Bi kịch vẫn chưa có hồi kết của bốn đời Tổng thống Mỹ

Thùy Trang |

Trong 25 năm, bốn Tổng thống Mỹ đã truyền tay nhau viết nên bi kịch của Mỹ tại Iraq. Chương 5 sắp bắt đầu, nhưng kết thúc có hậu, theo nhà báo Cammack, có lẽ vẫn nằm ngoài tầm với.

25 năm trước, vào ngày 24/2/1991, Mỹ lần đầu tiến quân sang Iraq nhằm giải phóng Kuwait. Hơn 30 nước cùng Mỹ tham chiến, trong đó đối tác ngoại giao then chốt là Liên Xô.

Chiến dịch kết thúc khá nhanh chóng, tuy nhiên, đây lại chỉ là chương mở đầu cho câu chuyện 25 năm "bất hạnh" của Mỹ tại Iraq, nhà báo Perry Cammack viết trên tạp chí National Interest.

Những sai lầm đầu tiên

Để Saddam tại vị là quyết định đúng đắn, song nó lại tạo ra một thế "lưỡng nan" về giải pháp đối với kẻ bạo ngược này khi ông có đủ động cơ thách thức chống lại mọi dàn xếp sau chiến tranh.

Không bên nào nỗ lực tìm ra phương án dàn xếp ổn thỏa hơn, và cấm vận về kinh tế buộc Iraq rút khỏi Kuwait vẫn được áp dụng ngay cả khi nước này đã hoàn tất rút quân.

Tuy nhiên, do không hề quan tâm đến vận mệnh người dân, Saddam rõ ràng đã nắm giữ một vũ khí ngoại giao có thể chống lại các lệnh trừng phạt và kiểm tra vũ khí.

Đến khi Tổng thống George W. Bush nhận chức năm 2001, các lệnh trừng phạt đã dần suy yếu. Và rồi ngày 11/9 đã tới - được xem như đòn phản công của Osama bin Laden sau khi Mỹ điều quân đến Bán đảo Ả rập.


Cảnh tượng đổ nát tại Mỹ sau ngày 11/9. Ảnh: U.S. Navy

Cảnh tượng đổ nát tại Mỹ sau ngày 11/9. Ảnh: U.S. Navy

Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ Bush (con) lại là một chính sách mà theo nhà báo Cammack, là ngớ ngẩn ngang với cuộc chiến tại Việt Nam trong lịch sử hiện đại Mỹ.

Chưa tới một tháng sau, Saddam bị tước đoạt mọi quyền lực. Mỹ liên tục tấn công quân đội Iraq và đảng Baath, khắc sâu thêm hậu quả của hàng thập kỉ chiến tranh và cô lập kinh tế, đồng thời "cởi trói" cho một lực lượng mà 150.000 binh lính Mỹ cũng không thể kiểm soát.

Sau khi Mỹ lần thứ 2 đưa quân vào Iraq, các tổ chức khủng bố tại Trung Đông đã chiêu mộ thêm được hàng nghìn chiến binh nước ngoài, giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và tham gia vào hàng loạt vụ phá hoại quy mô lớn.

Theo số liệu của Chicago Project về An ninh và Khủng bố, từ năm 2003 đến nay, số vụ tấn công liều chết đã tăng 2000%, lên tới 370 vụ/năm.

Thời gian ổn định ngắn ngủi

Khi Tổng thống Obama nhận chức vào tháng 1/2009, gần 4000 lính Mỹ đã hi sinh, chi phí của toàn bộ cuộc chiến lên tới 3000 tỷ USD, và các lãnh đạo Iraq vẫn không thể giải quyết được các chia rẽ chính trị cơ bản.

Trước khi rời khỏi ghế Tổng thống, chính phủ Tổng thống Bush (con) đã ký một thỏa thuận an ninh buộc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq trước khi kết thúc năm 2011. Và trái với suy nghĩ của nhiều người, Tổng thống Obama đã hoàn thành thỏa thuận trên.

Tháng 12/2011, toàn bộ quân đội Mỹ rút khỏi Iraq. Cuộc chiến thứ hai của Mỹ tại Iraq trong vòng hai thập kỷ được tuyên bố chấm dứt. Tuy nhiên, chút ít ổn định này rồi cũng chỉ là ảo vọng hão huyền.


Buổi lễ đánh dấu việc Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Iraq ngày 15/11/2011. Ảnh: AP

Buổi lễ đánh dấu việc Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Iraq ngày 15/11/2011. Ảnh: AP

Trong giai đoạn đàm phán về vấn đề đóng quân sau đó, nếu quyết đoán hơn, Tổng thống Obama đã có thể tạo ra một cơ chế chính trị sáng tạo, cho phép quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện một cách có giới hạn, không giao tranh, nhà báo Cammack nhận định.

Nếu vậy, liệu tổ chức IS còn có thể đánh bại quân đội Iraq vào năm 2014 hay không?

Tất nhiên, cũng phải kể đến sự kém cỏi của Thủ tướng Nouri al-Miliki và quyết định sai lầm về việc thanh trừng nhiều quan chức cấp cao của Iraq, thay thế họ bằng những đồng minh kém cỏi của ông.

Tình hình Iraq lại một lần nữa xuống dốc. Thủ tướng Maliki bị trục xuất sau khi tổ chức IS đánh bại hoàn toàn quân đội Iraq tại Mosul tháng 6/2014.

Đến tháng 8, Mỹ quay trở lại đánh bom Iraq một lần nữa.

Về bản chất, Mỹ đã trải qua 25 năm nỗ lực giải quyết bất ổn chính trị nội bộ tại Iraq, nhưng chỉ nhận được toàn thất bại, nhà báo Cammack viết trên tạp chí National Interest.


Phe ủng hộ Thủ tướng Maliki biểu tình tại Baghdad. Ảnh: AFP

Phe ủng hộ Thủ tướng Maliki biểu tình tại Baghdad. Ảnh: AFP

Sự kiện Mỹ xâm lược Iraq tháng 2/1991 đánh dấu mức quyền lực tối cao của Mỹ sau Chiến tranh lạnh. Bức tường Berlin sụp đổ, địch thủ truyền kiếp Liên Xô trở thành đối tác, bóng ma Việt Nam năm nào cũng dần bị chế ngự.

Vậy mà trong suốt 25 năm, bốn chính phủ của bốn Tổng thống khác nhau đã truyền tay nhau di sản nặng nề về vùng đất sa mạc Iraq xa xôi.

11 tháng nữa, chính phủ Mỹ tiếp theo sẽ bắt đầu chương thứ 5, và có vẻ câu chuyện này vẫn chưa thể kết thúc một cách có hậu, nhà báo Cammack viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại