Vụ "chặn xe cứu thương": Cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo BV Nhi?

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, trong sự việc "chặn xe cứu thương" thì người lãnh đạo - Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cũng cần phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành của mình.

Có thể xử lý hình sự bảo vệ không?

Quanh vụ việc 3 bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở một bệnh nhi hấp hối về nhà ở Nghệ An khiến em này mất ngay trên xe, trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (TP HCM) cho biết, bản thân ông sau khi nắm được thông tin đã rất bức xúc về hành vi này của các bảo vệ và cần phải lên án cũng như chấn chỉnh ngay.

Theo ông Út, ở đây cần phải nói rõ việc xe cứu thương chở cháu bé là về để làm công tác hậu sự chứ không phải cấp cứu.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện này mà công an đang tiến hành điều tra làm rõ như cuộc điện thoại lạ gọi cho chị Soa, mẹ cháu bé, khi gia đình chuẩn bị đưa cháu về, việc chênh lệch giá tiền xe cứu thương quá lớn hay có không việc bảo vệ "câu kết" với "cò" xe cứu thương để "cản trở"...

Vụ chặn xe cứu thương: Cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo BV Nhi? - Ảnh 2.

Xe cứu thương bị chặn. Ảnh cắt từ clip

Vụ chặn xe cứu thương: Cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo BV Nhi? - Ảnh 1.

"Nếu công an điều tra được từ số điện thoại lạ gọi cho chị Soa mà phát hiện ra một đường dây "cò" xe cứu thương "ép" các gia đình nạn nhân phải sử dụng xe của các đối tượng này với mức giá cao, đồng thời, nếu xác định được các bảo vệ này có hành vi "câu kết" với các đối tượng "cò" xe cứu thương, sau đó "cản trở" để "ép" sử dụng dịch vụ của "cò" với giá cao thì rõ ràng các hành vi này có thể được xác định vào tội cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Bộ luật Hình sự.

Cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác sẽ phải làm rõ những vấn đề này", ông Út nói.

Còn theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Hà Nội) thì việc đuổi việc 3 bảo vệ của Công ty bảo vệ AZ là đúng, bởi hành vi của họ không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, trước khi tiến hành đuổi việc, chắc chắn công ty đã phải họp, các bảo vệ này đã làm kiểm điểm, tường trình và cuộc họp phải có biên bản.

Do đó, Công ty bảo vệ AZ và Bệnh viện Nhi TƯ cũng cần nêu rõ vi phạm của các bảo vệ này là như thế nào, nói cách khác là họ đã vi phạm nội quy bệnh viện, nội quy công ty như thế nào, gây ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện, công ty như thế nào... để dẫn đến bị đuổi việc.

"Còn trong trường hợp, nếu cơ quan công an xác định được họ có liên quan, thông đồng với đường dây "cò" xe cứu thương, để "cản trở", "ép" các gia đình bệnh nhân phải sử dụng xe cứu thương giá cao thì sẽ bị xử lý hình sự", luật sư Hòe nói.

Lãnh đạo Bệnh viện cũng cần bị xem xét trách nhiệm?

Cũng theo luật sư Hòe, trong sự việc này, Bệnh viện Nhi TƯ là chủ thể chịu trách nhiệm hành chính đối với quá trình quản lý, vận hành mọi hoạt động liên quan đến bệnh viện.

"Hoạt động bảo vệ, quy định xe vào, xe ra cũng là hoạt động hành chính của bệnh viện nên trong trường hợp này bệnh viện, mà người lãnh đạo đứng đầu phải có trách nhiệm.

Việc bệnh viện thuê nhóm bảo vệ này và gây ra sự việc cản trở xe cứu thương khi chở bệnh nhân hấp hối về, khiến bệnh nhân mất trên xe như thế là chưa tròn trách nhiệm.

Khi nhu cầu của xã hội, của bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đặt ra mà quy trình hành chính của bệnh viện không đáp ứng được thì rõ ràng là lỗi. Nhưng cụ thể lỗi như thế nào thì cần phải có sự đánh giá rõ ràng của các cơ quan chức năng", ông Hòe nêu.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Công Út cũng cho hay, trong tất cả các sự cố xảy ra, ngoài người trực tiếp gây ra lỗi phải chịu trách nhiệm thì những người lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm trước nhất, đó là trách nhiệm quản lý, hành chính.

"Đối với Bệnh viện Nhi TƯ là cơ quan Nhà nước nên khi có sự cố Giám đốc Bệnh viện sẽ là người phải trách nhiệm trước nhất và đó là trách nhiệm hành chính", ông nói.

Cũng theo luật sư Út, trong trường hợp, nếu cơ quan công an xác định được có "đường dây cò" xe cứu thương trong bệnh viện nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản và Giám đốc Bệnh viện cũng biết nhưng không xử lý kiên quyết, kịp thời thì trách nhiệm của Giám đốc sẽ bị xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

"Vụ việc sẽ phải chờ vào kết luận của cơ quan công an về các thông tin dư luận đang nghi vấn, để từ đó, có những thông tin chính xác và sau đó, sẽ xem xét trách nhiệm rõ ràng của từng cá nhân, lãnh đạo bệnh viện để xử lý", luật sư này cho hay.

Trước đó, liên quan đến sự việc này, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ khi theo dõi các đoạn clip.

Ông Hải cũng đã thay mặt bệnh viện xin gửi lời xin lỗi tới toàn thể nhân dân khi để một việc không đáng có xảy ra.

Hiện bệnh viện đã yêu cầu Công ty bảo vệ AZ chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động, trong vòng 1 tuần nếu không "thay máu" sẽ chấm dứt hợp đồng. 3 bảo vệ trong trong clip chặn xe cấp cứu đã bị đuổi việc.

"Đây cũng là bài học cho chúng tôi. Thời gian tới nếu tiếp tục với Công ty AZ hay ký với công ty bảo vệ khác chúng tôi cũng sẽ phải giám sát sát sao. Bệnh viện sẽ cắt cử nhân viên phòng hành chính quản trị của bệnh viện để giám sát việc này", ông Hải thông tin.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại