Quán quân Olympia nói về những cú sốc để quyết định không về

Hoàng Nguyên Vũ |

Đỗ Lâm Hoàng cho rằng: “Nếu về để không được là chính mình, mà trở thành một kẻ cơ hội, không giúp đất nước phát triển mà chỉ để vinh thân phì gia thì thà chúng tôi ở lại...”.

Đỗ Lâm Hoàng là quán quân mùa thứ 5 cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Không đi theo hướng nghiên cứu nhiều thí sinh Olympia khác, Hoàng theo hướng ứng dụng khi theo học ngành viễn thông ở Úc.

Hiện nay, anh có một cuộc sống khá ổn định ở xứ sở Kangaroo, với công việc của một chuyên viên mạng di động không dây của Sở giáo dục bang Victoria.

Hai vợ chồng Hoàng đều là du học sinh Việt Nam. Vài ngày nữa, họ sẽ chào đón đứa con gái đầu lòng ra đời.

Dù bận bịu với công việc, và chuyện gia đình, nhưng Hoàng vẫn dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn để đưa ra một qua điểm khác biệt, từ vụ Doãn Minh Đăng.


Đỗ Lâm Hoàng (trái) trong Lễ tốt nghiệp

Đỗ Lâm Hoàng (trái) trong Lễ tốt nghiệp

Những cú sốc đi đến quyết định ở lại

Anh có thấy mình trong hình ảnh của đàn anh Doãn Minh Đăng không?

Không chỉ tôi, mà bất cứ du học sinh nào cũng dễ nhìn thấy mình trong đó.

Tôi nhớ, khi sang Úc, một năm đầu tiên tôi nói chuyện với mọi người tôi rất vòng vo, không bao giờ đi thẳng vào vấn đề.

Các thầy cô của tôi cảm thấy rất lạ. Năm thứ 2 thứ 3, tôi được dạy rằng, trong công việc muốn gì thì nói thẳng ra và công việc phải hành xử bình đẳng.

Chúng tôi được đào tạo để đối diện và chịu trách nhiệm, được làm việc mình học và được là chính mình trong các ứng xử công việc.

Tôi nghĩ Việt Nam có trọng dụng nguồn nhân lực như chúng tôi không? Và nếu trọng dụng, thì sử dụng nó như thế nào?

Thực tế, chúng tôi ai đi cũng muốn quay về cả. Nhưng nếu quay trở về mà mục đích sử dụng khác với những gì chúng tôi được đào tạo thì chúng tôi đi học về làm gì? Lúc đó, chúng tôi sẽ không còn nhân lực chất lượng cao.

Giữa về và ở, tôi thấy câu hỏi đó không được tính bằng ngày mà là được tính bằng thời gian khi chúng tôi quyết định đi du học cho đến khi đưa ra quyêt định cuối cùng.

Đi theo diện học bổng của quán quân, học bổng đó của anh có bị ràng buộc nghĩa vụ “phải trở về”?

Không. Học bổng của các quán quân Olympia không có bất cứ ràng buộc gì. 35.000 USD là phần thưởng cho người vô địch từ nhà tài trợ. Phần thưởng ấy thực ra là một phần sinh hoạt phí.

Còn học bổng lớn nhất là học bổng học phí, cho 4 năm học ở Úc, mỗi năm từ 20.000 đến 40.000 USD, học bổng này do trường đại học ở Úc cấp. Nên khi chúng tôi đi, không bắt buộc phải về hay không.

Khác với Minh Đăng, “dù muốn về” nhưng anh chọn ở lại. Vậy anh ở lại vì những lý do cụ thể nào?

Khi tôi đi du học, tôi cũng xác định đi là để trở về chứ không phải không quay về.

Có nhiều sự việc xảy ra ngay từ trước khi tôi đi. Và trong quá trình học cũng gặp những người bạn đi học quay về trước tôi, và quan trọng nhất là khoảng thời gian 3 tháng tôi trở về sau khi học xong.

Trước khi tôi đi, tôi cũng đã bị sốc rồi.

Từ khi tôi đạt giải vô địch Olympia, tôi có 10 tháng ở Việt Nam. Trong thời gian đó, tôi đã vào đại học nhưng bảo lưu kết quả để luyện tiếng Anh cho ngày đi du học.

Ở nơi tôi ở lúc đó, các bác ở phường yêu cầu tôi đi khám nghĩa vụ quân sự, tôi cũng đi vì đó là nghĩa vụ. Tôi có trình bày là tôi vẫn đang học đại học, có giấy bảo lưu kết quả, đang học tiếng Anh để chuẩn bị đi du học.

Đấy là chưa kể, tôi có một bức thư của lãnh đạo thành phố, nói rằng trong thời gian tôi học tiếng Anh đi du học, có khó khăn gì thì cứ liên hệ để được tạo các điều kiện để đi học.

Dù tôi đưa ra tất cả các lý do có thật là tôi đang bảo lưu kết quả đại học và đang chuẩn bị đi du học, thì phường cũng không chấp nhận. Họ nói tôi phải đi nghĩa vụ.

Ngày tôi phải đi nghĩa vụ quân sự cũng gần với thời gian nhập học. Lúc đó tôi thực sự hoang mang vì mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy, mất cơ hội là mất tất cả.

Tôi đưa tất cả mọi thứ về việc tôi đang trong chương trình học hành ra mà gần như không được giúp đỡ.

Nếu xét theo luật, tôi thuộc diện sinh viên đang học tập, du học sinh đi du học với thời hạn trên 12 tháng, tức là thuộc chế độ tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Tôi đưa tất cả các giấy tờ ra chứng minh nhưng các anh ở phường không chấp nhận.

Tôi kiên nhẫn gọi cho thư ký của lãnh đạo từng gửi thư cho tôi. Hơn 20 cuộc gọi cuối cùng tôi cũng gặp được người thư ký và trình bày các vấn đề của mình.

Vị lãnh đạo đã xác định tôi có lý do là vẫn đang là sinh viên đại học và có giấy tờ gọi du học khi làm việc với phường.

Trong suy nghĩ của một đứa trẻ mới lớn, dù muốn dù không, việc ứng xử đó của phường cũng tác động đến tâm lý của tôi. Nhất là suy nghĩ có nên về nước khi du học xong hay không

Tạm gọi đó là cú sốc nhỏ của một cậu học sinh. Nhưng nó đâu đã đủ cho một quyết định lớn?

Vâng, có rất nhiều chuyện đã đưa tôi đi đến quyết định.

Năm thứ 4 đại học, tôi đi thực tập với Sở giáo dục của bang Victoria, với vị trí chuyên viên mạng không dây.

Khu vực tôi vào thực tập, có một dự án dành cho mỗi trường, để nâng cấp hệ thống wireless tầm 60.000 USD cho mỗi trường. Sếp tôi lúc đó, nắm rất chắc phần mạng có dây. Còn mạng không dây tôi nắm nhiều hơn.

Sau khi tôi họp cùng sếp và những người cung cấp mạng không dây, sếp tôi kêu rằng sự hiểu biết về mạng không dây của tôi rất lớn, cho nên cho tôi làm chuyên viên mạng không dây và có nhu cầu gì cần hỗ trợ thì yêu cầu trực tiếp.

Sếp đưa cho tôi làm vị trí kết nối với những nhà cung cấp và quyết định việc thử nghiệm thiết bị. Tôi học được rất nhiều từ đó.

Tôi có một buổi nói chuyện thẳng thắn với sếp về việc tại sao trước đó, ông ấy có thể giao công việc quan trọng cho một sinh viên thực tập như tôi.

Ông bảo: “Tôi thấy bạn hiểu biết rất sâu vào vấn đề này. Tôi tin tưởng bạn có trách nhiệm với công việc nên tôi rất tự tin giao công việc này cho bạn”.

Tôi hỏi tiếp: “Như ở nước tôi, sếp quyết định hết mọi thứ. Vậy tại sao ở đây ông không quyết định mọi thứ mà ông để cho tôi quyết định?”

Ông nói: Nếu có chuyện đó cũng lạ thật. Tôi cũng nói cho anh biết người quản lý không phải là người biết tất cả mọi thứ. Mà người quản lý phải là người biết trong tay họ có những nhân viên như thế nào và họ phải biết sử dụng nhân viên của họ.

Sau buổi đối thoại đó, tôi nghĩ rằng, chọn con đường ở lại có thể sẽ tốt hơn cho tôi.


Nói chúng tôi sợ về là coi thường chúng tôi quá (Đỗ Lâm Hoàng)

"Nói chúng tôi sợ về là coi thường chúng tôi quá" (Đỗ Lâm Hoàng)

Có thể với những người nghiên cứu khoa học, về Việt Nam ít có cơ hội nhưng ngành viễn thông mà anh đang học, về Việt Nam thì vô cùng nhiều cơ hội chứ?

Đấy mới là vấn đề.

Khi tốt nghiệp xong, tôi có về Việt Nam 3 tháng. Tôi có gặp một vài người trong tập đoàn Viettel, cũng là dân du học về và tôi chưa nộp đơn xin ở lại nước Úc.

Lúc đó, họ cũng đang có đấu thầu dự án mạng 3G ở Lào và Campuchia. Cơ hội của tôi khá lớn, còn nước Úc lúc đó đang suy thoái.

Bạn tôi có nói với tôi: Nếu em tốt nghiệp rồi, bên này đang cần kỹ sư mạng không dây. Em về thử làm với bọn anh.

Qua trao đổi, có một điều, bạn bè tôi chỉ ra các cơ hội làm việc thì rất tốt. Nhưng ai cũng thòng lại một câu cuối cùng:

“Em về Việt Nam làm, có nhiều cái khác biệt so với nước ngoài. Khác biệt lớn nhất là: trong giao tiếp, có những cái em biết đôi khi em cũng không nên nói. Và nếu có biết cũng thể hiện lập lờ như mình không biết”.

Lời khuyên thứ 2 thực sự làm tôi phải thay đổi suy nghĩ để không về là:

“Các em còn trẻ nên khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn, các em không nên thể hiện sự hiểu biết của mình”

Lúc đấy, tôi nghĩ tôi vẫn còn là một đứa trẻ, mà được dạy như thế tôi thấy rất phức tạp. Sau bao nhiêu năm đi học ở đây, làm quen với môi trường ở nước ngoài, nghe những điều ấy tôi thực sự thấy sốc tâm lý.

Rồi khi tôi đi thực tập đã quen với kiểu làm việc đấy rồi. Còn nếu về Việt Nam, nếu không được sống thật với con người của mình, sẽ rất khó cho tôi.

Vậy vấn đề ở đây là do “Không được là chính mình?”

Ở Việt Nam có cái hay đó là quê hương, là văn hóa, là ngôn ngữ của mình. Làm việc không bị áp lực và cơ hội thăng tiến nhiều.

Tuy nhiên, môi trường làm việc cũ kỹ, cơ chế cứng nhắc và có một số thứ chưa thực sự minh bạch. Để thành công, ngoài khả năng chuyên môn, còn nhiều cái khác mà không phải ai cũng thích nghi.

Đó là việc che dấu con người thật và hy sinh một số tự do cá nhân, một thứ rất quan trọng trong yếu tố con người.

Nhưng ở nước ngoài cũng có những nỗi khổ: Không được sống trong môi trường quen thuộc, không nói tiếng Việt, văn hóa khác biệt.

Rồi xa gia đình, bạn bè. Nhiều khi muốn ăn bát phở phải đi hàng trăm cây số.

Làm việc cạnh tranh cao, môi trường bận rộn và nhiều thử thách. Chúng tôi muốn tồn tại ở đó, phải cố gắng cao độ, vượt qua các rào cản văn hóa, ngôn ngữ.

Tuy nhiên, môi trường làm việc minh bạch, không đòi hỏi bôi trơn này nọ nên chúng tôi luôn được là chính mình.

Nếu như chúng tôi bắt buộc phải về và không có lựa chọn khác, thì chúng tôi phải quay về và có thể hy sinh một phần con người thật con người thật của mình.

Nhưng nếu cả 2 nơi đều cho chúng tôi công việc và thu nhập giống nhau, thì nơi nào cho phép chúng tôi được sống là mình, đương nhiên chúng tôi sẽ lựa chọn.

Bởi vì, khi được là mình, thì mình được làm việc một cách thoải mái và được sống thực sự, chứ không phải là tồn tại với công việc.

"Đừng nghĩ chúng tôi sợ về"

Người tự tin và giỏi thì đâu biết sợ, hoặc chí ít phải vượt qua nỗi sợ chứ?

Ở lại hay về, cá nhân tôi đều phải đánh đổi. Tuy nhiên, cá nhân tôi phải tự hỏi, về để làm gì và về để làm được gì? Ở để làm gì và ở để làm được gì?

Nếu về mà trái ngành nghề, làm việc không có lợi cho cộng đồng, về để mà vinh thân phì gia mặc kệ cộng đồng thì thà đừng về còn hơn.

Nếu trở về mà không làm cho đất nước mình tốt hơn được, không đóng góp được những gì tốt hơn thực tế, thì tôi nghĩ rằng không nên trở về làm gì mà cứ ở nước ngoài học hỏi, tích lũy cho mình được cả cả kinh tế, tài chính, kiến thức, kỹ thuật.

Chúng tôi về là để cống hiến, để làm việc chứ không phải về nắm bắt cơ hội để trở thành kẻ cơ hội.

Đã không đóng góp được gì cho đất nước mà còn làm cho mọi thứ rối loạn hơn thì tôi nghĩ, không nên trở về.

Đừng nghĩ chúng tôi sợ về, vì như thế coi thường chúng tôi quá. Lúc này đây, tôi thấy việc ở lại đang tốt cho chúng tôi và cho đất nước

Ngay trong bản thân công việc, có bao giờ anh so sánh sự phát triển của ngành viễn thông giữa Việt Nam và Úc, để rồi phải cân nhắc kỹ khi ở 1 trong 2 môi trường?

Khi tôi làm ở Úc, tôi có nghĩ tới cái đề án tin học hóa nhà trường ở Việt Nam bị thất bại và Việt Nam mất rất nhiều tiền của cho đề án ấy.

Sở giáo dục của bang nơi tôi làm, họ cũng có một dự án tương tự từ 17 năm trước. Cho đến bây giờ, họ tiêu tốn cho dự án tin học hóa chính phủ, mỗi năm 15 tỷ đô la.

Tất cả giáo viên và học sinh ở đây đều trao đổi mọi thứ qua hệ thống internet.

Họ sử dụng ngân sách cho dự án trái ngược hẳn với đề án của Việt Nam khi tôi được đọc. Đề án của Việt Nam tiêu 4000 tỷ đồng nhưng hơn 75% tiêu tốn dành cho máy móc.

Có thể, Việt Nam hơi sai cho sự phân bổ này khi mà họ đề cao mua sắm máy móc và trang thiết bị mà họ chưa lưu ý đến con người vận hành máy móc thiết bị ấy.

Chính phủ Úc trong 15 năm rất thành công. Trong 15 tỷ đô hàng năm thì hơn 10 tỷ đô họ để trả tiền cho các kỹ sư, nhà cố vấn, các buổi tập huấn giảng dạy và các buổi hội thảo.

Những người của hệ thống đến từng trường, từng khu vực, họ đều là những kỹ sư chất lượng cao chứ không phải học qua quýt và con ai cháu ai cũng có thể vào một cách dễ dãi được.

Vậy trong tương lai khi mọi thứ thuộc về cơ chế và tư duy khác đi, anh sẽ về chứ?

Tôi vẫn nghĩ tôi sẽ trở về.

Hiện tại tôi cũng đang có những kế hoạch ấp ủ trở về Việt Nam. Đồng thời, khi tôi đang làm việc ở đây, có một số dự án nhỏ nhỏ nhưu phát triển một vài phần mềm hay một vài hệ thống cho một số khu vực, tôi muốn tham gia.

Thực tế, tôi thán phục anh Đăng vì anh học xong, anh trở về ngay từ đầu. Đó là lựa chọn dũng cảm. Tôi nghĩ anh Đăng mang hoài bão đưa những kiến thức của thế giới về dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Anh Đăng là một nhà khoa học được học rất sâu chuyên môn của anh. Những bài viết của anh ấy, những nghiên cứu của anh đã được nhiều cơ sở của Mỹ sử dụng.

Nhưng tôi đi theo hướng ứng dụng, không phải nghiên cứu, về Việt Nam sẽ có nhiều cái để làm. Và rất nhiều người trong chúng tôi cũng muốn trở về Việt Nam.


Đỗ Lâm Hoàng cùng mẹ và gia đình

Đỗ Lâm Hoàng cùng mẹ và gia đình

Nghĩ đến hai chữ thế hệ, anh muốn nói điều gì?

Mỗi một thế hệ có một sự khác biệt và càng ngày sự khác biệt càng nhanh và càng lớn. Ngày xưa, 10 năm một thế hệ. Nhưng ngày nay, 3-5 năm đã sản sinh ra một thế hệ với tư duy mới rồi.

Giữa các thế hệ luôn xảy ra mâu thuẫn. Có những cái thế hệ đi trước đúng. Có những cái thế hệ đi sau đúng.

Tôi nghĩ rằng, các thế hệ đi trước đã hy sinh rất nhiều, đã chấp nhận là những người khai phá, trải qua nhiều khó khăn thử thách.

Thực sự, chính họ cũng là những người dấn thân, họ có những lỗi lầm, trả giá là điều tất yếu.

Nhưng đã sai lầm rồi thì nói ra cho thế hệ đi sau tránh bằng trách nhiệm của người đi trước. Đồng thời hãy tin tưởng vào thế hệ đi sau.

Có thể thế hệ đi sau có những đổi mới mà thế hệ đi trước khó thấy chấp nhận. Nhưng đó là sự phát triển tất yếu.

Và chấp nhận cả những sai lầm thế hệ đi sau, tin tưởng, cho họ cơ hội thử và làm được những cái đúng thế mạnh và tư duy của họ. Họ có sai, họ tự sửa và phát triển.

Chứ đừng tự tạo ra những khuôn mẫu cứng rắn và bắt thế hệ đi sau phải chui vào cho lọt cái khuôn đó. Và bản thân những người đi sau họ cũng rất khó để chấp nhận điều đó.

Một đứa trẻ dễ bị stress và không thể phát triển nếu cha mẹ của đứa trẻ quản thúc và bắt chúng đi theo quan niệm đôi khi cũ kỹ và hà khắc của người lớn.

Nếu các bậc đi trước muốn thế hệ con cháu phát triển, hãy cho chúng tôi không gian để tự phát triển. Hãy chấp nhận cho chúng tôi tiếp thu cái mới. Hiểu tâm tư của chúng tôi và có sự bao dung trong ứng xử.

Còn với thế hệ chúng tôi, tôi cũng muốn nhắn nhủ: Đừng ép thế hệ cha mẹ mình phải chấp nhận những điều quá mới mẻ một cách quá dồn dập.

Phải tích cực lắng nghe, tôn trọng những ý kiến đúng đắn của các thế hệ trước và cũng đối diện với chính lỗi lầm của mình mà sửa đổi.

Và cả hai thế hệ nên mở lòng ra với nhau, bù đắp cho nhau và giúp đỡ nhau để phát triển

Vậy câu chuyện của Doãn Minh Đăng, theo cách hiểu của anh là “thế hệ sau bị ép vào một cái khuôn” như đề cập ở trên?

Đúng vậy. Vì những người như anh Đăng được giáo dục ở nước ngoài, thường được học những văn hóa ứng xử kiểu phương Tây.

Họ nói thẳng, nói thật và minh bạch mọi thứ. Và muốn được là chính mình.

Bên trường, vẫn là vấn đề đường lối, chính sách, tư duy hơi cũ kỹ. Bắt lớp trẻ ép vào, ắt có phản ứng. Và phản ứng đó đã xảy ra ngoài khả năng kiểm soát của cả hai bên.

Điều đó thật đáng tiếc!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

> GS Châu không thể có Bổ đề cơ bản nếu đi xe máy chen lấn ở HN
> Quán quân, Á quân đồng loạt lên tiếng chuyện về nước làm việc
> Cựu thí sinh Olympia: Mong anh Đăng đừng là thầy Khoa thứ 2!
> Thầy "luyện gà" Olympia: "Mấy ông bà quản lý sốc văn hóa"
> Á quân Olympia nêu lý do không trở về nước làm việc

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại