"Lái xe như con người", rồi sao nữa?

Phan Huỳnh Tuấn |

Những người như chúng ta, buổi sáng đọc tin tức, thương cảm cho nạn nhân, đồng tình với những lời kêu gọi lái xe an toàn nhưng buổi chiều lại vi phạm giao thông.

>>>Hãy lái xe như người, đừng lái xe như thú

Đất nước chúng ta có rất nhiều khẩu hiệu, từ những khẩu hiệu của nhà nước, đến những khẩu hiệu do “cộng đồng mạng” đặt ra.

Gần đây nhất là khẩu hiệu “Lái xe như con người”, sau vụ tai nạn gây ra cái chết thương tâm cho ba nạn nhân ở Hà Nội.

Tôi không phản đối chuyện hô khẩu hiệu, đặc biệt sau vụ tai nạn nêu trên thì khẩu hiệu đó cũng có tác động rất lớn.

Những người như chúng ta, buổi sáng đọc tin tức, thương cảm cho nạn nhân, đồng tình với những lời kêu gọi lái xe an toàn.

Thế nhưng đến buổi chiều, khi tham gia giao thông, vì vội về sớm hơn mà chúng ta vượt đèn đỏ, vì sợ kẹt xe mà chúng ta leo lề, vì tiện đường mà chúng ta chạy ngược chiều...

Vậy nên người Việt luôn nhìn sang nước Nhật với lòng ngưỡng mộ, luôn khâm phục ý thức quá cao của đa phần người dân Nhật Bản.

Nhưng cái ý thức cao đó từ đâu mà ra? Chưa hẳn nền giáo dục của họ tốt thì họ có ý thức cao, không phải nền kinh tế của họ quá phát triển thì họ có ý thức cao.

Đó cũng không phải họ theo phương Tây bỏ Tết Âm lịch thì họ có ý thức cao, mà nó bắt nguồn từ sự nghiêm khắc của pháp luật.

Chúng ta hãy nhìn cách một người ở Nhật khổ sở như thế nào để xin được giấy phép lái xe, có nhiều người nước ngoài đã gọi đây là một chế độ hà khắc.

Làm được bằng lái đã khó, thời hạn hiệu lực của bằng lái cũng ngắn ngủi, và nếu vi phạm luật giao thông nghiêm trọng thì sẽ bị tước bằng lái, rồi lại tốn vài nghìn đô để bắt đầu lại quá trình thi bằng lái gian nan đó.

Sự nghiêm khắc đó của nước Nhật đã đổi lại sự an toàn cho người tham gia giao thông ở nước này, khi họ được đánh giá là đất nước an toàn nhất để lái xe ở châu Á.

Ở Việt Nam, bao nhiêu năm nay luôn có sự đòi hỏi rằng xử lý việc gì cũng phải có lý và có tình, nhiều khi coi trọng cái tình hơn, vô hình chung đã làm giảm đi sự nghiêm minh của pháp luật.

Nếu bây giờ chúng ta ra một quy định rằng sẽ tịch thu, xung công quỹ phương tiện của người tham gia giao thông mà có nồng độ cồn vượt mức cho phép chắc chắn sẽ có những ý kiến phản đối.

Bởi không ít người cho rằng, nhiều người nghèo khổ, chiếc xe là tài sản, là cần câu cơm của họ, phải cho họ một cơ hội...

Sẽ không nhiều người nghĩ rằng nếu biết quý trọng tài sản, công cụ làm việc của mình thì đừng uống rượu bia rồi lái xe.

Không nên và không thể có sự dềnh dàng giữa lý và tình như thế mãi được.

Chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật, xử phạt thật nặng những đơn vị thi công đường sá, cầu cống, công trình giao thông chất lượng kém, chưa thông xe đã phải sửa thì làm đường sá, hạ tầng giao thông tốt hơn.

Chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật, xử phạt thật nặng những đơn vị vận tải quá khổ, quá tải, “xe tấn tám chở tám tấn”, mới làm cho những con đường không còn bị băm nát bởi ổ gà, ổ trâu.

Chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật, xử phạt thật nặng những đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe theo kiểu cho có, nộp tiền và lấy bằng, mới làm cho những người tham gia giao thông thật sự hiểu luật và làm đúng theo luật chứ không phải chạy xe theo thói quen.

Chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật, xử phạt thật nặng những cảnh sát giao thông thoái hóa, biến chất mới dẹp được nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền bạc.

Từ đó mới xử phạt được tất cả các hành vi vi phạm giao thông theo đúng luật định, không để người vi phạm nhờn với pháp luật.

Chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật mới nâng cao được ý thức của người dân. Hô hào khẩu hiệu, hay dán một miếng decal trên xe, không giúp chúng ta có được điều đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại