Chuyên gia Biển Đông mỉa mai danh sách 8 nước ủng hộ quan điểm TQ

Đức Huy |

Trung Quốc hùng hổ tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của 60 nước (!?) trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, nhưng...

... phản ứng của các nước lại không được "hồ hởi" như những gì Trung Quốc mong đợi. Tính đến thời điểm của bài viết, mới chỉ có 8 nước công khai thể hiện sự ủng hộ đối với quan điểm không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện với Philippines, cũng như tập trung giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.

Các nước nằm trong danh sách này bao gồm Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, và Lesotho.

Trong khi đó, đã có 5 nước công khải phủ nhận việc ủng hộ Trung Quốc, trong đó có 2 nước thành viên liên minh châu Âu (EU).

Lược đồ dưới đây sẽ cho quý độc giả một cái nhìn trực quan hơn:

Chuyên gia Biển Đông mỉa mai danh sách 8 nước ủng hộ quan điểm TQ - Ảnh 1.

Đồ họa: Wall Street Journal

Với một quốc gia từ trước đến nay vẫn chỉ trích Mỹ "quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc xem ra cũng đang làm y hệt. Điều đó thể hiện rõ sự quan ngại trong nội bộ Bắc Kinh rằng phán quyết của tòa trọng tài sẽ khiến Trung Quốc bị cô lập.

Nhưng lập trường không rõ ràng, thậm chí phản đối, của các nước mà Trung Quốc tự tin tuyên bố đã đứng về phía mình, cho thấy sự hạn chế của chiến lược "dùng tiền mua ủng hộ" của Trung Quốc, Wall Street Journal nhận định.

"[Danh sách các nước ủng hộ Trung Quốc] nhìn giống như một tập hợp các nước vẫn còn mù mờ, hay đơn giản là không hiểu chuyện" (nguyên văn: "a coalition of the equivocal, or the simply unaware") - Euan Graham, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Lowy (Australia), nhận định.

Tuần qua, báo đảng Trung Quốc tuyên bố đã có 60 nước ủng hộ quan điểm của họ trên Biển Đông, song vẫn chưa đưa ra một danh sách chính thức.

"Nếu so với chỉ 7 hay 8 nước, thì con số này nói lên rất nhiều điều. Những nước quan tâm đến chúng tôi, thân thiện với chúng tôi, muốn nắm được tình hình thực sự hiện nay [trên Biển Đông]. Sau khi đã hiểu rõ sự tình, họ quyết định thể hiện quan điểm và ủng hộ chính nghĩa (!?)" - ông Lục phát biểu.

Tuy nhiên, ngoài 8 quốc gia kể trên đã có tuyên bố công khai ủng hộ Trung Quốc, thì rất nhiều nước mà Bắc Kinh hô hào đã ủng hộ mình vẫn tuyệt nhiên "im hơi lặng tiếng".

Đơn cử có một số các nước Arab mà Trung Quốc tự tin tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của họ thông qua một cái gọi là "Tuyên ngôn Doha" trong một cuộc họp tại Qatar tháng trước.

Tuy nhiên khi được hỏi, thì cả Trung Quốc lẫn Qatar đều không thể đưa ra một bản copy của tuyên bố nói trên. Một quan chức Bắc Kinh thậm chí còn nói rằng tuyên bố này đang được... biên dịch.

Trước đó, cũng đã có các nước công khai phủ nhận ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, như Fiji, Campuchia, Ba Lan, Slovenia, và Bosnia-Hezgorvina.

Về trường hợp của Campuchia, phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh tại Diễn đàn Shangri-La vừa qua có chiều hướng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi được Wall Street Journal liên hệ xin ý kiến, một quan chức chính phủ Campuchia phủ nhận nước này đã đạt được bất kì thỏa thuận nào với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại