Việt Nam có thể lắp tên lửa chống hạm cho tàu Petya nâng cấp?

Hải Dương |

Nếu được trang bị bổ sung tên lửa chống hạm Uran-E, các tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Hải quân Việt Nam sẽ "lột xác" với sức mạnh vượt trội.

Mới đây tờ Economictimes cho biết, khả năng cao là Ấn Độ đã được lựa chọn để hiện đại hóa vũ khí săn ngầm cho 2 tàu hộ vệ lớp Petya của Hải quân Việt Nam.

Gói nâng cấp bao gồm lắp đặt bổ sung sonar, bệ phóng bom chìm, hệ thống điều khiển hỏa lực và vũ khí chống ngầm mới, giá trị hợp đồng ước tính vào khoảng 2 tỷ rupee (30 triệu USD) sẽ giúp "phục hồi chức năng" cho những chiến hạm cũ trên, giúp chúng có thể phục vụ trong biên chế thêm một thời gian nữa.

Việt Nam có thể lắp tên lửa chống hạm cho tàu Petya nâng cấp? - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ săn ngầm Petya II số hiệu HQ-13 của Hải quân Việt Nam

Tuy nhiên dễ dàng nhận thấy kể cả sau khi trải qua quá trình nâng cấp thì những tàu hộ vệ Petya trên vẫn còn khá "yếu ớt", năng lực chống hạm cũng như phòng không cực kỳ hạn chế. Vậy liệu Việt Nam có nên "tiện thể" tiến hành một vài cải tiến sâu hơn như trang bị tên lửa chống hạm cũng như một vài vũ khí mới?

Đầu tiên, để mang được tên lửa chống hạm như Uran-E thì yêu cầu phải có radar dẫn bắn, có thể tham khảo cấu hình của tàu Tarantul (Molniya 1241.RE) để lắp đặt radar Garpun-Bal trên đỉnh tháp thay thế cho loại Slim Net (Fut-N). Vị trí của bệ phóng KT-184 nên nằm ở vị trí của khẩu pháo AK-726 phía sau tàu.

Bên cạnh đó, do pháo AK-726 kích thước rất cồng kềnh, tốc độ bắn thấp, độ chính xác không cao nên cần được tháo bỏ để nhường vị trí cho AK-176 sở hữu nhiều tính năng vượt trội. Radar dẫn bắn cho pháo AK-176 là MR-123 Vympel sẽ chiếm chỗ của Hawk Screech, thao tác thay đổi này sẽ không tốn quá nhiều thời gian.

Việt Nam có thể lắp tên lửa chống hạm cho tàu Petya nâng cấp? - Ảnh 2.

Radar trinh sát đường không Slim Net (vòng tròn xanh) cùng với radar điều khiển hỏa lực pháo Hawk Screech (vòng tròn đỏ) có thể thay thế bằng Garpun-Bal và MR-123 Vympel, bệ phóng tên lửa chống hạm sẽ chiếm chỗ của khẩu pháo AK-726 phía sau

Nếu triển khai gói nâng cấp này, các tàu hộ vệ săn ngầm Petya sẽ "lột xác" với sức mạnh vượt trội hiện tại, đủ khả năng đối đầu trực diện với tàu mặt nước cũng như tàu ngầm đối phương. Vấn đề cần cân nhắc hiện chỉ là có nên thực hiện chương trình hiện đại hóa khá phức tạp và tốn kém như trên đối với một chiếc chiến hạm đã hơn 50 tuổi đời? 

Việc lựa chọn đối tác Ấn Độ để sửa chữa, cải tạo thông qua hợp đồng giá trị vừa phải như tờ Economictimes đã đăng tải có lẽ chỉ nhằm mục đích "chữa cháy", lấp tạm khoảng trống chiến thuật trong khi chờ đợi hải quân đóng hoặc mua mới những khinh hạm đầy đủ chức năng như Gepard 3.9 mà thôi.

Vì vậy viễn cảnh Petya II/III của Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị bổ sung tên lửa chống hạm Uran-E sẽ rất khó trở thành hiện thực

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại