Ảnh: Tấp nập chợ lá Tết Sài Gòn ngày cuối năm

Khánh Chương |

Mỗi năm chỉ họp một lần, gọi chợ lá ở ngã ba ông Tạ (Tân Bình, TPHCM) là chợ truyền thống cũng đúng, gọi chợ tự phát cũng không sai.

Với những tiểu thương nơi đây, chợ lá không chỉ nơi để mưu sinh mà còn là tình yêu về một nét đẹp của quê hương.

"Chừng nào bánh truyền thống còn thì cái chợ này còn"

Xếp lá dong lên thành từng chồng dọc theo vỉa hè trước trường THCS công lập Tân Bình (873 Cách Mạng Tháng Tám), ông Nguyễn Liêm là người đầu tiên dọn hàng ra khu vực ngã ba Ông Tạ này.

Khoảng 15 gian hàng xếp hàng dài theo vỉa hè từ ngã ba Ông Tạ ra tới ngã tư Bảy Hiền. Đây là địa điểm quen thuộc cứ sau sau rằm tháng Chạp, các thương lái buôn lá dong, lá chuối, dây lạc... lại tấp nập chuyển hàng về.

Từ đây, vật liệu gói bánh chưng, bánh tét được tỏa đi khắp các chợ nhỏ lẻ của thành phố để bán cho người tiêu dùng. Ông Liêm cho biết, từ ngày 23 đến 26 Âm lịch là thời điểm rộ chợ, lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp.

Ông Liêm là người gốc Hà Nội, đã có thâm niên 30 năm bán lá ở chợ này.

Bồi hồi nhớ lại mùa xuân của mấy chục năm về trước, ông không bao giờ quên ngôi chợ quê ngày đó còn là con đường đất gồ ghề. Dưới ánh đèn dầu, các chị, các mẹ lại quảy gánh ra chợ lá, họp tới 1 – 2 giờ sáng thì tan.

“Nhu cầu gói bánh truyền thống ngày càng nhiều, người ta lấy hàng từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Đông và ở Bà Điểm (Hóc Môn) đưa về. Hàng ở đây cung cấp cho toàn thành phố và xuất ra cả nước ngoài cho kiều bào", ông nói.

Từng bó 50 lá được xếp gọn gàng thành nhiều loại lớn nhở khác nhau. Lá dong loại một, đẹp và to nhất giá 100 – 120.000đ/1 bó, loại vừa 50.000đ/1 bó, loại nhỏ hơn 20.000đ/1 bó.

Chỉ tay vào từng loại lá, ông Liêm mô tả, lá miền dong Đông Nam bộ sẽ có màu xanh nhạt pha vàng do trồng ở điều kiện khí hậu thoáng mát, ôn hòa, nhiều phân bón.

Lá dong ở miền Nam trồng dưới tán cây cao (cau, dừa), ít phân, quanh năm chịu mưa nắng nên diệp lục tố đậm hơn. Khi gói bánh chưng, lá dong miền Nam cũng dậy lên màu xanh đẹp hơn.

Ở gian kế bên, bà Hai Tuyết (61 tuổi, quê Đồng Nai) thì chuyên bán sỉ sợi lạt. Hàng của bà Tuyết nổi tiếng vì chất lượng tốt, số lượng đầy đủ và làm ăn uy tín.

Dây lạc cũng có nhiều loại, dài từ 6 tấc đến 1 mét. Một bó lớn gom chung từ 10 lọn nhỏ. Mỗi lọn 40 cộng lạc. Tùy theo kích thước mà lạc có giá bán lẻ dao động từ 5000 – 8000đ/1 lọn.

Bà Tuyết cho biết, sợi lạt đẹp và tốt phải làm từ cây giang ở trên rừng. Vì đốt của cây tre, cây lồ ô ngắn và không dẻo dai bằng cây giang.

Bà Tuyết bán lạt từ năm 29 tuổi, thuộc hàng thâm niên nhất chợ này. Bà nói mình yêu nghề và yêu cái chợ truyền thống này tha thiết. Con cháu bà đã nhiều lần khuyên nên nghỉ ngơi vì tuổi cao sức yếu.

“Bây giờ gia đình không còn tự làm lạt nữa. Cứ đến tháng 9 Âm lịch, tôi lại lén các con đi đặt hàng rồi chở về Sài Gòn”, bà chia sẻ.

Bà Tuyết kể, ngày trước, bạn hàng còn giành giật chỗ ngồi. Có khi người ta không cho bán, múc nước phở hắc vào mình. Rồi mưa gió, trộm cướp,... đủ thứ đắng cay, tuổi nhục, bà vẫn gồng gánh bán buôn, nuôi 4 đứa con trưởng thành.

“Những người lớn tuổi hơn tôi đã giải nghệ và ra nước ngoài định cư. Năm nào về quê, họ cũng lần ra đây thăm người quen và chợ cũ.

Có người còn trải chiếu ra vỉa hè ngủ chung với tôi cho đỡ nhớ nghề. Mai mốt không còn bán được nữa, tôi cũng sẽ đón xe về đây chơi.

Trải qua nửa cuộc đời với bao vui buồn, tôi yêu cái không khí nơi đây. Bánh chưng, bánh tét là nét đẹp của quê hương. Chừng nào bánh truyền thống còn thì cái chợ này còn”, bà Tuyết tự hào.

Buộc bánh bằng dây nhựa là không đúng truyền thống

Đưa cho chúng tôi xem giấy đăng ký gian hàng với chính quyền địa phương, anh Huệ cho biết: “Vì là chợ truyền thống nên công an phường cũng tạo điều kiện để bà con buôn bán. Tiểu thương phải đăng ký để ổn định chỗ ngồi, không che lấn, giành giật”.

Gian hàng của anh Huệ thì bán lá chuối và dây cỏ lác để gói bánh tét. Theo anh, năm nay nguồn cung giảm do nhiều nơi thu hồi đất trống làm dự án. Hiện tại, lá chuối sứ 10.000đ/1 ký, lá chuối hột 15.000đ/1 ký.

Dây cỏ lác phơi khô để buộc bánh tét dài khoảng 1,5 mét. Một lọn nhỏ đồng ngón tay cái giá 4.000đ. Tại đây, người mua cũng có thể tìm thấy khuôn làm bánh chưng, giá từ 25 – 40.000/khuôn tùy kích thước.

Anh Huệ khẳng định “Đã gói bánh chưng, bánh tét là phải dùng dây lạc, dây cỏ lác. Chứ buộc bánh bằng dây nhựa là không đúng truyền thống”.

Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại được:

Quang cảnh chợ lá ở ngã ba Ông Tạ
Quang cảnh chợ lá ở ngã ba Ông Tạ
Lá dong miền Đông (buộc dây màu xanh) và lá dong miền Nam có kích thước mà màu xanh đậm, nhạt khác nhau.
Lá dong miền Đông (buộc dây màu xanh) và lá dong miền Nam có kích thước mà màu xanh đậm, nhạt khác nhau.

Khách hàng mua lá dong, dây lạc về gói bánh

Khách hàng mua lá dong, dây lạc về gói bánh


Dây cỏ lác

Dây cỏ lác


Dây lạc

Dây lạc


Khuôn làm bánh chưng

Khuôn làm bánh chưng


Chủ hàng bỏ sỉ cho chợ lá hàng đêm.

Chủ hàng bỏ sỉ cho chợ lá hàng đêm.

Chợ lá nhộn nhịp cả buổi tối
Chợ lá nhộn nhịp cả buổi tối
Những đứa trẻ lớn lên cùng chợ lá
Những đứa trẻ lớn lên cùng chợ lá

Bà Tuyết thức trông hàng

Bà Tuyết thức trông hàng


Ông Liêm phun nước giữ ẩm cho lá dong

Ông Liêm phun nước giữ ẩm cho lá dong

Bánh chưng, bánh tét mời gọi khách hàng
Bánh chưng, bánh tét mời gọi khách hàng

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại