Ông Trần Đăng Tuấn lo không nhiều cơ hội trúng cử: ĐBQH nói gì?

Hoàng Đan |

Các ĐBQH cho rằng, không chỉ người tự ứng cử như ông Trần Đăng Tuấn lo không nhiều cơ hội trúng cử mà ngay những người được tổ chức giới thiệu cũng lo như vậy.

Cử tri là người quyết định

Tại buổi lấy ý kiến người dân nơi cư trú vào tối thứ 7, ngày 9/4 ở khu dân cư tòa nhà 34T, Hoàng Đạo Thúy, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Trần Đăng Tuấn, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 đã nhận được 100% sự ủng hộ.

Tuy nhiên, trước đó, trong chia sẻ của mình, theo ông Tuấn, nếu sau hiệp thương, tên ông có trong danh sách để bầu thì cơ hội trúng cử của một người tự ứng cử, khách quan mà nhìn nhận, là không nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, Luật hiện nay đã quy định, tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, kể cả người được giới thiệu cũng như người tự ứng cử. Điều quan trọng nhất là chất lượng hay chính là các tiêu chuẩn của ĐBQH.

Ngoài những tiêu chuẩn quy định trong Luật bầu cử Quốc hội thì điều quan trọng nhất với một ĐBQH là trí tuệ, bản lĩnh, gần dân, lắng nghe dân, biết phân tích ý kiến của dân và đại diện cho những nguyện vọng chính đáng, hợp lý của dân.

Đối với ý kiến người tự ứng cử nếu có tên trong danh sách bầu sau hiệp thương thì khả năng trúng cử không cao, bà An cho hay, không chỉ người tự ứng cử mà người được giới thiệu cũng gặp phải như vậy.

ĐBQH Bùi Thị An.
ĐBQH Bùi Thị An.

"Hiện nay, mọi điều kiện của các ứng viên ĐBQH dù được giới thiệu hay tự ứng cử là đều như nhau. Bây giờ, quyền thuộc về các cử tri.

Nếu được sự ủng hộ của cử tri thì được còn không thì khó là như nhau", bà An nói.

Đồng quan điểm đó, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận, sau khi vào danh sách để bầu thì khả năng trúng hay không trúng của người được giới thiệu cũng như tự ứng cử là như nhau.

Bởi tất cả phụ thuộc vào phiếu bầu của cử tri và họ mới chính là những người quyết định có bầu hay không bầu cho ai đó.

Đồng thời, ông Quốc cũng nhìn nhận, bản thân mỗi người khi tự ứng của Đại biểu Quốc hội cũng nên nghĩ rằng, trúng hay không trúng cũng không thành vấn đề lớn.

Và để giải quyết nỗi lo ít khả năng trúng cử này, theo ông Quốc, những người tổ chức bầu cử phải minh bạch, đúng luật và người dân phải thực sự quan tâm đến việc bầu cử với ý thức, trách nhiệm cao.

Làm ĐBQH là khó

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin, thực tế, trong các khóa Quốc hội vừa qua, đều có những người tự ứng cử trúng cử và trở thành các ĐBQH.

Còn cơ hội trúng hay không trúng giữa các ứng viên khi đưa ra bầu là như nhau, không có sự phân biệt.

"Bởi cử tri là người sẽ quyết định bỏ lá phiếu bầu cho ai để trở thành người đại diện cho mình.

Có thể giữa người được tổ chức giới thiệu ứng cử và tự ứng cử thì người được tổ chức giới thiệu ứng cử đã là ĐBQH rồi nay tiếp tục thì cử tri người ta thấy đã làm, có kinh nghiệm rồi nên ưu tiên hơn so với người kia.

Nhưng điều đó, không phải là tất cả. Ở đây, cái chính vẫn là sự đánh giá của người dân để chọn được người xứng đáng đại diện cho nguyện vọng chính đáng, hợp lý của mình", ông Cuông nói.

Cũng trao đổi với chúng tôi, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, dù được cử tri nơi cư trú tín nhiệm nhưng việc để trở thành một đại biểu Quốc hội không phải là dễ dàng với cả người được các tổ chức giới thiệu cũng như người tự ứng cử.


Ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Bởi thực tế, cả nước có gần 90 triệu dân nhưng số đại biểu Quốc hội được bầu chỉ có 500 đại biểu nên những người được bầu phải thực sự ưu tú, đại diện cho nhân dân.

Ông cũng lấy ví dụ thêm, tại tỉnh Thái Bình, với 2 triệu dân nhưng chỉ có 9 ĐBQH sẽ được bầu. Do vậy, những người được chọn phải là người tiêu biểu nhất, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

"Không ai bảo trở thành ĐBQH là dễ bởi đây là đại biểu của nhân dân và người dân đi bỏ phiếu quyết định điều đó", ông Phúc nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại