GĐ Sở VH-TT Hà Nội: "Thực tế nhiều người khen đẹp và sáng sủa"

Hoàng Đan |

Ông Động cho rằng, việc trang trí trên các tuyến đường, phố cũng như một số khu vực của Hà Nội vẫn đang tiến hành làm và lắng nghe ý kiến để chỉnh sửa cho phù hợp.

"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục lắng nghe"

Những ngày qua, trên một số diễn đàn, trang cá nhân, đã có rất nhiều lời ca thán, chê bai về việc trang trí đường phố ở Hà Nội trong dịp đón chào năm mới 2016.

Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, việc trang trí ở Hà Nội đang quá lòe loẹt, nhiều chỗ như mê cung, thành phố như bị "nhà quê hóa", giống như một "cô gái lần đầu thấy phấn son, vội vã bôi, trát lên mặt"...

Trước những ý kiến này, chúng tôi đã có những trao đổi với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội - đơn vị chủ trì việc trang trí các tuyến đường phố, khu vực ở Thủ đô.

Theo ông Động, hiện nay, việc trang trí các tuyến phố và ở một số khu vực vẫn đang được các đơn vị tiến hành thi công và điều chỉnh cho phù hợp.

"Chúng tôi trang trí theo hệ thống đèn LED hiện đại nên có thể nhìn ban ngày chưa bắt mắt nhưng đẹp về ban đêm. Cho nên đang phải giải quyết hài hòa giữa ban ngày và ban đêm.

Mọi người cũng nên chia sẻ điều này, thực tế có rất nhiều người vẫn nói "nhìn thế là được"", ông Động cho hay.

Các cây đào trang trí trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Các cây đào trang trí trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Cũng theo ông Động, giữa thiết kế trên 3D và ra thực tế cũng cần có những thứ phải cho làm thử rồi tiếp tục điều chỉnh.

Về một số ý kiến cho rằng, đi qua khu vực đường Phan Đình Phùng vào buổi tối giống như mê cung, ông Động cho rằng, đây là khu vực cây cối rậm rạp nên cũng muốn cho ánh sáng tăng lên.

"Lúc đầu, chúng tôi cũng định cho hoa vào để đẹp ban ngày, nhưng khi đi khảo sát thực tế thì thấy nó không phù hợp nên đã bỏ hoa đi rồi và chỉ có hoa đào ở giữa. Giờ cứ làm thử rồi chỉnh sửa tiếp", ông Động nói thêm.

Đối với khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, đây là các cây đào và hoa đào phải như vậy còn dàn hoa ở Lăng Bác là dàn hoa hồng.

Ông cũng nhấn mạnh, việc trang trí này là trang trí theo thời cuộc, chỉ trong thời gian ngắn để phục vụ dịp Tết, sau đó sẽ bỏ đi chứ không phải để mãi.

"Đây là trang trí thời cuộc nên chỉ cho mấy ngày Tết. Còn lần sau, nếu ai có sáng kiến gì, đến nộp sản phẩm cho Sở thì chúng tôi sẽ tổ chức thi. Ra Tết chúng tôi tổ chức thi sẽ ổn hơn.

Giờ mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh chứ bây giờ, về cái xấu, cái đẹp, cái thẩm mỹ thì mỗi người một ý, nhưng cũng có rất nhiều người khen đẹp và sáng sủa.

Giờ mọi người cũng nên ủng hộ để chúng tôi làm rồi góp ý một cách chân thành chứ đừng nên góp ý theo kiểu đám đông.

Chúng tôi vẫn đang lắng nghe dư luận để điều chỉnh phù hợp và đến bây giờ việc trang trí chưa xong", ông Động nêu rõ.

Làm đẹp từ tấm lòng của mọi người

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng khẳng định, việc trang trí, làm đẹp này là "từ tấm lòng của mọi người đóng góp vào. Nếu cứ chê thì ai người ta làm".

Về kinh phí thực hiện, theo ông Động là hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa chứ không lấy từ ngân sách Nhà nước.

Ảnh: FB Trần Tuyết Lan.
Ảnh: FB Trần Tuyết Lan.

"Nếu là tiền ngân sách bỏ ra làm thì dư luận có thể phê phán, nhưng đây hoàn toàn là chúng tôi đi kêu gọi mọi người đóng góp. Người thì đóng góp về thiết kế, người thì đóng góp về công, tiền cho từng gia đoạn, từng tuyến phố", ông Động bày tỏ.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng chia sẻ thêm, đôi lúc, với những người bỏ tiền ra tài trợ, người ta cũng muốn ý tưởng của cá nhân được thực hiện và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải cầm trịch, điều hòa.

"Phải giải quyết hài hòa giữ ba mối quan hệ của cơ quan quản lý Nhà nước, mong muốn của người tài trợ và lợi ích người dân. Đó là điều không đơn giản và ở đây, sẽ cứ làm rồi chúng tôi sẽ tiến hành điều chỉnh cho phù hợp", ông Động nói.

Đồng thời, ông cũng lấy ví dụ về việc trang trí tại khu vực bờ Hồ, một hãng nước giải khát nổi tiếng muốn tài trợ.

"Nhưng họ muốn đưa hình ảnh màu mè vào mà nếu mọi người chê thì họ cũng không đồng ý tài trợ nữa. Như vậy, cuối cùng chẳng ai được gì nên phải giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của người bỏ tiền, vẻ đẹp của phố được trang trí và quản lý Nhà nước.

Ba chỗ đó phải ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, làm sao vừa đẹp, có trang trí cho mọi người thưởng thức.

Đây là bài toán khó còn nếu ai giỏi vào đây cầm trịch, đưa ra phương án, chúng tôi làm ngay", ông nhấn mạnh.

Về quy trình thực hiện việc trang trí, ông Động khẳng định, đơn vị làm theo quy trình bài bản, từ ý tưởng đưa ra qua hội đồng xem xét rồi qua các cấp thẩm quyền phê duyệt.

"Trước hết, cơ bản là phải sạch sẽ, không vi phạm gì... còn thế nào là nhiều màu, lòe loẹt, diêm dúa là theo nhận thức của mỗi người.

Ở đây, cứ để cho người ta làm, dù thế nào cuối cùng chúng tôi cũng mong có sản phẩm đẹp ra ngoài phố",  Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội chia sẻ.

Về đài hoa trang trí ở đài phun tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (gần Hồ Gươm) mới được tạm dỡ bỏ, ông Động cho biết, ông đã yêu cầu nhóm tư vấn, thiết kế tham khảo các ý kiến góp ý của dư luận.

Sau đó, đưa ra phương án, làm trong xưởng và Sở sẽ mời các cơ quan, chuyên gia đến để bàn thảo, nếu đồng ý thì mới cho làm lại còn chưa được thì không cho làm.

Cũng theo ông Động, nếu được sự đồng thuận thì Tết này sẽ có lại đài hoa ở khu vực trên còn chưa đồng thuận thì chưa cho làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại