Tướng Mỹ "chỉ dạy" ông Tập Cận Bình về cải cách quân đội

Thủy Thu |

"Trong cuộc đại cải cách quân đội, ông Tập Cận Bình chỉ là người sao chép chứ không phải là người sáng tạo", theo lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) Scott Swift.

Theo Đa chiều (Mỹ), trong buổi nói chuyện với cơ quan nghiên cứu Sasakawa Peace Foundation USA hôm 6/5, Đô đốc Scott Swift đánh giá cao Hải quân Trung Quốc về khả năng cứu viện hàng hải và ngăn chặn hải tặc.

Tuy nhiên, ông Swift cũng chỉ ra, cuộc cải cách quân đội Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình cần nhiều tư duy sáng tạo hơn chứ không phải chỉ là sao chép.

Quyền lực quân đội tập trung về Tập Cận Bình: Lợi bất cập hại?

Ông Swift cho rằng, một thách thức lớn cản trở sự phát triển của Hải quân Trung Quốc chính là việc quyền lực chính trị nằm hoàn toàn trong tay ông Tập Cận Bình.

"Do bị tập trung quyền lực nên quân đội Trung Quốc không có cơ hội thi hành các chính sách cải cách tích cực. Vì vậy, ông Tập cũng chỉ là người sao chép chứ không thể trở thành người sáng tạo", ông bình luận.

Theo Đô đốc Mỹ, do sự phát triển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ là một quá trình sao chép, thiếu tư duy sáng tạo nên mỗi bước tiến của đội quân này đều sẽ lạc hậu.

Trong khi đó, khoa học và sáng tạo là ưu thế của nước Mỹ cũng như Hải quân Mỹ.


Ông Tập Cận Bình lần đầu xuất hiện với chức danh Tổng chỉ huy liên hợp quân ủy khi đến thăm Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp quân ủy Trung Quốc hôm 20/4. (Ảnh: Guancha.cn)

Ông Tập Cận Bình lần đầu xuất hiện với chức danh Tổng chỉ huy liên hợp quân ủy khi đến thăm Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp quân ủy Trung Quốc hôm 20/4. (Ảnh: Guancha.cn)

Trong phương án đề xuất cải cách quân đội, nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu PLA "hình thành mô hình quân ủy nắm quyền tổng chỉ huy, chiến khu chủ chiến và các quân chủng xây dựng kiện toàn bộ máy cơ sở".

Nói cách khác, đó chính là xây dựng "hệ thống chỉ huy tác chiến 'quân ủy - chiến khu - bộ đội' và hệ thống quản lý lãnh đạo 'quân ủy - quân chủng - bộ đội'".

Tướng Swift nhận xét, hệ thống này là sự mô phỏng kết cấu chỉ huy liên hợp kiểu Mỹ mà bản chất của mô hình này là sự phân tán quyền lực.

"Cho nên họ (Chính phủ Trung Quốc) thay đổi mô hình chỉ huy những lại không thay đổi mô hình quyền lực. Đây vẫn là mô hình quyền lực tập trung", Đô đốc Swift nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc ông Tập Cận Bình thao túng quyền lực còn khiến ông Swift đặt dấu hỏi về tính minh bạch của chiến dịch chống tham nhũng do nhà lãnh đạo này khởi xướng.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 7/5 đánh giá, khi phương án cải cách quân đội được ông Tập Cận Bình đưa ra vào cuối năm 2015, giới chuyên môn đã "tinh ý" nhận ra trong cuộc cải cách này, lực lượng hải quân sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo Đô đốc Swift: "Kinh nghiệm tọa đàm với các tướng lĩnh hải quân cho thấy, bất cứ quốc gia nào đang có lợi ích quốc tế đều sở hữu lực lượng hải quân quốc tế hóa để giữ vững những lợi ích này".

Ông nhắc rằng, rõ ràng Trung Quốc hiện cũng đang có ý giành phần lợi ích này về phía mình.

Ông cũng khẳng định, những chiêu trò ngấm ngầm của Trung Quốc vẫn khiến thế giới quan ngại, đặc biệt về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại