh việc này ngay lập tức", ông Liên khẳng định trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Đúng như lời ông Liên nói, ngay chiều ấy, thường vụ đảng ủy xã Hải Lộc đã mời bí thư, trưởng thôn Lộc Tiên lên để… giải trình.

Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc - Ảnh 1.

Ông Đỗ Xuân Liên, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc khẳng định sẽ chấn chỉnh việc lạm thu ở Lộc Tiên.

Trả lời chúng tôi, ông Tô Xuân Sanh, Bí thư Chi bộ thôn Lộc Tiên khẳng định, các khoản thu của thôn với người dân là phù hợp và được đa số hộ dân trong thôn đồng thuận, tán thành.

"Bây giờ dựa trên kế hoạch chúng tôi đã thu được 70-80% rồi. Người dân đồng thuận thì mới tham gia", ông Sanh nói.

Cũng theo ông Sanh, để thu được con số trên, chính quyền thôn không dùng sức ép gì. Với những hộ đóng muộn thì thôn chỉ viết giấy… mời ra đóng.

"Căn cứ vào thu nhập của người dân, theo quan điểm của tôi thì thu như trên là… phù hợp", ông Sanh khẳng định.

Trái với nhận định "chắc như đinh" của ông Sanh, tất thảy những người dân chúng tôi đã gặp ở Lộc Tiên thì đều cho rằng họ đã và đang kiệt sức bởi những khoản đóng góp quá đỗi nặng nề.

Và, có một sự thật là chính quyền thôn cũng đã ý thức được việc người dân bị truy thu đến sức tàn lực kiệt.

Trong cuốn sổ "Theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình" mà chính quyền địa phương thiết kế để phát cho người dân đã hiện hữu một cột trang trọng để ghi… nợ cũ.

Là xã ven biển, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm muối, đánh bắt ven bờ nên đời sống người dân xã Hải Lộc còn nhiều khó khăn. Hiện tại, số hộ nghèo của xã hiện chiếm 21%.

Tiếp cận "sổ Nam Tào" này của một số hộ dân ở Lộc Tiên, chúng tôi đều thấy phần "nợ cũ" chi chít những con số. Đó là số tiền mà người dân nợ lại từ "mùa đóng góp" trước đó.

Sổ đóng góp của gia đình bà Dương Thị Hòa, phần thu năm 2016, cột "nợ cũ" cũng khiến người xem hoa mắt.

Cụ thể, năm 2016 gia đình bà Hòa phải nộp cho xã, thôn cả thảy là 4.820 nghìn đồng. Trong đó, số tiền đóng theo kế hoạch năm 4.025 nghìn đồng, số còn lại (hơn 800 nghìn đồng) là nợ từ những mùa thu trước.

Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc - Ảnh 3.

Sổ "ghi nợ" của gia đình bà Hòa.

"Cố hết sức rồi, không thể đóng được nữa thì đành phải ghi nợ thôi", bà Nguyễn Thị Hiền, cũng một "con nợ" của chính quyền địa phương bức xúc.

Giống như gia đình bà Hòa, sổ theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình bà Hiền phần "nợ cũ" cũng dày đặc… những con số hãi hùng.

Năm 2014 gia đình bà Hiền phải đóng cho thôn, xã tổng số tiền là 3.940.300 đồng, trong đó nợ cũ là 1.114.000 đồng. Năm 2015, gia đình bà Hiền phải đóng 4.372.000 đồng, nợ cũ là 1.260.000 đồng.

Năm 2016, gia đình bà Hiền phải xoay đủ 4.192.000 đóng cho thôn, xã. Và, số tiền này cũng đã bao gồm nợ cũ là 1.372.000 đồng.

Các khoản nợ của bà Hiền chủ yếu nằm ở phần thu của thôn. Như đã nói ở bài trước, bà Hiền hiện mắc nhiều trọng bệnh. Bởi bệnh tật, thường xuyên phải giao dịch với chính quyền nên bà Hiền đã cố đóng đủ cho xã để việc của mình được… "hanh thông".

Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc - Ảnh 4.

Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc - Ảnh 5.

Không năm nào là gia đình bà Hiền thoát khỏi cảnh nợ chính quyền thôn.

Bị bêu lên loa công cộng nếu chậm nộp tiền?

Nếu như cách đây vài năm, với số nợ trên thì hộ gia đình bà Hòa, bà Hiền sẽ… lĩnh đủ.

Khi ấy, chính quyền địa phương sẽ làm đủ cách để truy thu đến đồng cuối cùng. Cắt điện, không đóng dấu, khuân tài sản… là những "đòn trừng phạt" đã từng xuất hiện ở Hải Lộc. Thậm chí, hộ gia đình nào nợ đọng cũng sẽ được tính lãi như ngân hàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các biện pháp kinh hãi mang hơi hớm phong kiến trên đã không còn được áp dụng ở Hải Lộc nữa. Thay vào đó, theo như lời ông Tô Huy Sanh, Bí thư Chi bộ thôn Lộc Tiên, thì thôn chỉ phát giấy mời để các hộ gia đình nộp chậm nhanh chóng đến hội trường thôn "hoàn thành các khoản đóng góp".

"Chúng tôi chỉ vận động để người dân hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của mình", ông Tô Huy Sanh cho biết.

"Với những hộ không có khả năng đóng thì thôn sẽ làm gì để thu?". Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Tô Huy Sanh bảo: "Cái này thì thôn chưa bàn tới".

Kiệt sức đóng quỹ thôn, người dân thành con nợ ở Hải Lộc - Ảnh 6.

Ông Tô Huy Sanh, Bí thư thôn Lộc Tiên.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở Lộc Tiên khẳng định nếu họ không hoàn thành các khoản đóng góp thì ngay lập tức sẽ bị… bêu tên trên loa công cộng.

"Họ đọc ra rả ấy, ai không có tiền đóng thì cũng cố mà xoay sở chứ suốt ngày bị loa nheo nhéo gọi xấu hổ lắm!", bà Hồ Thị Chinh, cũng từng là "con nợ" của thôn Lộc Tiên chia sẻ.

Bà Chinh cho biết, năm kia, ngay sau khi con trai bà lấy vợ, bà đã ra Hà Nội để sống cùng con. "Nhà tôi khóa cửa bỏ đấy, có ai ở đâu. Vậy mà cuối năm về, thấy họ thu một đống. Tôi phần vì chưa có tiền, phần vì tức bởi cả nhà đi vắng thì biết đâu mà đóng.

Họ cứ đọc mãi, khi có tiền rồi tôi cũng kệ. Tôi cho họ đọc mệt đi thì mới lên đóng, đằng nào cũng mất mặt rồi", bà Chinh kể lại.

Thôn Lộc Tiên có 330 hộ, 1377 nhân khẩu. Nhìn vào sổ theo dõi nghĩa vụ và đóng góp thì khó có thể biết tổng số tiền người dân trong thôn phải đóng mỗi năm là bao nhiêu. Chỉ biết rằng đó là con số rất lớn.

Và, việc quản lý thu, chi thế nào để không bị thất thoát cũng là… câu hỏi không dễ trả lời.

(Còn tiếp)

Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo xử lý chuyện lạm thu ở Hải Lộc

Ngay từ những ngày đầu của năm 2009, sau khi đọc loạt phóng sự "Một vùng quê đau khổ" đăng trên báo Nông thôn Ngày nay phản ánh những sai phạm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm của chính quyền xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá gây bức xúc và bất bình trong nhân dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh các sai phạm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý ngay trong tháng 1/2009.

Theo báo phản ánh, chính quyền xã Hải Lộc đã vi phạm khi đặt ra những khoản huy động đóng góp của nhân dân và đề ra một số khoản phạt không đúng quy định; vi phạm cưỡng chế thu giữ tài sản của nhiều hộ dân trong xã; cắt điện sinh hoạt khi người dân không hoàn thành các khoản đóng góp…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra và đã có kết luận về những sai phạm ở Hậu Lộc, trong đó khẳng định những vấn đề báo chí đã nêu đều đúng...

Ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, các sai phạm ở xã Hải Lộc đã được xử lý và địa phương này đã phải chấm dứt việc yêu cầu dân đóng góp những khoản phí không đúng quy định.

(Theo baochinhphu.vn)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại