Cảm động “mẹ Gạc Ma” đổi một con lấy cả trăm con

Phan Đình Phùng |

Năm nào cũng vậy, những ngày này, cụ Nguyễn Thị Đảo thường hướng mắt mình ra cửa. Cụ chờ “những đứa con Gạc Ma” của mình về nhà quây quần, tề tựu.

Trong trận hải chiến Gạc Ma, tỉnh Phú Yên có 2 liệt sĩ hy sinh.

Đó là liệt sĩ Phan Tấn Dư (thôn Mỹ Thạnh Nam, Hòa Phong, Tây Hòa) và liệt sĩ Trương Văn Thịnh (khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, TP Tuy Hòa), con cụ Đảo.

Đau đáu hướng về đồng đội

Trước hôm vào thăm cụ Đảo, tôi có ngồi trò chuyện với ông Lê Minh Thoa (SN 1968, ở đường Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cũng là một cựu binh Gạc Ma.

Ông bảo, vài ngày nữa sẽ vào TP Tuy Hòa để dự buổi gặp mặt truyền thống nhằm tưởng nhớ, tri ân những đồng đội cầm súng bảo vệ biển đảo đã hy sinh anh dũng tại đảo Gạc Ma.

Theo ông Thoa, cách đây gần 10 năm, ở Phú Yên, những cựu binh tham gia cuộc hải chiến năm xưa đã thành lập Ban liên lạc Hội cựu binh Trường Sa.

Hàng năm cứ vào ngày 14/3 là mọi người tổ chức lễ tưởng niệm những đồng chí đồng đội của mình đã hy sinh trong trận chiến oai hùng này.

Nghe câu chuyện ông kể, sáng hôm sau, tôi quyết định vượt hơn 100km từ TP Quy Nhơn đến TP Tuy Hòa để tìm gặp những cựu binh nơi này cũng như người thân của những 2 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.

Xin được số điện thoại từ đêm hôm trước nên khi đến nơi, tôi bắt máy gọi cho cựu binh Huỳnh Bá Thoại, Phó Ban liên lạc Hội cựu binh Trường Sa.

Qua điện thoại, ông Thoại bảo, đang trên đường về các huyện ở tỉnh Phú Yên để gửi giấy mời họp mặt cho các cựu binh. Điện thoại cho cựu binh Đào Thái Thi (Trưởng Ban liên lạc) nhưng ông cũng bận.

Ông cũng đang đôn đáo lo cho buổi gặp mặt sắp tới. Cựu binh Thi nhiệt tình hướng dẫn tôi đường đến gia đình 2 liệt sĩ Trương Văn Thịnh và Phan Tấn Dư.


Di ảnh liệt sĩ Trương Văn Thịnh

Di ảnh liệt sĩ Trương Văn Thịnh

Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến đường Mậu Thân ở phường 9, rồi lân la hỏi đường đến nhà cụ Nguyễn Thị Đảo (SN 1929, mẹ liệt sĩ Trương Văn Thịnh).

Phải qua năm lần bảy lượt hỏi thăm, tôi mới tìm được nhà cụ Đảo, ngôi nhà nằm ở một con hẻm nhỏ, vừa đủ chiếc xe máy chạy, ở gần cuối đường Mậu Thân.

Xe vừa dừng, tôi nghe tiếng một cụ bà từ trong nhà phát ra: “Thằng Cảnh hay mấy đứa Gạc Ma đó”. Người đàn bà đó chính là cụ Đảo.

Cụ bảo, mấy bữa nay trở thời nên người cụ hơi mệt, phải uống thuốc đều.


Cụ Nguyễn Thị Đảo nghẹn ngào khi nhắc đến con trai hy sinh ở hải chiến Gạc Ma

Cụ Nguyễn Thị Đảo nghẹn ngào khi nhắc đến con trai hy sinh ở hải chiến Gạc Ma

Lúc nãy cụ tưởng người con trai của cụ là Trương Văn Cảnh (SN 1958, anh trai liệt sĩ Thịnh) đem thuốc đến, nếu không phải thì cũng là những người đồng chí đồng đội của liệt sĩ Thịnh đến thăm.

“Từ ngày thằng Thịnh mất, những đồng chí đồng đội cùng chiến đấu với nó ở đảo Gạc Ma đều gọi tôi là mẹ, tôi cũng xem tụi nó như con nên thường gọi chung là mấy đứa con Gạc Ma”, cụ Đảo xúc động.

Nhớ con chỉ biết nhìn di ảnh

Theo cụ Đảo, mấy nay, thấy cụ mệt, “những đứa con Gạc Ma” người ở gần thì đến chăm sóc, lo thuốc men, người xa thì gọi điện hỏi thăm.

Cụ bảo, ngày 25 tháng Giêng vừa qua, cụ cúng giỗ cho liệt sĩ Thịnh. Hôm ấy, có hơn 30 người đồng chí đồng đội của liệt sĩ Thịnh đến dự.

Có người ở tận tỉnh Khánh Hòa ra ngày hôm trước rồi ở lại chơi với cụ mấy ngày liền.

“Nhìn tụi thằng Thi, thằng Thoại, hay thằng Dũng ở tận Khánh Hòa thương yêu tôi như mẹ, tôi càng nhớ đến thằng Thịnh nhiều hơn.

Hồi ấy, nó đi mới hai mấy tuổi đầu, nếu bây giờ nó sống cũng năm mươi mấy rồi. Nó đi bữa 25 tháng Giêng thì 27 nó hy sinh. Bây giờ tôi cúng giỗ nó ngày 25 chứ không cúng ngày 27”.

Đang trò chuyện, một người đàn ông bước vào gọi cụ Đảo bằng mẹ, rồi lấy thuốc cho cụ uống. Đó là ông Trương Văn Cảnh, anh trai liệt sĩ Thịnh.

Uống xong thuốc, cụ Đảo bảo ông Cảnh đỡ mình đến thắp nhang cho liệt sĩ Thịnh. Vịn tay bước lên cầu thang, cụ Đảo nghẹn ngào:

“Hồi nhỏ nó tội lắm, nó thương tôi lắm! Ngày nào tôi cũng thắp nhang rồi nhìn di ảnh nó cho đỡ nhớ”.


Cụ Đảo bên con trai Trương Văn Cảnh

Cụ Đảo bên con trai Trương Văn Cảnh

Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai cùng với người chồng của mình, cụ Đảo rưng rưng nước mắt. Nhìn mẹ, ông Cảnh cũng nghẹn ngào: “Mỗi lần nhắc đến Thịnh là nước mắt mẹ lại chảy”.

Nghe con nói vậy, cụ Đảo càng thêm nghẹn ngào. Đôi tay già yếu, đầy những nếp nhăn của cụ cố với chạm vào tấm hình của con.

“Vì Tổ quốc, nó hy sinh. Nhưng với anh em đồng chí đồng đội thì nó còn sống mãi. Với tôi, nó sẽ theo tôi đến khi cụ nhắm mắt xuôi tay”, cụ Đảo nghẹn giọng.

Mất một con có lại cả trăm con

Vợ chồng cụ Đảo có tất cả 7 người con, 6 trai, 1 gái, liệt sĩ Thịnh là con áp út. Cụ Đảo đang ở với vợ chồng người con trai út là ông Trương Văn Chánh.

Bà Huỳnh Thị Dung (vợ ông Chánh) cho biết: “Mẹ buồn vì mất con nhưng mẹ luôn tự hào về anh Thịnh. Mỗi lần gặp con cháu, mẹ đều nói về sự hy sinh cao cả của anh ấy cho con cháu nghe.


Cụ Đảo bên con dâu Huỳnh Thị Dung

Cụ Đảo bên con dâu Huỳnh Thị Dung

Có lần, nửa đêm nhưng vì nhớ anh Thịnh, mẹ lại khóc. Tôi cũng chỉ biết động viên mẹ chứ chẳng làm được gì nhiều”.

Theo lời bà Dung, con cháu cũng ở gần nên sớm hôm tới lui trò chuyện, thăm hỏi để cụ Đảo nguôi dần nỗi đau.

Những lần như thế, cụ Đảo thường bảo, cụ mất một người con nhưng bù lại ông trời thương cụ, thương gia đình nên cho cụ hàng trăm người con hiếu thuận.

Đó là những người con ruột của cụ và những đồng chí đồng đội cùng sát cánh ở hải chiến Gạc Ma với liệt sĩ Thịnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm nhiều cựu binh Gạc Ma đã chung sức góp một phần nhỏ vật chất của mình để cụ Đảo an dưỡng tuổi già.

“Vài ngày nữa là đến lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tối hôm qua thằng Thi có xuống nhà thăm tôi rồi. Nó nói vài ngày nữa anh em đồng chí đồng đội của nó về đông lắm.

Tụi nó sẽ đến thắp nhang cho thằng Thịnh, rồi thăm tôi. Tôi nghe tin mà trong lòng khấp khởi từ đêm qua đến giờ”, cụ Đảo nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

(Còn nữa)

Ngày 14/3/1988, cách đây 28 năm về trước, tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra trận hải chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Khi ấy, hải quân Trung Quốc đưa quân chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma.

Trước tình hình căng thẳng do hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13/3, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chỉ thị bộ đội quyết giữ vững các đá Gạc Ma, Cô Lin.

Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho lực lượng công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây dựng lên đá ngay trong đêm 13/3.

Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ - 604 cùng lực lượng công binh trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đá Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ đá.

Ngày 14/3, Trung Quốc điều hai hộ vệ hạm trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đá Gạc Ma.

Khoảng 7h30 ngày 14/3, do hải quân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo vào tàu HQ - 604, cho quân xông về phía tàu Việt Nam.

Hải quân Việt Nam đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.

Sau đó, Trung Quốc tiếp tục nã pháo vào tàu HQ - 604 của Việt Nam. Trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc này, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại