Đánh thắng B-52: 30 đến 60 phút quý giá, mang lại sự thần kỳ!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Trong tác chiến chống trả tập kích đường không, nắm địch sớm vài phút đã có cơ hội đánh thắng! Bộ đội radar còn làm được nhiều hơn thế, góp phần quan trọng đánh thắng B-52.

"Mắt thần nơi tuyến lửa"

Có một đơn vị radar đã làm nên thành tích chói sáng trong chiến dịch chống tập kích đường không tháng 12 năm 1972. Đó là Trung đoàn radar 291, đơn vị phát hiện tốp máy bay B-52 đầu tiên đánh ra Hà Nội, tối 18 tháng 12.

Nhưng ít người biết, trong tổng số gần 20 trận tập kích bằng B-52 ra Hà Nội, Hải Phòng, Trung đoàn này đều chủ động phát hiện xa, sớm cho “Tổng hành dinh” Quân chủng Phòng không - Không quân.

 
đại tá trần danh bảng
 

Có 10 tốp báo cách Hà Nội tới 900km, 56 tốp cách Hà Nội từ 500 đến 700km để hỏa lực phòng không đón đánh trước từ 30 đến 60 phút.

Trong tác chiến chống trả tập kích đường không, nắm địch sớm vài phút đã có cơ hội đánh thắng! Bộ đội radar còn làm được nhiều hơn thế, góp phần quan trọng đánh thắng B-52.

Đủ hiểu Hà Nội, Hải Phòng chủ động, can trường, như thế nào nhờ “mắt thần tuyến lửa”.

Với các chiến sĩ radar của Trung đoàn, sự yên ắng trong sáng 18 tháng 12 năm ấy là điều bất thường, cần cảnh giác. 12 giờ trưa, tổng trạm radar ghi được tình báo trên không, đường bay từ biển cắt qua Hải Phòng.

Nhận định, đây là tốp không người lái trinh sát trước trận đánh. Cũng lúc đó, trinh sát kỹ thuật ghi nhận sự tăng lên đáng kể tín hiệu liên lạc giữa các sở chỉ huy, xa, gần, rồi toàn hướng. Trên chỉ thị, các đơn vị cảnh giới cảnh giác cao.

Trung đoàn 291, lệnh cho đại đội 16 ở Diễn Châu (Nghệ An) mở máy theo phiên, chú ý giẻ quạt phương vị 220 đến 300.

16 giờ 40 phút, trên bản đồ thu mạng tình báo quốc gia xuất hiện hai tốp máy bay tiêm kích F-111 từ Sầm Tớ (Lào) bay về phía Yên Bái. Tình huống đó khiến trắc thủ radar Đại đội 16, tập trung quan sát phát hiện mục tiêu.

Thời gian chuyển từng khắc sang gần 19 giờ. Các trắc thủ thực hành vài thao tác, Tô Trọng Huy đài 843, và Phạm Quốc Hùng đài 514 khẳng định có nhiễu B-52. Trung đoàn trưởng Đỗ Năm, nhận tin gần như đồng thời.

Anh báo động mạng radar trung đoàn tăng cường cảnh giới. Lệnh đại đội 45 ở Vinh mở máy tăng cường đài P-35, một đài dẫn đường kiêm cảnh giới sử dụng sóng centimet.

Khi vòng quay dàn an ten đồ sộ P-35 vừa nhích vòng đầu tiên, thì đài P-12 sóng mét của đại đội 45 báo về, xuất hiện nhiễu. Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần có mặt từ lâu ở Sở chỉ huy báo ngay về trung đoàn: Có nhiễu!


Đài radar P-35 huyền thoại đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ảnh: Xuân Thắng.

Đài radar P-35 "huyền thoại" đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ảnh: Xuân Thắng.

Các trắc thủ hai đài, dạn dày kinh nghiệm trong tuyến lửa, “dị ứng” rất nhạy với hình thù nhiễu B52 từng gây ở Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng nước Lào.

Các anh so sánh với nhiễu B-52 mà trận đánh 1 năm trước, đài P-35 đã dẫn đường cho MiG-21 của phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng “B”  tại Nam Khu 4.

Rồi mới nhất, tháng 11 năm 1972, cũng thứ nhiễu B-52 này, che mắt trắc thủ tên lửa trung đoàn 263. Nó đã bị các anh vạch mặt, chỉ chuẩn cho tên lửa 263 bắn rơi 1 pháo đài bay nữa.

Nhưng… đài trưởng P35 Nghiêm Đình Tích đã nhạy cảm nhận ra, lần này tín hiệu “B” có gì khác thường. Dẫu đường bay này trùng khít với đường bay chúng đánh lên Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng trước đây.

Cường độ nhiễu nâng lên, màn trắng xóa. Tín hiệu không rõ ràng, lẩn trong hằng hà sa số các vân nhiễu tạp trên màn hình. Anh kiểm tra các máy thu, trong đó có tín hiệu thu từ cánh sóng mà góc tà tương ứng với độ cao tốp B-52.

Tích còn giữ núm VR, điều chỉnh tỷ lệ “tín” hiệu với “tạp” nhiễu, để chọn ra mức thu về phân biệt “tín” rõ nhất. Nhờ điều chỉnh các chế độ nâng cao của khí tài, trên nền nhiễu dày đặc thoắt ẩn, hiện chấm sáng lờ mờ của mục tiêu.

Lúc này hai trắc thủ đài P-35 là Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã thực hiện theo chức trách các thao tác theo quy trình chống nhiễu B-52. Trong một khoảnh khắc tính bằng giây, Phạm Hoàng Cầu đọc “tinh mắt” rõ ràng tọa độ tốp đầu tiên của B-52 vào ống nói.

Trắc thủ Nguyễn Văn Xích tay bật các chế độ màn hình, miệng cũng hô vang các mục tiêu rất mờ mà anh vừa thấy. Lúc này từ cán bộ tại sở chỉ huy, đến đài trưởng, trắc thủ, đại đội 45 nhìn chăm chăm vào từng mũi đường bay tiêu đồ vừa đánh dấu.

Nó không vòng lại! Trong tâm tưởng mọi người, nếu nó vòng lại ở tọa độ này, tương ứng với vạch dấu phương vị 290, thì đó là tốp B-52 đánh phá đất nước Lào như thường lệ.

Bây giờ nó đã vượt qua cái dấu mốc mà mọi “mắt thần tuyến lửa” đang cảnh giác. Mũi đường bay tiếp theo được đánh dấu trong khoảnh khắc, mà ai nấy thấy nó dài khác thường. B-52 đang bay về Tây Bắc nước Việt.

Đài trưởng Nghiêm Đình Tích nhìn thấy tín hiệu 3 chiếc “B” to hơn trên nền nhiễu, đúng vào lúc các tốp máy bay chiến thuật đi kèm, tung nhiễu trước đội hình, hướng lan ra địa bàn Tây Bắc. Anh khẳng định: Đúng B-52. Đang vào!


Nhờ được cảnh báo sớm, các đơn vị cao xạ, tên lửa, không quân chuyển cấp kíp thời, sẵn sàng đánh thắng B-52.

Nhờ được cảnh báo sớm, các đơn vị cao xạ, tên lửa, không quân chuyển cấp kíp thời, sẵn sàng đánh thắng B-52.

Mô tả thì chậm, nhưng thực chiến diễn ra rất nhanh. Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần cấp tốc báo về Sở chỉ huy Trung đoàn. Trung đoàn trưởng Đỗ Năm bình tĩnh hỏi lại: Xác định lại xem có đúng B-52 vào miền Bắc không?

Lúc này tốp mục tiêu đã vượt qua điểm đâu phương vị 300. Điện thoại hữu tuyến trao đi, đổi lại. Nén lồng ngực, trong sựu hồi hộp, đài trưởng Tích rành rọt: Đúng B-52! Mục tiêu sắp bay vào vùng trời miền Bắc!

Những tín hiệu âm tần gần như tức thì, líu ríu nối đuôi nhau vượt không gian bay về Tổng trạm radar quốc gia và Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ tại Hà Nội.

Nhật ký tác chiến và hồ sơ lưu: Chỉ huy binh chủng radar và chỉ huy phòng không quốc gia khẳng định, B-52 bay vào Hà Nội. Lúc đó là 18 giờ 50 phút ngày 18-12-1972.

Ngay sau đó toàn Quân chủng Phòng không - Không quân vào cấp 1, sẵn sàng nghênh chiến với Pháo đài bay B-52 không quân chiến lược Mỹ.

Giữa tháng 12 năm nay, gặp hai trắc thủ đài P-35 của đại đội 45, Trung đoàn 291 tháng 12 năm 1972 là Phạm Hoàng Cầu và Nguyễn Văn Sích, chúng tôi được các anh tiếp chuyện và nói về tình huống chiến đấu tối 18-12 căng thẳng, ác liệt ấy.

Phóng viên (PV): Xin hai anh kể về những giây phút đầu tiên phát hiện ra nhiễu và mục tiêu B52 tại trận địa Vinh năm ấy?

Nguyên trắc thủ Phạm Hoàng Cầu: Đại đội 45 trụ ở Quân khu 4 nhiều năm, chiến sự ác liệt, tại trận địa này đại đội chúng tôi đã từng 2 lần bị tên lửa cao tốc sơ-rai chuyên diệt radar của Mỹ bắn. Khí tài bị trúng đạn, hỏng anten rất nặng.

 
Phạm Hoàng Cầu
Nguyên giáo viên chiến thuật radar (Học viện Phòng không), nguyên trắc thủ đài radar P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291.

Trong bom, đạn, chúng tôi là các trắc thủ cọ sát với mục tiêu B52 nhiều lần, chúng tôi không chỉ nắm vững hình dạng nhiễu, mức độ mờ nhạt của nhiễu B-52 mà còn nhìn thấy nhiễu B-52 lẫn trong các loại nhiễu của máy bay chiến thuật.

Đó là nhờ thực tiễn thường diễn ra như thế, lại khổ công rèn luyện theo nhiều kíp trực.

Nhưng đúng là tối 18 tháng 12, nhiễu quá nặng. Màn hình trắng đục, rất khó để phân biệt mục tiêu đang di chuyển. Sau khi mở máy ít lâu, mắt quen dần, độ nhạy cảm thính lực tăng lên.

Tôi tập trung cao sự chú ý. Thấy nhiễu B-52 trùm phủ, nhưng để thấy tín hiệu B-52 trong nhiễu thì khó khăn hơn nhiều.

Khi đó chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, mắt rất tinh, nhưng tôi thấy rằng không chỉ nhìn bằng mắt, mà phải có óc phân tích rất nhanh.

Nếu diễn giải ra, thì hàng loạt các thao tác tư duy như so sánh, loại suy, tích hợp cùng lúc phải trả lời cho chuẩn “ Nó ở đâu? Có gì khác? Đúng nó không?

Tôi đã nhận ra bằng mắt và cả “linh cảm” rất rõ, trong nhiễu dày, đặc, lộn xộn là “chấm mục tiêu” sáng hơn các chấm sáng lao xao khác. Sau vài vòng quét, tôi lại thấy nó, nó di chuyển, đúng như tín hiệu B-52 chúng tôi đã trải nghiệm.

Tôi khẳng định với đài trưởng không chỉ một lần, mà tới hơn 2 lần rằng: Đúng là tốp B-52 đã vượt xa lên phía Bắc, vượt qua vạch dấu 290.

Tôi muốn nói thêm, việc bảo đảm kỹ thuật của chúng tôi rất tốt, phục vụ đắc lực chiến đấu. Chúng tôi không đề cao mình, nhưng quả thật, chúng tôi được cọ sát với tần suất bám máy rất cao. Lại được động viên kịp thời. Cấp trên đặt đài P-35 chúng tôi ở đây cũng là đắc địa.

PV: Xin các anh nói về những thao tác, những nỗ lực cao trong khai thác khí tài radar khi đó, để có thể phát hiện và liên tục theo dấu các tốp máy bay B-52.

Nguyên trắc thủ Nguyễn Văn Sích: Tuy ở tuyến lửa, nhưng chúng tôi được đào tạo trắc thủ và huấn luyện bài bản.

Chú tâm vào phát hiện “B”, nên với vị trí số 2, màn hình số 2 (quét ngang), tôi bật công tắc, đặt tỷ lên đường quét thích hợp với cự ly chúng tôi dự kiến có đường bay B-52, lên phía Bắc. Quả thực, tháng 12 năm ấy, cường độ nhiễu tăng lên chưa từng thấy.

 
NGUYỄN VĂN SÍCH
Nguyên Nguyên sĩ quan Tham mưu Sở chỉ huy Tổng trạm Radar, nguyên trắc thủ đài radar P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291.

Xen kẽ là nhiễu đủ loại của máy bay chiến thuật hộ tống “B”, lại còn nhiễu máy bay chuyên chế áp điện tử RB-66. Khi tốp mục tiêu nghi vấn vượt qua phương vị 290, tôi dãn tiếp tỷ lệ điểm dấu phương vị lên lớn (to) nhất.

Như thế toàn màn hình của tôi chỉ còn quan sát trong 30 độ nghi ngờ có B52 nữa thôi. Cái lợi là nhìn mục tiêu “tín trong tạp nhiễu” to hơn. Nhưng cả nhiễu và mục tiêu cũng bị mờ đi tương ứng.

Nhưng không đáng lo, do được rèn luyện, trực tiếp thấy tín hiệu “B” trước đó, nên tôi vẫn chú tâm, căng mắt, nghi hoặc, loại trừ và phát hiện ra tín hiệu B-52 trong nhiễu.

Như thế bằng cách nhận dạng, loại trừ và so sánh, tôi khẳng định với anh Tích, B-52 bay lên phía Bắc, không thể lầm lẫn và nghi hoặc. Sau ngày 18-12, chúng tôi liên tục phát hiện ra rất nhiều lần B-52, kịp báo sớm cho cấp trên, rồi báo về tổng trạm.

Chúng tôi rất mừng là mới đây nhất, đại đội trưởng đại đội 45 Đinh Hữu Thuần của chúng tôi được Nhà nước xét tặng Danh hiệu anh hùng LLVT. Vinh dự này có cả anh em chúng tôi.

PV: Tuy cả guồng máy, hệ thống trinh sát radar vào “tham chiến”, phát hiện máy bay B52, tất nhiên, người trực tiếp nhất, người đầu tiên đọc ra tọa độ máy bay đối phương là đội ngũ trắc thủ. Xin tôn vinh những trắc thủ radar và cảm ơn các anh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại