Nga bắt đầu "quay lưng" với Iran ở Syria từ bao giờ?

Ngọc Minh |

Nga và Iran đã nắm tay nhau bước vào giai đoạn mới trong "trò chơi" địa chính trị ở Syria, song rạn nứt xuất hiện một cách rất nhanh chóng sau đó.

Việc Nga phối hợp với Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria rồi sau đó là rút một phần lực lượng chính ở quốc gia này là điều khiến Iran không hài lòng.

Một nguồn tin của Nhật báo Al Rai cho biết: "Iran không đồng ý với Nga về thời gian của thỏa thuận ngừng bắn, bởi lực lượng của họ vẫn đang đạt được những bước tiến trên một vài mặt trận.

Thêm vào đó, việc Nga rút không quân khỏi Syria diễn ra vào thời điểm không thích hợp - trong thời gian đàm phán Geneva... Cuối cùng, Iran không đồng ý với việc Nga thay mặt Syria đàm phán và đi tới thỏa thuận với Washington”.

Tuy nhiên, việc Moscow làm trái với những mong muốn của Tehran ở Syria không phải bây giờ mới bắt đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra “bước ngoặt”?

Ở thời điểm cả quân chính phủ Syria, dân quân Shitte, lực lượng Hezbollah và quân đội Iran đều không thể ngăn phiến quân, chính Iran là người đã thuyết phục Nga ra tay bảo vệ Assad, đồng minh quan trọng của Moscow ở Trung Đông.

Không rõ Iran làm cách nào lay động được Nga, song nhiều tin đồn cho rằng, Tehran đã bàn với Moscow rằng, Assad có thể giành quyền kiểm soát Syria nếu Nga cắt tuyến hành lang nối Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía bắc.

Một khi các căn cứ quân sự của Nga ở Latakia được củng cố, họ sẽ tấn công đối lập ôn hòa ở tây bắc Syria, giành lại khu vực giữa Aleppo và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy lực lượng nổi dậy ôn hòa ra khỏi biên giới.

Xa hơn nữa, quân đội chính phủ sẽ tập trung tiêu diệt phe đối lập ở Aleppo và nhiều nơi khác.

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria có vẻ như đã bắt đầu theo đúng kế hoạch này.

Nga tuyên bố không có lực lượng nào là đối lập ôn hòa, tất cả những kẻ phá hoại chính quyền Syria hợp pháp đều cần phải tiêu diệt. Phương Tây đã nhiều lần cáo buộc nhắm mục tiêu vào cả những lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, cây viết Yahya Bostan của tờ Daily Sabah chỉ ra, vào thời điểm chiến đấu cơ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ, Kremlin đã nhận ra rằng cuộc chơi của mình ở Syria sẽ không thể bền vững.

Nhà bình luận
Yahya Bostan
Bị thương ở Syria, Nga đã nhanh chóng quay lưng lại với kế hoạch ban đầu của Iran.

Nga bắt đầu tăng cường quan hệ với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria PYG, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, song lại là lực lượng chống IS rất hiệu quả trên bộ ở Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp Phó chủ tịch Đảng Dân chủ nhân dân ủng hộ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (HDP) - Selahattin Demirtas hồi tháng 12/2015, đồng thời không ngần ngại hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến chống IS.

Nga cũng tuyên bố ủng hộ lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA). Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov khẳng định, Moscow đã yểm trợ lực lượng này trong các cuộc giao tranh với IS và hỗ trợ FSA nhiều đạn dược, vũ khí, quân trang quân dụng.

Việc “tiếp thu” luận điểm từ phương Tây, bắt tay các nhóm đối lập có vũ trang cho thấy, Nga đã không còn đứng ở "điểm xuất phát" của mình ở Syria, đi ngược lại mục tiêu chung của Nga và Iran ban đầu là tiêu diệt tất cả các nhóm này.

Chiến dịch Aleppo: Minh chứng cho sự bất đồng

Nhà phân tích chính trị Iran Mahan Abedin cho rằng, không cần đợi tới khi Su-24 bị bắn hạ, mà gần 1 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch ở Syria, những bất đồng nghiêm trọng giữa quốc gia này và đồng minh Iran đã nảy sinh.

Theo ông Abedin, lo sợ bị kéo quá sâu vào vũng lầy Syria, Moscow đã nhận thức được rằng nước này cần sự giúp đỡ của Washington, và rộng hơn là các quốc gia vùng Vịnh, để chuyển hướng cuộc xung đột ở Syria, đưa nó tới giai đoạn kết thúc.

Trong khi đó, Iran gần như chỉ tập trung chiến đấu, không chỉ để củng cố vị trí của chính phủ Syria, duy trì quyền kiểm soát đối với toàn bộ phần lãnh thổ "hữu dụng" ở Syria, mà còn bảo vệ lực lượng Hezbollah cũng đang tham chiến tại đây.

Iran không có đủ khả năng để xem xét tới những thành công của phe đối lập có vũ trang ở Syria cũng như những ảnh hưởng, dù nhỏ, của họ ở Damascus đối với một giải pháp hòa bình cuối cùng cho cuộc xung đột ở đây.

Chiến dịch tấn công nhằm vào Aleppo của Quân đội Syria Ả Rập (SAA), Iran và Nga là minh chứng cho sự khác biệt trong lập trường chính trị của 2 bên.


Lực lượng quân đội Syria đã phá được vòng vây các ngôi làng Nubol và Zahraa trên đường tiến quân tại phía bắc Aleppo.

Lực lượng quân đội Syria đã phá được vòng vây các ngôi làng Nubol và Zahraa trên đường tiến quân tại phía bắc Aleppo.

Những đòn tấn công mạnh vào các chiến binh thánh chiến và phiến quân ở cực bắc Aleppo của quân đội Syria và Iran chứng tỏ họ thực sự muốn giành chiến thắng lớn.

Theo một số nguồn tin, Iran thậm chí còn cam kết tăng cường các nguồn lực cho trận chiến ở Aleppo, con số có thể lên tới hàng nghìn binh sĩ.

Nhìn vào danh sách nhân vật cấp cao Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran tử nạn ở Syria có thể thấy rõ mức độ triển khai các lực lượng chuyên môn của IRGC tới Syria.

Theo ông Abedin, đây là lần đầu tiên Iran triển khai lực lượng quân sự lớn, từ nhiều đơn vị khác nhau của IRGC ra nước ngoài kể từ sau cuộc can thiệp của nước này tại Oman đầu những năm 1970.

"Căn cứ vào sức mạnh vượt trội mà Iran triển khai ở Aleppo cũng như số thương vong, rõ ràng là Iran đang tìm cách giảm áp lực đối với SAA trên tất cả các mặt trận quan trọng với mục tiêu là bảo vệ những vùng đất "hữu dụng" ở Syria.

Mục tiêu mà Iran mong muốn không phải là tiến trình hòa bình - có thể đe dọa tới quyền lực chính trị của giới tinh hoa Syria, mà là một cuộc chiến tiêu hao kéo dài mà ở đó, cán cân quyền lực nghiêng về phía chính quyền Syria".

Trong khi đó, các cuộc không kích mà Nga tiến hành dựa trên sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở trên bộ và đóng một yếu tố quan trọng trong thành công cuối cùng.

"Người Nga quan tâm tới việc chứng minh chiến dịch không kích của mình là điều kiện tiên quyết để tiến tới (nói chuyện bằng) ngoại giao, Kremlin tìm cách thiết lập những điều kiện cần thiết cho các cuộc hòa đàm".

Mục tiêu của Nga, rõ ràng không phải là giữ vững “ngôi báu” cho Assad, mà là củng cố vị thế của mình trên vũ đài chính trị thế giới, thoát khỏi tình trạng bị cô lập do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngay tại khu vực, ngoài Iran và Syria, Nga cũng còn nhiều mối quan hệ cần phải để tâm tới, ví dụ như Israel hay Ả Rập Xê-Út.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại