Thầy Đỗ Việt Khoa và TS Doãn Minh Đăng sẽ trả lời như thế nào?

Đức Hoàng |

Một môi trường tốt, đơn giản có thể là môi trường mà người cha, người chồng trong gia đình không cần phải chống lại bất kỳ điều gì để được sống đúng với bản thân mình.

Trong một bài phỏng vấn về lý do không trở về nước làm việc, nhân vụ tiến sỹ Doãn Minh Đăng có lùm xùm với nhà trường, một "đồng môn Olympia" khác, là Nguyễn Thành Vinh, nhắc đến vợ con.

Anh ở lại nước ngoài, để con cái được chăm sóc trong một môi trường tốt.

 

Tác giả Đức Hoàng
Tác giả Đức Hoàng

9 năm trước, khi thày giáo Đỗ Việt Khoa đứng lên chống tiêu cực trong thi cử tại Hà Tây, ông được xã hội tôn vinh và ủng hộ.

Nhưng không mấy giật mình nhớ ra rằng rằng đằng sau những lời ngợi ca ấy là số phận của những người yếu ớt hơn: Vợ và con của thày Khoa – những người vô can trong cuộc tranh đấu này.

9 năm sau những ồn ào, thày Khoa cũng đã được một ngôi trường mới đón về giảng dạy, tưởng rằng mọi thứ đã có thể trôi vào lãng quên.

Nhưng khi quay lại, chúng tôi vẫn bắt gặp em Thảo, con gái thày Khoa đang khóc trong căn bếp nhà mình.

Khi bố bắt đầu cuộc hành trình chống tiêu cực, Thảo vẫn còn là một cô bé, chưa hiểu chuyện gì. Nhưng bây giờ, cô đã trở thành một thiếu nữ, đã bắt đầu biết buồn đau trước những gì diễn ra.

Đó là một cô bé hồn nhiên và tươi tắn đúng với tuổi 19 của mình, nhưng nói đến chuyện của bố, Thảo lại khóc.

Thảo khóc vì mẹ đã bỏ về ngoại. Người phụ nữ bên cạnh thày Đỗ Việt Khoa đã chịu quá nhiều áp lực trong những năm ấy, người chồng đi đêm về hôm với những nhà báo, theo đuổi một cuộc sống mà bà vô can.

Thảo kể trong nước mắt, rằng mẹ vẫn biết bố làm việc tốt, nhưng thật lòng mẹ cũng không muốn thế.

Chẳng ai muốn sống trong cảnh bị dọa dẫm, bị quấy phá, thậm chí có người đến tận nhà đánh mình và con cái.


Em Hương Thảo - con gái thày Đỗ Việt Khoa, ngồi khóc trong căn bếp nhà mình. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Em Hương Thảo - con gái thày Đỗ Việt Khoa, ngồi khóc trong căn bếp nhà mình. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Tôi đã từng gọi điện cho một nhân vật nổi tiếng vì chống tiêu cực khác. Trao đổi trên facebook, anh rất hồ hởi nói rằng mình muốn chia sẻ để xã hội tốt đẹp hơn.

Nhưng rồi gọi đến số điện thoại của anh, người vợ nghe máy. Chị từ chối chuyển máy cho chồng. Phóng viên à? Không được đâu. Rồi cúp máy. Chúng tôi không cố gọi lại nữa, tự hiểu rằng điều gì đang diễn ra.

Hôm qua, trên mạng có những ý kiến sẻ chia với tiến sỹ Doãn Minh Đăng, nói rằng anh đừng nên trở thành một Đỗ Việt Khoa mới. Anh đang công khai chống lại nhà trường, và điều đó có thể dẫn anh đi lại con đường mà thày Khoa đã đi.

Có thể đó là mối lo cường điệu. Nhưng dù ở cấp độ nào, việc đương đầu với hệ thống cũng tạo ra những tâm lý chẳng hay ho. Thôi thì người tự đứng ra đối đầu, họ chịu trách nhiệm. Nhưng còn những người không liên can, còn vợ, còn con, còn cha mẹ già.

Những người trưởng thành trong một môi trường giáo dục ngoài Việt Nam rất dễ xung đột với hệ thống – một lý do đơn giản là triết lý giáo dục, và phương pháp quản lý hành chính của Việt Nam rất đặc thù.

Đặc biệt là về mặt hành chính, có nhiều điểm nước ta khác biệt căn bản về lý thuyết so với các nước phương Tây. Không nói xấu hay tốt (có thể nền quản trị của chúng ta tốt hơn?), nhưng xung đột là điều rất dễ xảy ra.

Nguyễn Thành Vinh, cũng như rất nhiều nhân tài khác đã chọn được giải pháp tối ưu là làm việc tại nước ngoài.

Họ vẫn đóng góp cho tri thức chung của nhân loại, chưa kể kiều hối. Con cái họ tránh được cái nguy cơ "tên bay đạn lạc" từ những xung đột mà cha mình mang tới.


Gia đình hạnh phúc của Nguyễn Thành Vinh

Gia đình hạnh phúc của Nguyễn Thành Vinh

Cái mâu thuẫn giữa hạnh phúc riêng và lợi ích công, những điều mà một cá nhân cho là đúng đắn với xã hội và những điều có lợi cho gia đình anh ta, đã được bàn nhiều trong lịch sử. Đôi khi, cái biện bạch rằng "tôi còn vợ còn con" bị lên án.

Nhưng làm con người có trách nhiệm, đặc biệt là người đàn ông có tự ái, thì việc phải "thế chấp" cả hạnh phúc của những người thương yêu để đi con đường của mình, mạo hiểm đánh đổi nó, là vô cùng khó.

Tôi rất muốn hỏi thày Đỗ Việt Khoa, tiến sỹ Doãn Minh Đăng rằng nếu có điều kiện, thày có tham gia vào cái lực lượng đang chi hơn 3 tỷ USD mỗi năm để đưa con ra nước ngoài hay không.

Có thể câu trả lời rất dễ tưởng tượng. Giống câu trả lời của Nguyễn Thành Vinh.

> GS Châu không thể có Bổ đề cơ bản nếu đi xe máy chen lấn ở HN
> Quán quân, Á quân đồng loạt lên tiếng chuyện về nước làm việc
> Cựu thí sinh Olympia: Mong anh Đăng đừng là thầy Khoa thứ 2!
> Thầy "luyện gà" Olympia: "Mấy ông bà quản lý sốc văn hóa"
> Á quân Olympia nêu lý do không trở về nước làm việc

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại