Hôm qua, 12 bang và vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ đã đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ/bỏ phiếu kín, chọn ra ứng viên đại diện đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, thế chỗ Tổng thống đương nhiệm Barack Obama sắp hết nhiệm kì.
>> Đọc thêm: Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - Toàn cảnh Siêu Thứ Ba
Sau khi Siêu Thứ Ba khép lại, hai ứng viên hàng đầu của mỗi đảng, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (Dân chủ) và tỉ phú bất động sản Donald Trump (Cộng hòa) đã gia tăng đáng kể khoảng cách đối với các ứng viên còn lại.
Số lượng đại biểu các ứng viên giành được trong Siêu Thứ Ba.
Số lượng đại biểu các ứng viên giành được tính đến thời điểm này của cuộc đua (Sở dĩ bà Clinton có số lượng đại biểu ủng hộ cao đến vậy là nhờ con số 457 siêu đại biểu (superdelegate) - những người có thể tự do bầu cho ứng viên mình muốn mà không cần theo ý người dân - mà bà đã thu về được, so với chỉ 22 của ông Sanders).
Với tình hình hiện nay, về phía đảng Dân chủ, có lẽ chỉ có một phép màu mới có thể giúp ông Sanders lật ngược tình thế trước bà Clinton, đặc biệt là với cách biệt quá lớn về số lượng siêu đại biểu mỗi ứng viên giành được.
Về mặt lý thuyết, đương nhiên Thượng nghị sĩ bang Vermont vẫn có thể san bằng cách biệt, khi cuộc đua vẫn còn tới 34 bang và 4 vùng lãnh thổ với gần 2.000 đại biểu chưa được định đoạt.
Song, theo các nhà phân tích, rất có thể ông Sanders sẽ phải từ bỏ chiến dịch tranh cử của mình vào ngày 15/3 tới, sau khi vòng bầu cử tại các bang lớn như Michigan, Florida, và Ohio khép lại.
Tại các bang này, trừ phi bà Clinton để thua một cách toàn diện, thì với tỉ lệ đại biểu giành được kể cả khi có thua cuộc, thì cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn giữ được một khoảng cách gần như không thể san lấp.
Một viễn cảnh tương tự cũng đang diễn ra bên phía đảng Cộng hòa, khi tỉ phú Trump đã tạo dựng được một khoảng cách đáng kể đối với các ứng viên còn lại của GOP.
Nếu nhìn vào những con số hiện tại, thì tuy khoảng cách giữa Cruz và Trump không xa như khoảng cách giữa Sanders với Clinton, nhưng điều đáng nói là đại đa số các bang miền nam, trong đó có bang "chủ nhà" Texas của ông Cruz, đều đã tiến hành bỏ phiếu.
Với các thông điệp tranh cử nặng tính bảo thủ, Thượng nghị sĩ bang Texas muốn nhắm vào tâm lý của các cử tri Thiên chúa giáo ở các bang phía nam để chiếm thế thượng phong ở phần đầu mùa tranh cử. Song có thể nói, kế hoạch của ông Cruz đã phá sản hoàn toàn.
Sắp tới, với các bang phía đông và trung bắc đa phần theo chủ nghĩa tự do, cơ hội giành được ủng hộ của ông Cruz là rất thấp. Thượng nghị sĩ bang Texas đang trông chờ vào việc các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ ông tại các bang sắp tới, nhưng vốn những người này chẳng ưa gì ông Cruz, đặc biệt là các Thượng nghị sĩ.
Còn nhớ, Thượng nghị sĩ bang South Carolina Lindsey Graham đã từng phát biểu rằng: "Nếu ông Cruz bị ám sát ngay tại Thượng viện, và phiên tòa xét xử diễn ra cũng tại Thượng viện, thì kẻ sát nhân chắc chắn sẽ trắng án".
Nhưng hiện nay, để chống lại Trump, có lẽ các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ phải nghĩ lại. Và câu hỏi được đặt ra là: họ "ghét" Trump hơn hay Cruz hơn?
Marco Rubio được coi là một hi vọng khác của bộ sậu đảng Cộng hòa với hi vọng chặn đứng bước tiến của Trump. Dù đến lúc này vẫn yếu thế về số lượng đại biểu, thậm chí còn thấp hơn cả Cruz, song "bang nhà" Florida của ông Rubio áp dụng luật được-ăn-cả, và với 99 đại biểu có thể giành được tại bang này, ông Rubio vẫn có khả năng lội ngược dòng.
Ngoài ra, các nghị sĩ "có máu mặt" của đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ ủng hộ Rubio, bởi vào lúc này, gần như không một ai trong nhóm bảo thủ của GOP có thể chấp nhận khả năng bộ mặt đại diện cho họ tranh cử Tổng thống lại là Donald Trump.
Nhưng dần dần, viễn cảnh "ác mộng" đó của đảng Cộng hòa đang trở thành hiện thực.