Cậu bé chưa từng đề cập trong "hải chiến" Trường Sa 1988

Hoàng Đan |

Trên chiếc tàu HQ 505 huyền thoại trong trận "hải chiến" Trường Sa năm 1988 có một nhân vật chưa từng được kể đến, đó là một cậu bé mới 9 tuổi.

Cậu bé trên tàu HQ 505

Trong trận "hải chiến" không cân sức giữa hải quân ta và Trung Quốc xảy ra vào ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã dùng hỏa lực mạnh bắn vào các tàu vận tải của Hải quân nhân dân Việt Nam gồm: HQ 604, HQ 605 và HQ 505.

Trong trận chiến không cân sức đó, tàu HQ 604 đã bị Trung Quốc bắn chìm ở gần đảo Gạc Ma, tàu HQ 605 bị bắn cháy và chìm vào sáng 15/3/1988 tại đảo Len Đao.

Còn tại đảo Cô Lin, sau khi bị Trung Quốc tấn công, tàu HQ 505 không bị chìm mà thuyền trưởng còn kịp cho tàu lao thẳng lên đảo, trở thành "cột mốc sống" bảo vệ chủ quyền.

Sau trận "hải chiến", 64 chiến sỹ hải quân của chúng ta đã mãi mãi không trở về, 9 người bị bắt làm tù binh và Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đó.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân cho biết, sự kiện 14/3/1988 là một dấu mốc mà cả cuộc đời ông không thể nào quên được.

Bên cạnh những bi tráng, uất hận của trận "hải chiến" năm ấy, có một chi tiết mà ông cũng kể lại với chúng tôi, đó là, dù bị Trung Quốc tấn công, nã pháo liên tục nhưng ngoài một số người bị thương thì trên tàu HQ 505 anh hùng không ai hy sinh.

Đặc biệt hơn, trong lúc bom đạn đang rất ác liệt, tàu bị bắn cháy thì có một cậu bé đã đồng hành cùng với các chiến sỹ và cậu bé ấy không hề bị thương.


Con tàu anh hùng HQ505 lao lên đảo Cô Lin, thành mốc chủ quyền Việt Nam, ảnh trên báo Nhân Dân số ra ngày 25-3-1988

Con tàu anh hùng HQ505 lao lên đảo Cô Lin, thành mốc chủ quyền Việt Nam, ảnh trên báo Nhân Dân số ra ngày 25-3-1988


Ông Lại Văn Năm (thứ 4, đứng, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trên tàu HQ 505 trước ngày chiến đấu tại Trường Sa tháng 3-1988... Ảnh do: Ông Năm cung cấp.

Ông Lại Văn Năm (thứ 4, đứng, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trên tàu HQ 505 trước ngày chiến đấu tại Trường Sa tháng 3-1988... Ảnh do: Ông Năm cung cấp.

Theo Đại tá Dân, thì cậu bé đó được thuyền trưởng của tàu, nay là Đại tá Vũ Huy Lễ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân gặp trong một lần tàu cập cảng ở Hải Phòng để tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm...

Lúc đó, thấy cậu bé tên Thảo, khoảng 9 tuổi, không có người thân nên thương tình, thuyền trưởng Lễ đã cho cậu bé lên tàu và cùng đồng hành với các cán bộ, chiến sỹ.

Đầu tháng 3/1988, tàu HQ 505 nhận lệnh vào Đà Nẵng để chuẩn bị lương thực, vật liệu xây dựng ra Trường Sa tiến hành xây dựng đảo.

Lúc đó, tình hình Trường Sa đang hết sức căng thẳng, không muốn để chú bé phải chịu nguy hiểm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho chú bé lên bờ. Nhưng gần một ngày sau khi tàu rời bến, mọi người lại phát hiện chú bé trốn trong một cái tủ trên tàu...

Còn chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Lại Văn Năm, nguyên Phó Trưởng ngành cơ điện (ngành 5) tàu HQ505, nay đã ra quân và trở thành Phó khoa Công tác xã hội, ĐH Thủ Dầu Một cho hay, dù thời gian đã rất xa rồi nhưng ông vẫn nhớ hình ảnh của cậu bé.

"Tôi không nhớ rõ là cậu bé Thảo lên tàu vào ngày nào nhưng lúc đó khi tàu cập vào bến cảng K120, bến Kiền thì bà con nhân dân có lên hỏi thăm tình hình bộ đội, giúp đỡ thêm về thực phẩm.

Khi đó, cậu bé Thảo cũng có lên trên tàu chơi và sau đó, anh em có cho cậu bé đi cùng trên tàu. Trước khi ra Trường Sa, thuyền trưởng đã cho cậu bé lên bờ nhưng sau đó, khi tàu rời bến rồi mọi người lại phát hiện Thảo vẫn trên tàu.

Do đó, cậu bé Thảo đã cùng có mặt với chúng tôi trong trận chiến đấu ác liệt với Trung Quốc bảo vệ thành công đảo Cô Lin", ông Năm nhớ lại.

"Cậu bé Thảo" đã mất

Thượng úy Lại Văn Năm cũng chia sẻ thêm, trong sự kiện ngày 14/3/1988, tàu HQ 505 của ông và các đồng đội đã hứng chịu trận mưa đạn từ các tàu Trung Quốc bắn sang.

Tàu bị cháy hỏng gần như toàn bộ lớp sơn, đài chỉ huy chi chít hàng trăm vết đạn, hai bên sườn và phía sau đuôi có hàng chục lỗ thủng đường kính 30 - 40 phân do đạn pháo bắn thẳng, lương thực, thực phẩm trong khoang tàu cháy thành than...


Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (ở giữa hàng đầu) và đồng đội tàu HQ 505, tháng 4-1988: Ảnh Nguyễn Viết Thái.

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (ở giữa hàng đầu) và đồng đội tàu HQ 505, tháng 4-1988: Ảnh Nguyễn Viết Thái.

"Đó là những giờ phút rất ác liệt, đạn pháo của Trung Quốc bắn thẳng sang dữ dội khiến trên tàu chi chít các vết đạn, lỗ thủng. Anh em trên tàu bị thương nhiều, trong đó, có anh Hòa bị thương lớn ở tay, anh Văn bị thương phải vào đảo Sinh Tồn nghỉ, khâu vết thương...

Trong giây phút đó, thuyền trưởng Lễ đã cho lao tàu lên đảo và sau đó tàu đã đứng vững trên đó, bảo vệ, trở thành "cột mốc sống" về chủ quyền của chúng ta.

Còn chú bé Thảo tôi vẫn nhớ là rất ngoan cường, lanh lẹ đã cùng với các em em trải qua những giờ phút kinh hoàng đó. Và không có ai trên tàu HQ 505 hy sinh, chú bé Thảo cũng không làm sao cả", ông Năm nói.

Ông Năm cũng cho hay, sau trận chiến ác liệt, bảo vệ thành công đảo Cô Lin, cậu bé Thảo đã cùng với các ông trở về Sài Gòn.

"Sau đó, chính anh Đức, thuyền phó đã đưa cậu bé Thảo trở về Hải Phòng và giao lại cho địa phương còn tôi do chuyển tàu, rồi ra quân nên cũng không nắm được thông tin.

Nhưng trong tôi, vẫn nhớ như in đồng đội của mình và cậu bé đó, chỉ không rõ là giờ, cháu ra sao rồi...", ông Năm tâm sự.

Để tìm hiểu kỹ hơn về "nhân vật" này, chúng tôi đã liên hệ với Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 và được ông xác nhận về việc trên.

Theo Đại tá Lễ, cậu bé này đã cùng với ông và các đồng đội chống lại cơn mưa đạn, pháo từ các tàu của Trung Quốc trong ngày 14/3/1988 lịch sử đó.

"Lúc đó, cậu bé Thảo đã rất ngoan cường, linh hoạt, giúp đỡ cho bộ đội trên tàu chống lại bom đạn của Trung Quốc bắn liên tục, thẳng sang.

Sau khi tàu lên được đảo thì cậu bé Thảo vẫn an toàn và không hề bị thương", Đại tá Lễ kể lại.

Nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 cũng cho biết thêm, sau này, khi về đến Sài Gòn thì cậu bé Thảo được đại diện tàu trao về cho địa phương thì ông vẫn thường xuyên liên hệ.

"Thảo sau này cũng trở thành một thủy thủ đi tàu viễn dương nhưng cách đây hơn 10 năm, sau một chuyến đi, cháu không may mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời đột ngột.

Đó là một nỗi buồn mà tôi cũng như các đồng đội khác thấy rất xót xa...", vị Đại tá đã ở cái tuổi gần 80 bùi ngùi.

Và khi nhắc đến việc cậu bé Thảo năm xưa đã mất với Thượng úy Năm, ông cũng đã nghẹn lại một hồi lâu rồi thở dài bảo với chúng tôi: "Đã có lần, tôi bảo thế nào rồi cũng có người nhắc đến cậu bé Thảo, thế nhưng giờ nhắc đến thì em lại mất rồi...".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại