Tàu ngầm Hoàng Sa đã thành công sau khi thử nghiệm trên biển

Tuệ Minh |

Chiều 3/7, trao đổi với chúng tôi ngay khi lên bờ, ông Nguyễn Quốc Hoà - "cha đẻ" chiếc tàu ngầm Hoàng Sa vui mừng cho hay: "Tàu Hoàng Sa đạt được mọi tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra".

Sáng nay, 3/7, sau khi vượt qua kỳ sát hạch khắt khe của Bộ Quốc phòng, tàu ngầm Hoàng Sa của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa (GĐ Công ty chế tạo cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã được tàu Hải quân hộ tống ra biển chạy thử nghiệm và được chính ông Hoà điều khiển hạ thủy trên vùng biển Đông Bắc.

Sự kiện này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hoàng Sa là chiếc tàu ngầm đầu tiên do người Việt Nam tự sản xuất được thử nghiệm trong điều kiện ở biển. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhanh với kỹ sư Nguyễn Quốc Hoà lúc 16h chiều nay, 3/7, thời điểm ông vừa lên bờ.

PV: Thưa ông, kết quả thử nghiệm tàu ngầm Hoàng Sa như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hoà: Tôi vừa lên bờ xong. Đã thành công. Tàu Hoàng Sa đạt được mọi tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra.

PV: Cảm xúc của ông lúc này thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hoà: Tôi thấy rất vui vì ít nhất, sản phẩm của mình đã có thể có điều kiện để góp phần vào việc bảo vệ đất nước sau này, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi cũng hi vọng sản phẩm của tôi sẽ đem lại tác dụng nào trong việc nghiên cứu khoa học cho đất nước.

PV: Trong thời gian tới, ông có định chế tạo chiếc thứ 3 không?

Tôi đang thiết kế con tàu thứ 3 với sự tổng hợp ưu điểm của hai con tàu trước đó (Trường Sa 01 và Hoàng Sa). Nó sẽ có những tính năng và khả năng vượt trội.

PV: Thưa ông, con tàu thứ 3 sẽ mang tên là gì?

Ông Nguyễn Quốc Hoà: Nó sẽ mang tên Trường Sa 02 và từ trước tới nay vẫn gọi như thế. Và nếu có chiếc thứ 4 thì nó cũng sẽ tiếp tục mang tên Trường Sa.

PV: Kể từ khi nào ông có ý định thiết kế tàu ngầm như vậy?

Ông Nguyễn Quốc Hoà: Cách đây khoảng 3-4 năm (khoảng năm 2014), khi thấy có những hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tôi mới có ý định chế tạo một chiếc tàu ngầm.

Mong muốn của tôi ban đầu là sẽ góp phần nhỏ sau này chống lại những sự xâm phạm lãnh thổ của đất nước từ những thế lực bên ngoài, góp phần bảo vệ chủ quyền.

Và cũng muốn để chứng minh một điều là người Việt Nam mình cũng có thể làm được những chiếc tàu ngầm chứ không phải chỉ chăm chăm đi mua nếu chúng ta quyết tâm.

PV: Cho đến thời điểm này, áng chừng số tiền bỏ ra để chế tạo chiếc Hoàng Sa là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hoà: Cái này để cho mọi người tự đánh giá vì chế tạo một chiếc tàu ngầm khác với một chiếc tàu lặn. Chế tạo một chiếc tàu ngầm tốn hơn rất nhiều. Ví dụ như Vinashin bỏ ra 28 tỉ để có một con tàu lặn để đi chơi trong vịnh. Còn việc chế tạo tàu ngầm thì để tuỳ mọi người đánh giá.

Xin chúc mừng ông và xin cám ơn ông!

Trong lần thử nghiệm này, Hội đồng thẩm định từ Bộ Quốc phòng sẽ trực tiếp đánh giá chất lượng, do vậy tàu sẽ lặn và nổi trong nhiều giờ liên tục.

Để được ra biển chạy thử, chiếc Hoàng Sa của ông Hoà đã vượt qua cả chục lần thử nghiệm trong bể, rồi ra hồ sâu 4 m. Đặc biệt, tàu Hoàng Sa đã vượt qua kỳ "sát hạch" 2 ngày khắt khe của Hội đồng giám khảo do Bộ Quốc phòng lập, với các bài chạy nổi, chạy ngầm, chạy vòng tròn, lùi, xử lý đâm va khi chạy ngầm…

Tàu ngầm Hoàng Sa được thiết kế bằng thép, nặng 9 tấn, dài 7 mét, ngang 2,5 mét, cao hơn một mét. Tàu có vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ và có thể lặn sâu 50 m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Tàu có sức chứa 2 người.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại