Tập Cận Bình xây dựng hệ thống nhân sự đón "hội nghị Bắc Đới Hà"

Thủy Thu |

Một cuộc "điều binh khiển tướng" được đánh giá lớn nhất trên chính trường Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Theo giới quan sát, một sự thay đổi quyền lực đang diễn ra trên diện rộng giữa các địa phương Trung Quốc trong thời điểm chuyển giao chính trị quan trọng và nhạy cảm (giai đoạn 2016 - 2017).

Đây được đánh giá là lần thay đổi nhân sự lớn nhất trên quan trường nước này ngay trước thềm hội nghị không chính thức Bắc Đới Hà trong mùa hè này, cũng như Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 vào năm 2017.

Con trai cựu Thủ tướng Trung Quốc được thuyên chuyển?

Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) ngày 30/6 dẫn một nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ, Chủ tịch tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc Lý Tiểu Bằng, con trai cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, sẽ được bổ nhiệm giữ chức vụ mới trong đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách quản lý các doanh nghiệp hàng đầu của nước này.

Có phân tích cho rằng, ông Lý có khả năng tiếp nhận vị trí Bí thư đảng ủy của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) từ tay Bí thư đương nhiệm Trương Nghị (sinh năm 1950) do ông Trương đã đến tuổi về hưu.

Tuy nhiên, việc Lý Tiểu Bằng được chuyển sang khối cơ quan đảng ủy không nhất định mang hàm ý "sức ảnh hưởng chính trị gia tộc Lý Bằng được hồi sinh" bởi thế lực của SASAC đã đến hồi suy giảm, SCMP nhận xét.

Tập Cận Bình xây dựng hệ thống nhân sự đón hội nghị Bắc Đới Hà - Ảnh 1.

Ông Vương Nho Lâm và Lý Tiểu Bằng (phải) nói chuyện trong một cuộc họp. (Ảnh: VCG)

Trong khi đó, Tân Hoa Xã hôm 29/9 thông báo, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải Lạc Tuệ Ninh được điều sang giữ chức Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây thay cho ông Vương Nho Lâm.

SCMP nhận định, nếu thông tin thuyên chuyển ông Lý Tiểu Bằng được xác nhận thì việc trong cùng một thời điểm, hai nhân vật lãnh đạo chủ chốt của một tỉnh (Bí thư và Chủ tịch tỉnh) đều bị thay đổi là một hiện tượng "hiếm có".

Lý Tiểu Bằng sinh năm 1959, là con trai của cựu Thủ tướng Lý Bằng - người được biết đến như một trợ thủ đắc lực của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Lý Tiểu Bằng nhậm chức Phó chủ tịch tỉnh Sơn Tây vào năm 2010. Chỉ hai năm sau, ông này trở thành Ủy viên dự khuyết trung ương đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18.

Sơn Tây được đánh giá là một trong những "chảo lửa" tham nhũng nên đây được coi là khu vực trọng điểm cần mạnh tay thực thi các chính sách trong chiến dịch "đả hổ" của Tập Cận Bình.

Tỉnh này nổi tiếng bởi liên quan trực tiếp đến những "hổ lớn" tham nhũng như cựu Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch hay cựu Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây Nhiếp Xuân Ngọc.

Ngoài ra, Sơn Tây còn là quê của Giả Hiểu Diệp - người vợ hai mới bị kết án 9 năm tù vì tham nhũng của "hổ béo" Chu Vĩnh Khang.

Bên cạnh đó một nguồn tin tiết lộ, Phó bí thư tỉnh ủy Sơn Tây Lâu Dương Sinh có thể sẽ được tiếp nhận vị trí Chủ tịch tỉnh của Lý Tiểu Bằng.

Lâu Dương Sinh vốn là trợ thủ cũ trong thời kỳ Chủ tịch Tập Cận Bình công tác tại Chiết Giang.

Như vậy, việc hai trợ thủ đắc lực của nhà lãnh đạo Tập Cập Bình là Lạc Tuệ Ninh và Lâu Dương Sinh cùng kế nhiệm hai vị trí quan trong ở Sơn Tây sẽ giúp ông Tập tăng cường sức mạnh chính trị tại tỉnh này.

Cuộc "điều binh" trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà và Đại hội 19

Ông Tập là người có xu hướng cất nhắc những đồng nghiệp và trợ thủ thân tín cũ khi ông còn là lãnh đạo tại địa phương.

Có ý kiến cho rằng, những thân tín như vậy thường sẽ đáng tin cậy hơn những đồng minh theo phe phái với tham vọng hay mang "món nợ" chính trị với người khác, SCMP bình luận.

Do đó, trong lần điều động nhân sự chủ chốt lần này, hầu hết các thân tín cũ của ông Tập lại một lần nữa được trọng dụng.

Ngoài trường hợp của Lạc Tuệ Ninh, còn có thể kể đến một vài nhân vật nổi bật khác.

Nguyên Chủ tịch tỉnh Chiết Giang Lý Cường - thân tín của ông Tập, đã được chuyển sang giữ chức Bí thư tỉnh ủy Giang Tô.

Đa chiều cho rằng, Lý Cường sẽ giúp ông Tập xây dựng một "thành trì" vững chắc để đối phó tình trạng tham nhũng tại đây.

Bên cạnh đó, Bí thư tỉnh ủy Giang Tây Cường Vệ cũng vừa bị "bãi chức". Vị trí này hiện do Chủ tịch tỉnh Lộc Tâm Xã kiêm nhiệm.

Nguyên nhân La Chí Quân và Cường Vệ đột nhiên bị "bãi chức" được nhận định do hai ông này từng dính líu đến vụ "âm mưu hoạt động chính trị phi pháp" của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch.

Ngoài ra, một số thân tín khác của ông Tập cũng được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các khối cơ quan kinh tế và an ninh.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo an ninh mạng và tin tức hóa Từ Lân vừa được thăng chức Chủ nhiệm trong tháng 6 vừa qua.

Từ Lân là cộng sự cũ trong thời gian Tập Cận Bình nắm quyền tại Thượng Hải.

Một số ý kiến cho rằng, từ sau khi lên nhậm chức và mạnh tay với kế hoạch "đả hổ" nên ông Tập đã "đắc tội" với nhiều nhóm lợi ích.

Để bảo đảm việc thâu tóm quyền lực đồng thời đề phòng các nhóm lợi ích bất ngờ "gây rối", ông Tập cần nhanh chóng thiết lập một đội ngũ thân tín trước Đại hội đảng lần thứ 19.

Giới quan sát cho rằng, cuộc cải tổ nhân sự lần này với việc kiện toàn nhân sự chắc chắn từ khối cơ quan đảng ủy đến mặt trận kinh tế và hệ thống an ninh cho thấy ông Tập đã gần như nắm chắc "phần thắng" tại Đại hội 19.

Các nhà quan sát còn nhận định, trong diễn biến tiếp theo của cuộc cải tổ này, thân tín của ông Tập sẽ còn lên nắm thêm nhiều chức vụ cao hơn nữa ở các cơ quan trọng yếu.

Bắc Đới Hà là khu nghỉ mát thuộc thành phố Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc.

Theo thông lệ, các nhà lãnh đạo cấp cao đương nhiệm và các lãnh đạo lão thành của đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tới đây để tham dự một cuộc họp không chính thức và là một cuộc họp bí mật quan trọng để "bàn việc quốc gia đại sự".

Sự kiện này bắt đầu đi vào thường lệ từ những năm 1950 dưới thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại