Trận tỉ thí như phim kiếm hiệp rúng động Hà Nội

Đào Thanh Tuy |

Không có đối thủ ở phía Nam, Sáu Hổ, một võ sĩ nổi tiếng đã ra Bắc dựng đài khiêu chiến. Hạ hàng loạt võ sư tên tuổi nhưng sau cùng, Sáu Hổ cũng phải chịu thua một anh công nhân.

LTS: Không có bí kíp võ công nhưng với võ lâm đồng đạo thì lão võ sư Nguyễn Văn Thơ, người sáng lập môn phái Thiếu Lâm Sơn Đông đã để lại cho hậu thế cả một gia tài võ thuật đồ sộ.

Bất cứ ai học võ cũng đều nương vào “gia tài” này, đó là triết lý “chiêu thức lợi hại nhất là chiêu thức đơn giản nhất”. Cũng từ triết lý này, lão võ sư đã cho ra đời tuyệt kỹ “so đũa” lừng danh thiên hạ.

> Kỳ 1: Tuổi thơ dữ dội của cao thủ võ Việt được ví như Hoàng Phi Hồng

Dựng võ đài tìm cao thủ

Lấy nhau, hai vợ chồng võ sư Nguyễn Văn Thơ ở luôn tập thể nhà máy xay Lương Yên (nay là Bến xe Lương Yên, Hà Nội). Sau trận đánh bò lê bò chàng viên sĩ quan Pháp thì tính vốn đã trầm, võ sư Thơ càng kín tiếng hơn.

Tuy giao lưu với nhiều thầy võ nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ, nhưng hàng xóm xung quanh chẳng ai biết anh công nhân hiền lành ấy là người giỏi võ. Không giống như các võ sư khác, thời gian đó, võ sư Thơ không mở võ đường, không chiêu nạp môn đồ.

Bởi thế, sự kiện võ sư Thơ thượng đài để tỉ thí võ nghệ với một võ sư nổi tiếng ở miền Nam năm 1954 ở Bờ Hồ khiến nhiều người kinh ngạc. Trận đấu này đã gây chấn động cả Hà Nội khi ấy và đương nhiên, khiến giới mộ điệu nức lòng.

Chính cuộc thượng đài này đã khiến danh tiếng võ sư Thơ nổi như cồn. Thậm chí, làng võ Việt còn gọi ông bằng cái tên Hoắc Phi Hùng, ý nói tài nghệ và khí phách ngang với Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, những danh gia võ thuật của Trung Quốc.

Không chỉ võ sư Phạm Xuân Tùng, học trò cưng của võ sư Nguyễn Văn Thơ mà trước đây, người viết bài này đã được nhiều võ sư nổi tiếng kể về trận thư hùng có một không hai này.

Trận thư hùng đó diễn ra vào quãng thời gian trước năm 1954, khi Hà Nội chưa được giải phóng. Theo đó, Sáu Hổ là một võ sư nổi tiếng ở trong Nam, bởi đam mê quyền thuật nên muốn ra Bắc tỉ thí võ nghệ, phân chia cao thấp.

Mong muốn của Sáu Hổ đã được Thủ hiến Bắc Việt, cũng một người Nam đáp ứng. Võ đài được dựng ở ngay Bờ Hồ, gần đài phun nước bây giờ.

Trên đài, Sáu Hổ cho treo hai tấm băng rôn có dòng chữ đầy vẻ thách thức theo kiểu mục hạ vô nhân: “Nhất quyền đả Nam, nhị cước đả Bắc”.

Trước sự hống hách của Sáu Hổ, ngay sau khi đài được dựng lên nhiều người biết võ đã lên tỉ thí. Tuy nhiên, như tên mình, Sáu Hổ mạnh như cọp. Chỉ vài phút giao đấu là những người ứng chiến ấy đã bị đánh gục, thậm chí văng lộn xuống đài.

Cố võ sư Nguyễn Văn Thơ.
Cố võ sư Nguyễn Văn Thơ.

Hôm ấy, khi võ đài của Sáu Hổ dựng lên được 5 ngày, vừa đi làm về thì võ sư Nguyễn Văn Thơ thấy các bạn võ của mình hớt hải tìm đến. Tất thảy họ ai cũng mặt mày thâm tím, có người còn nhăn nhó bởi đau đớn.

Vừa nhác thấy ông, những người bạn ấy đã chực lôi ông đi ngay. Họ nói với ông: “Mấy ngày nay sao không thấy anh? Anh không thấy người ta coi thường à?”.

“Tôi có nghe người ta nói, nhưng tôi không thích chuyện đánh đấm đâu, tôi còn nhiều việc mà. Sao các anh không lên đánh mà lại đến đây tìm tôi!?”, võ sư Thơ đáp lại sự sốt sắng của các bạn.

“Chúng tôi đều đã lên đài và thua hết cả rồi, giờ chỉ còn anh thôi. Anh không ra thì mất mặt lắm, từ chiều hôm qua đến trưa nay, không còn ai lên đài nữa rồi. Anh ra đi!”, các bạn ông thuyết phục.

Ngó vào trong nhà, bắt gặp ánh mắt lo lắng của người vợ mới cưới, võ sư Thơ đã vô cùng bối rối.

Đang lúc không biết xử lý thế nào thì một người bạn bảo: “Thôi anh cứ ra xem đi. Ra đó xem một lát rồi lên đài hay không là tự anh quyết định, chúng tôi cũng chẳng can thiệp nữa”.

Nghe bạn nói vậy không còn cách nào, cứ diện nguyên bộ quần áo bảo hộ, võ sư Thơ theo đám bạn ra Bờ Hồ.

Tới nơi, thấy vẻ hống hách của Sáu Hổ lại tận thấy câu “nhất quyền đả Nam, nhị cước đã Bắc” ngạo nghễ treo ngay cạnh võ đài, võ sư Thơ đã… quên ngay ánh mắt lo lắng của người vợ trẻ ở nhà. Ông quyết định thượng đài.

“Chúng tôi 6,7 anh em đều đã thua, nếu ông thắng thì ông sẽ là đại ca của chúng tôi đấy”, những người bạn ông đã động viên trước khi ông bước vào trận đấu.

Thư hùng như phim hành động

Chờ mỏi mắt mới thấy có người lên tỉ thí nên Sáu Hổ tỏ ra vô cùng phấn khích. Võ sĩ này hùng dũng lên đài và lắc lắc cái đầu để tìm đối thủ. Khi thấy bóng ông Thơ, thấy nhỏ con hơn mình, Sáu Hổ đã tỏ thái độ coi thường, khinh khỉnh.

Thời đó, theo luật đài, người ứng chiến trước khi đánh phải biểu diễn một bài quyền, một bài binh khí ngắn, một bài binh khí dài (gọi là “tam thảo”).

Lúc đầu, coi đối thủ chẳng ra gì nhưng khi thấy ông đi xong “tam thảo”, Sáu Hổ đã biết mình gặp phải đối thủ xứng tầm. Bởi thế, khi vào đấu, võ sĩ này đã vô cùng thận trọng.

Trận đấu bắt đầu, hai đấu sĩ làm thủ tục bắt tay nhau. Sáu Hổ dùng hết sức bình sinh bóp chặt tay ông. Đương nhiên, vận nội lực, ông cũng bóp trả.

Chiếc cúp cố võ sư Nguyễn Văn Thơ nhận được sau trận tỉ thí.
Chiếc cúp cố võ sư Nguyễn Văn Thơ nhận được sau trận tỉ thí.

Sau cái “bắt tay” ấy, hai người lùi ra xa thủ thế. Sáu Hổ không dám coi thường nên cũng chẳng dám tấn công ngay mà cứ dứ dứ hai tay rất là kín kẽ. Mắt cứ chằm chằm nhìn vào đối phương, chân di chuyển mấy vòng võ đài mà không ai động thủ.

Thấy đối phương quá đỗi đề phòng, võ sư Thơ đã quyết định dùng mẹo để dụ Sáu Hổ tấn công.

Khi ấy, lợi dụng trời nổi gió nhẹ, võ sư Thơ đã khẽ nghiêng đầu đón gió. Luồng gió làm tóc ông xõa xuống, che mất một bên mắt. Vờ như không còn để ý đối phương, ông đưa tay hất tóc lên.

Chỉ chờ có thế Sáu Hổ vọt tới, cắm thẳng hai chân vào mạng sườn ông. Biết đối phương đã mắc bẫy của mình, nhanh như chớp ông hạ khuỷu tay trái xuống đỡ rồi áp sát vào người Sáu Hổ dùng tay phải ra đòn ở cự ly gần, đánh thẳng vào ngực Sáu Hổ.

Để cú đánh đó được thêm phần hoàn hảo, trước lúc xuất đòn, ông đã cài chân võ sĩ to lớn này.

Dính đòn một cách bất ngờ lại bị mất chân trụ, Sáu Hổ lộn nhào xuống đài. Theo luật, ai bị đánh bật khỏi sới là thua cuộc, tuy nhiên, võ sư Thơ vẫn chạy lại mời Sáu Hổ lên đấu tiếp.

Tuy nhiên, cảm phục sự mưu trí và đòn đánh dũng mãnh của ông, Sáu Hổ đã tâm phục khẩu phục xin thua.

Thấy võ sĩ miền Nam chắp tay bái phục, những người chứng kiến cuộc so tài đã mừng rỡ hô vang tên ông. Với nhiều người sống quanh nhà ông, khi ấy họ mới biết anh công nhân hiền lành ấy là một cao thủ võ công có sức mạnh chế kình ngự hổ.

Trên cúp ghi cụ thủ hiến Bắc Việt tặng võ sĩ Nguyễn Văn Thơ
Trên cúp ghi "cụ thủ hiến Bắc Việt tặng võ sĩ Nguyễn Văn Thơ"

Con mắt tinh đời

Sau trận tỉ thí ấy, tiếng nổi như cồn, võ sư Thơ được nhiều người tìm đến bái làm sư phụ. Tuy nhiên, ông đã từ chối, chỉ nhận duy nhất một học trò tên là Lý Ngạch. Theo ông học được 7-8 năm thì hai thầy trò đường ai lấy đi.

Lý Ngạch ỷ mình có võ đã tham gia cướp giật trên tuyến tàu hỏa từ Hải Phòng về Hà Nội. Biết chuyện ấy, quá giận, ông đã cạch mặt luôn người đệ tử ấy và tiếp tục “quy ẩn giang hồ”, không nhận học trò nữa.

Mãi đến năm 1973, bởi một “nhiệm vụ đặc biệt” thì ông mới quyết định dạy võ trở lại. Lần này, ông cũng chỉ nhận vài đệ tử. Họ là những đặc công, cảnh sát biệt phái.

Võ sư Phạm Xuân Tùng cũng được xếp vào lứa đệ tử này và chỉ duy nhất mình ông không thuộc lực lượng vũ trang.

Khi lứa đệ tử này đủ lông đủ cánh thì năm 1981, võ sư Nguyễn Văn Thơ nhận lứa đệ tử thứ hai. Khi này, võ sư Tùng đã phụ thầy đứng lớp, hướng dẫn các môn sinh luyện tập.

Không giống như những võ sư khác, khi mở võ đường là chiêu sinh đến mấy chục học trò, “Hoắc Phi Hùng” chỉ nhận mỗi khóa chưa đầy chục người. Tuy nhiên, với những người đó không phải ai cũng có thể gọi ông là thầy, là sư phụ.

Không xem trọng chuyện tiền bạc nhưng lão võ sư này quan niệm, họ cần học võ cũng chẳng khác gì cần học ngoại ngữ, học toán, học văn. Họ cần, họ tha thiết thì mình dạy, chứ hai tiếng sư phụ thiêng liêng, không thể sử dụng tùy tiện được.


Võ sư Xuân Tùng được đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ coi như con đẻ.

Võ sư Xuân Tùng được đại lão võ sư Nguyễn Văn Thơ coi như con đẻ.

Nhiều năm ở cạnh sư phụ, võ sư Phạm Xuân Tùng biết ai là người sẽ được võ sư Thơ coi là học trò thân thiết, ai là người chỉ có thể là người đến học võ thông thường.

“Sư phụ tôi thích ăn chân giò nấu giả cầy lắm! Thế nên, khi ra nhập môn phái, ai được thầy nhắc chuẩn bị lễ gồm một miếng thịt chân giò, 1 bao thuốc lá Thủ đô, 1 chai rượu thì người ấy chắc chắn sẽ được ông quý mến, con như máu mủ mình.

Còn những ai mà ông chỉ dặn mang chai rượu, bao thuốc lá, không có món thịt chân giò thì chỉ là người học võ bình thường thôi. Những người này thì lúc nào ông cũng chỉ xưng tôi, gọi anh chứ không thầy, trò gì cả”, võ sư Tùng cho biết.

Theo võ sư Tùng thì sư phụ ông là người bao dung, công bằng chứ không phân biệt đối xử. Ông làm vậy là bởi có mắt tinh đời, nhìn biết ai là người thủy chung, sau trước, ai là kẻ có mầm mống bất trắc, phản đồ.

Cũng chính bởi biết nhìn người mà sư phụ ông đã loại khỏi môn phái một đệ tử phản trắc, sẵn sàng “cõng rắn cắn gà nhà”.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại