Donald Trump: Quái đản nhưng nhiều người thích, tại sao?

Đức Huy |

Với tình hình hiện tại, khả năng Donald Trump và Hillary Clinton "so găng" trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm nay là rất lớn, và tỉ phú bất động sản được đánh giá thấp hơn hẳn.

Các khảo sát sơ bộ, cũng như tỉ lệ cá cược của đại đa số nhà cái, đều cho thấy nếu TrumpClinton đối đầu vào tháng 11 này, thì ưu thế lớn đang thuộc về cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Không phải vì bà Clinton được nhiều người Mỹ quý mến hơn, mà lý do chủ yếu là vì những phát biểu gây tranh cãi của ông Trump về các nhóm người thiểu số, người nhập cư, và quan trọng nhất là chính các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng không ưa gì tỉ phú này.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhà báo Derek Thompson trên tạp chí The Atlantic, Trump hoàn toàn có thể phát huy những thế mạnh trong chiến lược tổng thể của mình để khiến nước Mỹ chưa thể có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử trong năm 2016.

Hiện nay, trong tâm trí các cử tri Mỹ, có hai luồng suy nghĩ phổ biến về Donald Trump. Nhưng kì lạ ở chỗ, hai luồng suy nghĩ này lại khá mâu thuẫn với nhau.

Một mặt, số đông nghĩ rằng Trump được ủng hộ nhiều đến vậy bởi ông đi thẳng vào vấn đề, và không để ý đến những nguyên tắc chính trị thông thường.

Nhưng mặt khác, không ít người cho rằng không thể bầu cho Trump bởi những chính sách quái gở mà ông đề xuất, ví dụ như xây một bức tường chắn tại biên giới Mexico và bắt ... Mexico trả tiền, hay cấm hoàn toàn người Hồi giáo nhập cư.

Vấn đề là ở chỗ, nếu Trump thực sự thích nói thẳng nói thật và không quan tâm đến chính sách, thì chẳng có lý do gì ông không thể quay 180 độ, và biến mình thành một ứng viên khác hoàn toàn khi đối đầu với Clinton.

Trước khi tuyên bố tranh cử, tỉ phú bất động sản Mỹ là một doanh nhân khá ôn hòa, thân thiện, ủng hộ hệ thống bảo hiểm y tế của Canada (có nhiều điểm tương đồn với Obamacare mà đảng Cộng hòa luôn tập trung công kích - PV), hay thậm chí từng công khai thể hiện sự ngưỡng mộ với Hillary Clinton.


Trump từng rất thân thiện với nhà Clinton. Ảnh: AP

Trump từng rất thân thiện với nhà Clinton. Ảnh: AP

Nhưng trong chiến dịch của mình, Trump "hóa thân" thành một phiên bản dân tộc chủ nghĩa cực đoan, với những phát biểu quái đản khiến không ít những người có học thức tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới không còn lựa chọn nào khác ngoài tắt TV hay chuyển kênh.

Với khả năng thay đổi chóng mặt để phục vụ mục đích chính trị như vậy, không có lý do gì Trump không thể "biến hóa" trở thành một phiên bản ôn hòa hơn khi đối đầu trực tiếp với Hillary Clinton.

"Nói điều thính giả muốn nghe"

Trong bài viết của mình, tác giả Thompson nhắc tới một "khả năng đặc biệt" mà Trump sở hữu: chiều lòng người nghe.

Một doanh nhân kinh nghiệm như Trump luôn biết cách nói những gì mà số đông muốn nghe, nhưng dù nội dung của những tuyên bố ấy có quái đản thế nào, thì ông vẫn biết cách khiến chúng trở nên rất "thuận tai", ít nhất là đối với các đối tượng cử tri Trump muốn hướng tới.

Thông điệp của những tuyên bố gây tranh cãi của Trump thường có dạng như thế này: "Sự thật này nói ra sẽ rất khó nghe, nhưng tôi vẫn phải nói". Như vậy, lỗi thuộc về các chính trị gia luôn cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, còn Trump trở thành... anh hùng.

Ông chủ một tập đoàn lớn như Trump rõ ràng chẳng ngại thuê người nhập cư trái phép làm việc cho mình, nhưng khi ông nhận ra nhập cư trái phép là một vấn đề nóng trong chiến dịch tranh cử hiện nay, ông ngay lập tức kêu gọi nào là trục xuất người nhập cư trái phép, rồi đến xây tường giáp biên giới Mexico...

Một ví dụ khác là trước kia, Trump từng mắng mỏ thậm tệ cựu lãnh đạo phong trào phân biệt chủng tộc Mỹ KKK David Duke, nhưng khi ông nhận ra rằng tại các bang phía nam, một bộ phận không nhỏ người da trắng dù không nói ra nhưng vẫn có suy nghĩ phân biệt chủng tộc, Trump lại tránh câu hỏi của phóng viên CNN và không công khai chỉ trích KKK.

Trong tất cả 15 bang tham gia bầu cử sơ bộ từ đầu cuộc đua đến nay, các cử tri ủng hộ Trump đều đề cao phẩm chất "nói thẳng, nói thật" của Trump. Nhưng thực tế, theo thống kê của trang Politifact, 76% các tuyên bố của tỉ phú Mỹ hoặc sai số liệu, hoặc sai sự thật, hoặc là những lời nói dối trắng trợn.

Nhưng những người ủng hộ Trump không quan tâm đến điều đó. Họ chỉ biết rằng Trump "nói thẳng", nhưng thông tin có chính xác hay không thì không quan trọng, bởi họ đã quá chán ghét phong cách của các chính trị gia thông thường, những người luôn cẩn trọng trong từng câu chữ và đưa ra các phát biểu "sách giáo khoa".

Và đương nhiên, Trump sẽ tiếp tục lợi dụng tâm lý này. Ông sẽ đưa ra những tuyên bố gây sốc, đề xuất những chính sách trời ơi đất hỡi, vì ông không thực sự quan tâm đến những điều này, và ông hiểu những người ủng hộ mình cũng chẳng quan tâm.


Với Trump, nói thuận tai là đủ, đúng hay sai không quan trọng. Ảnh: Getty

Với Trump, nói thuận tai là đủ, đúng hay sai không quan trọng. Ảnh: Getty

Ngoài ra, nếu phải đối đầu với Clinton, Trump sẽ lại copy theo "bài" của Bernie Sanders và Barack Obama, hai chính trị gia đã và đang gây nhiều khó khăn cho bà Clinton: cụ thể là chỉ trích hệ thống chính trị hiện nay, chia sẻ những khó khăn của tầng lớp trung lưu, và hứa hẹn sẽ trở thành một luồng gió mới tại Washington.

Thật khó để tưởng tượng một ứng viên vừa ủng hộ chia rẽ tôn giáo và phân biệt đối xử với người nhập cư, vừa tuyên bố đưa nước Mỹ trở về thời hoàng kim, bảo vệ quyền lợi tầng lớp trung lưu, và đoàn kết nước Mỹ (!?).

Nhưng một khi đã giành được vị trí ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa, Trump sẽ "biến hóa" trong những tháng sau đó, và những thông điệp của ông thay vì "thuận tai" đối với tầng lớp người da trắng ít học như trong kì bầu cử sơ bộ, sẽ tập trung hướng tới các tầng lớp khác để thu về thêm phiếu bầu.

Và đáng nói hơn, nếu sự thay đổi này khiến lượng cử tri ủng hộ ông tăng lên trong các cuộc thăm dò dư luận, thì truyền thông sẽ dựng lên hình ảnh một Donald Trump "trưởng thành hơn", có "dáng dấp một Tổng thống hơn".

Hiện nay, trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, ông Trump vẫn thua xa bà Clinton. Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng quan điểm của Trump trong quá khứ sẽ khiến ông không thể giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử Tổng thống, thì hãy nhớ rằng Trump không quan tâm đến việc trước kia ông nói gì, mà ông quan tâm đến việc người nghe sẽ muốn ông nói gì.

Trong thời gian tới, một khi đã giành được suất đại diện, Trump và bộ sậu của mình sẽ phân tích những gì người nghe muốn nghe, và ông sẽ nói đích xác những điều đó, nói đi nói lại, mà không mảy may quan tâm đến tính xác thực, độ nhạy cảm, hay thậm chí bỏ qua luôn những giá trị đạo đức. Cứ thuận tai là được.

Tất nhiên không phải ai cũng sẽ bị chiêu trò này của Trump lừa. Nhưng ông đâu cần phải lừa hết, chỉ cần quá bán là đủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại