Căng thẳng, bạo lực gia tăng tại Ukraine

Anh Tuấn |

Bạo lực ở miền Đông Ukraine lại đang nóng trở lại sau một khoảng thời gian yên bình. Theo những thông tin mới nhất từ vùng Donbass, số người tử vong đã đạt mức ngang với thời điểm trước khi hai bên đình chiến vào tháng 9/2015.

Lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông đã giao tranh với quân đội chính phủ kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hai năm trước.

Ảnh hưởng của cuộc xụng đột đã lan đến thủ đô Kiev ở Ukraine, khi những người biểu tình lên tiếng đòi Thủ tướng Arseny Yatsenyuk từ chức.

Hàng ngàn người dân Ukraine đã tập trung lại để kỷ niệm hai năm cuộc biểu tình quy mô lớn tại Kiev khiến ông Yanukovych phải từ chức và xung đột miền Đông nổ ra.

Vào ngày 21/2 vừa qua, người dân đã đặt hoa tại Quảng trường Maidan để tưởng nhớ những người tham gia biểu tình đã không may thiệt mạng vào hai năm trước.

“Hôm nay tôi có mặt tại đây để tưởng nhớ những người đã khuất hai năm trước, nhưng dường như tôi thấy một cuộc khởi nghĩa nữa đang chuẩn bị nổ ra”, một người dân Ukraine cho biết.

Nhiều người đã dựng lều để tham gia biểu tình, phần lớn bày tỏ sự bất bình đối với chính phủ Ukraine hiện tại.

“Chúng tôi có 3 yêu cầu: chính phủ Yatsenyuk phải từ chức do không làm tròn chức trách của mình, điều tra về vụ sát hại những người tham gia biểu tình ở Maidan cùng những vụ việc quan trọng khác và tôn trọng những người đã dũng cảm lên tiếng vì đất nước”, ông Aleksander Misura, một người dân tham gia tuần hành cho biết.

Vào ngày 20/2, bạo động đã xảy ra khi các phần tử chủ nghĩa dân tộc cực đoan phá hoại các chi nhánh ngân hàng của Nga tại Kiev và nhiều thành phố khác nhằm bày tỏ sự tức giận đối với Moscow.

Những kẻ này tin rằng Crimea bị sáp nhập vào Nga vào tháng 3/2014 và hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine.

Ngoại trưởng Đức và Pháp đã có mặt tại thủ đô Kiev kêu gọi những người đứng đầu trong chính phủ Ukraine đẩy mạnh công cuộc cải cách cần thiết để có thể thực thi thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.

Các biện pháp cải tổ này được nêu ra trong thỏa thuận Minsk vào năm ngoái cho đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để do nội bộ Kiev đang lục đục.

Các quan chức EU một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định đối với tương lai của Ukraine.

“Tôi hiểu rằng mọi người đã cam kết vào công cuộc cải tổ bộ máy bên trong và tôi chắc rằng ai cũng biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tuyên bố rằng “về cơ bản chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu có sự ổn định về chính trị” ở Ukraine”, ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu.

Nền kinh tế của Ukraine đã chững lại sau một khoảng thời gian dài xung đột ở miền Đông và nội bộ chính phủ bất ổn.

Kiev cũng đang phải chịu gánh nặng lớn khi có hàng ngàn người dân chạy nạn từ khu vực xảy ra giao tranh ở vùng Donbass.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại