Khi ấy, tôi không yếu bóng vía, nhưng tôi nghĩ đến con gái tôi, 7 tuổi, chỉ hơn bé Trần Gia Hân một tuổi.
Sáng nay, thiên thần của tôi vừa hôn vào má bố, trước khi đến trường. Còn sáng nay, Gia Hân đang bơ vơ ở một thế giới mà bé chưa biết tí gì, ngay cả trong suy nghĩ.
Rất nhiều đứa trẻ, mỗi sáng vẫn đến trường trong bình yên và chiều tối, trở về mái ấm trong bình yên.
Chúng quá nhỏ để có thể biết rằng, mỗi ngày ở đâu đó trên đất nước chúng đang sống, có 25 người đã đi ra khỏi nhà và vĩnh viễn không bao giờ bước chân trở về được nữa, chỉ vì tai nạn giao thông.
Tôi có một đứa cháu, làm trong đội Khám nghiệm hiện trường của phòng CSGT.
Cháu kể: “Tuần đầu làm nhiệm vụ khám nghiệm, về nhà nhìn cơm cháu không nuốt nổi. Cái gì thảm khốc nhất thì đó chính là hiện trường tai nạn giao thông.
Nhưng giờ cháu quen rồi. Nhiều vụ quá, không quen không làm việc được”.
Những CSGT như cháu tôi thì sẽ phải quen vì công việc. Nhưng với mẹ bé Gia Hân, người vừa mất chồng 2 năm trước, giờ lại chứng kiến bố chồng và con gái chết trên tay, thì sao?
Nhìn người mẹ gào khóc như đang xé từng thớ thịt mình quăng ra, có thể thấy, nỗi đau ấy sẽ nối dài trong gia đình chị nhiều năm nữa.
Không chỉ có người thân, những ai đã chứng kiến tai nạn giao thông một lần, đều ám ảnh.
> Xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Anh Lê Văn Tươi, người lao vào cứu bé Hoa, 15 tuổi bị tài xế - “con thú lái xe tải” cố ý chèn qua người 3 lần đến chết ở TP.HCM, vẫn tiếp tục rùng mình: “Tôi cố kéo con bé ra khỏi gầm xe nhưng không được, nó thì cứ bám chặt tay tôi cầu cứu.
Tôi đã chặn phía đầu xe nhưng không ngờ gã tài xế lại tiếp tục cán qua người cháu lần nữa… Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng xương con bé gãy vụn…”.
Bạn tôi, một người nghiện xem phim kinh dị và thích đột nhập các ngôi nhà nhà ma vào ban đêm (như nhà 300 Kim Mã, Hà Nội) cũng thường bị rùng mình đi băng qua đường.
“Xem phim kinh dị và vào nhà ma, tao chẳng sợ, vì biết chắc không ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng tao sợ tham gia giao thông. Những cái chết có thể đến từ bất cứ thứ gì: Một tiếng còi to, một chiếc đinh được rải bởi đinh tặc, một kẻ vượt đèn đỏ…” – anh kể.
Năm trước, khi con gái đầu tôi học lớp 5, cháu muốn tự đi học thêm tuần một buổi bằng xe bus.
Lớp học tiếng Anh chỉ cách nhà 1,5km, nhưng vì muốn cháu tự lập và rắn rỏi, tôi đồng ý.
Cháu đi học được vài buổi thì tôi đến thăm bố một người bạn bị xe đâm chấn thương sọ não ở bệnh viện Việt Đức.
Đến cái phòng bệnh trắng toát những thân người quấn băng đang hôn mê ấy, tôi rùng mình khi nghe người nhà kể: Trong 15 người đang nằm đây, có 4 người bị tai nạn giao thông khi đang sang đường.
Trong 4 người đang nằm bất động đó, có hai học sinh lớp 5 và lớp 11.
Ngay hôm sau, tôi không cho con gái đi xe bus nữa. Tôi không muốn cháu phải băng qua những con phố nguy hiểm rình rập. Người ta có thể thử nghiệm mọi thứ, nhưng dính đến sinh mạng thì không.
Không phải đến khi nhà toán học nổi tiếng GS Seymour Papert, GS,Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, TS Khảo cổ Masanari gặp nạn trên đường phố Việt, thì khách nước ngoài mới gọi việc sang đường ở Việt Nam là “thể thao mạo hiểm”.
Tôi tin là tất cả những người Việt, hàng ngày phải ra khỏi nhà, đều sợ hãi tai nạn giao thông, nhưng vì kế sinh nhai và vì không có nhiều phương tiện công cộng, họ không còn lựa chọn khác.
Có lần, tôi vô ý vượt đèn đỏ, con gái 4 tuổi của tôi níu áo: “Bố vi phạm pháp luật, công an bắt bố bây giờ”.
Chúng ta, những người lớn, vẫn phải lái xe ra đường và không phải lúc nào cũng được đi cùng một đứa trẻ, để chúng níu áo thức tỉnh như thế.
Thế thì, hãy tập để lương tâm và trách nhiệm của mình biết níu áo nhắc nhở, cảnh báo mỗi khi chúng ta đặt tay lên vô lăng và chân nhấn ga.
Hãy biết lái xe như một con người, bởi phía trước, phía sau, xung quanh chiếc xe chính là mạng sống của con người.