Brexit, vài điều bạn có thể cần biết

Diệp Vũ |

Một số điều bạn có thể cần biết về cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 của nước Anh, với kết quả là cử tri nước này lựa chọn “ly hôn” với Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit - thuật ngữ ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi).

Cụ thể, điều gì đã xảy ra?

Cử tri Anh bỏ phiếu với tỷ lệ 52% chọn ra khỏi EU và 48% chọn ở lại. Cuộc trưng cầu dân ý đã làm lộ ra những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các chính đảng, giữa các thế hệ, và giữa các vùng địa lý của nước Anh.

Ảnh hưởng tức thời của Brexit đến thị trường?

Thị trường sụt giảm mạnh là ảnh hưởng thực sự đầu tiên sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố.

Tỷ giá đồng Bảng có thời điểm giảm tới 11%, còn 1,37 Bảng đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 1985, trước khi phục hồi chút ít.

Chỉ số Stoxx Europe 600 của thị trường chứng khoán châu Âu giảm 6,6% không lâu sau khi mở cửa, mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Giá dầu thô giảm hơn 6%, trong khi giá vàng - loại tài sản được xem là “vịnh tránh bão” trong những thời điểm bất ổn - tăng tới 8%.

Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán Anh giảm 8%, chỉ số DAX của chứng khoán Đức mất 6% điểm số.

Giá cổ phiếu các ngân hàng và bảo hiểm của châu Âu lao dốc chóng mặt. Sự giảm giá diễn ra ở tất cả các nhóm cổ phiếu ngành.

Về mặt chính trị, điều gì xảy ra tiếp theo?

Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức trong vòng 3 tháng. Nhiều người dự báo ông Boris Johnson, cựu Thị trưởng London, có thể sẽ là người tiếp quản vị trí người đứng đầu Chính phủ Anh.

Anh rời EU, nhưng liệu Anh có thể giữ được nguyên trạng của chính mình?

Có khả năng Anh sẽ làm được điều này, nhưng hiện đã có những lời kêu gọi từ Bắc Ireland và Scotland - những thành viên trong Liên hiệp Anh - đòi giành con đường chính trị riêng cho mình.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói Nghị viện Scotland nên được trao quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác, “nếu Scotland đối mặt khả năng phải rút khỏi EU, bởi sự ra đi này đi ngược ý chí của chúng tôi”.

Đảng dân tộc chủ nghĩa lớn nhất Bắc Ireland là Sinn Fein cũng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để tái hợp nhất Bắc Ireland và Cộng hoà Ireland.

Phần còn lại của châu Âu sẽ ra sao?

Được truyền cảm hứng từ lựa chọn của đa số cử tri Anh, các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa ở Pháp, Italy và Hà Lan đã lên tiếng kêu gọi các nước này ra khỏi EU.

Ông Cameron không muốn Anh rời EU. Vậy tại sao ông lại kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý này?

Ông Cameron đã đưa ra lời hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trong chiến dịch tái tranh cử chức Thủ tướng Anh, năm 2015.

Vào thời điểm đó, đây là một nỗ lực nhằm làm hài lòng những nhân vật chống EU trong chính nội bộ Đảng Bảo thủ của ông, cũng như chặn đứng thách thức từ phía Đảng Độc lập Anh (UKIP) - đảng đe doạ phá vỡ vị thế chiếm đa số ghế của Đảng Bảo thủ trong Quốc hội Anh.

Khi nào thì Anh thực sự ra khỏi EU?

Vị Thủ tướng tiếp theo của Anh sẽ có hai năm để đàm phán việc Anh ra khỏi EU, theo điều 50 hiệp ước EU.

Nhưng giới phân tích cho rằng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn thế, để nước Anh giải quyết toàn bộ các vấn đề ngoại giao và kinh tế trong quá trình rút khỏi EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại