Nếu đem MiG-31 vào Syria, Nga sẽ công khai thách thức Mỹ - NATO

Hải Ngọc - LifeCare |

Thông tin cho rằng Nga có thể triển khai thêm trực thăng tấn công Ka-52 và tiêm kích đánh chặn hạng nặng Mig-31 tới Syria là không hợp lý.

LTS: Như vậy là câu hỏi thảo luận "Nga có đưa tiêm kích MiG-31 và trực thăng Ka-52 đến Syria?" đã khép lại với 2 bạn đọc được trao thưởng lớn gồm Hải Ngọc và LifeCare. Chúng tôi trân trọng giới thiệu các bài bình luận hết sức đặc sắc này cùng bạn đọc.

SYRIA KHÔNG CẦN VÀ KHÔNG PHẢI LÀ ĐẤT DIỄN CỦA MIG-31 VÀ KA-52

Dù mang nhiều tính năng chiến đấu không tồi, nhưng lại mang những đặc điểm của phương thức tác chiến cũ thời Liên Xô, thông tin cho rằng Nga có thể triển khai thêm trực thăng tấn công Ka-52 và tiêm kích đánh chặn hạng nặng Mig-31 tới Syria là không hợp lý.


Tiêm kích hạng nặng MiG-31 của Không quân Nga.

Tiêm kích hạng nặng MiG-31 của Không quân Nga.


Ka-52 và Mig-31 phù hợp với chiến tranh tổng lực 

Thiết kế của cả Mig-31 là tiêm kích đánh chặn phòng không hạng nặng với mục đích tìm kiếm và tiêu diệt các dòng máy bay ném bom, trinh sát, tác chiến điện tử của đối phương.

Điều này được minh chứng bằng việc Mig-31 có tốc độ cao, ra-đa hàng không công suất lớn, tầm quét rộng và các loại đạn tên lửa không đối không tầm xa.

Mục tiêu chính là Mig-31 là các mục tiêu giá trị cao, dễ bị tổn thương, chứ không phải là các máy bay chiến thuật. Điều này cũng tương tự với trực thăng tấn công Ka-52.

Được thiết kế chính với nhiệm vụ đột kích nhanh các nhóm xe thiết giáp của đối phương bằng pháo hàng không, rocket và tên lửa có điều khiển, Ka-52 phù hợp chiến trường quy mô hay chiến tranh tổng lực, thậm chí là một phần trong tác chiến trong đô thị.

Tốc độ cao, khả năng thao diễn trên không cực tốt và khối lượng vũ khí mang theo không dòng trực thăng tấn công nào trên thế giới có thể so sánh, Ka-52 chính là mũi nhọn đột kích trên không vào các nhóm phương tiện cơ giới. Sau đó sẽ nhanh chóng thoát ly.


Trực thăng Ka-52 của KQ Nga thích hợp cho chiến tranh tổng lực trên chiến trường rộng lớn.

Trực thăng Ka-52 của KQ Nga thích hợp cho chiến tranh tổng lực trên chiến trường rộng lớn.

Chiến trường Syria lại cần những yếu tố khác

Hình thái chiến trường hiện nay ở Syria không phải là chiến tranh tổng lực và Mig-31 cũng không có “đối tượng tác chiến chính” của mình. Mặc khác, diện tích đất nước Syria cũng không cần thiết phải sử dụng một máy bay tiêm kích đánh chặn chuyên nghiệp như Mig-31.

Ở Syria, Nga đã chọn phương án Su-30SM, một máy bay tiêm kích đa nhiệm thiên về đánh chặn phòng không làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời và hộ tống các máy bay cường kích thực hiện nhiệm vụ là hoàn toàn hợp lý.

Nga có thể khai thác tối đa ưu thế về chí phí sử dụng, đồng thời thử nghiệm khả năng chiến đấu và quảng cáo vũ khí.

Về trực thăng vũ trang, Nga chọn các dòng trực thăng Mi-24/M-28 là do ở Syria không có các nhóm cơ giới lớn hoặc đối phương tác chiến ở mức chính quy để làm mục tiêu cho Ka-52.

Cái cần là dòng trực thăng tin cậy, hoạt động lâu trên không, khả năng sống sót cao để duy trì áp lực ở trên không và yểm hộ mặt đất, nhiệm vụ này rõ ràng thích hợp với các dòng trực thăng Mi-24/Mi-28 hơn.

Ngoài ra, việc Nga chọn họ trực thăng quân sự “nhà Mil” còn vì: 

- Trực thăng Mi-24/Mi-28 được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ đổ bộ (Mi-24) và hỗ trợ hỏa lực mặt đất ở quy mô nhỏ. Khả năng sống sót của các dòng trực thăng Mi-24/Mi-28 đã được khẳng định ở chiến tranh bất đối xứng tương tự như Syria là Chesnya.

Điều này đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là hạn chế thấp nhất khả năng thiệt hại về sinh mạng người lính của Nga tại Syria.

- Thực tế, Iraq đã mua trực thăng Mi-24/Mi-28, việc Nga tiếp tục sử dụng dòng vũ khí này tại Cận Đông sẽ giúp quảng cáo hơn nữa cho dòng vũ khí này của Nga tại thị trường chịu chi cho mua sắm vũ khí như Trung Đông.

- Việc triển khai các loại vũ khí cùng họ cũng rất hợp lý ở chiến trường xa nước Nga như Syria. Việc này sẽ giúp đơn giản hóa công tác bảo dưỡng, sữa chữa, hậu cần và chi phí sử dụng.

- Chiến lược của Nga hiện tại vẫn là can thiệp một cách hạn chế tại Syria nên việc triển khai đồng thời quá nhiều khí tài quân sự tại Syria không chỉ tạo gánh nặng về kinh tế, mà còn tạo ra hình ảnh xấu về một nước Nga hiếu chiến…

Hải Ngọc

NGA ĐEM MIG-31 VÀO SYRIA LÀ CÔNG KHAI THÁCH THỨC MỸ - NATO

Nga có đưa tiêm kích MiG-31 và trực thăng Ka-52 đến Syria? Có thể khẳng định ngay là: Không. Có vài lý do như sau:

MIG-31 và Ka-52 không phù hợp với mục đích chiến trường ở Syria bởi ở đây không có mối đe dọa thực sự đối với quân đội Nga và cuối cùng quan trọng nhất là Nga không muốn công khai đối đầu với NATO.


Nhiều khả năng Nga sẽ không đưa cả MiG-31 và Ka-52 sang tham chiến ở Syria.

Nhiều khả năng Nga sẽ không đưa cả MiG-31 và Ka-52 sang tham chiến ở Syria.

Thứ nhất, máy bay MIG-31 là máy bay đánh chặn tầm xa, thao diễn kém. MIG-31 chỉ phù hợp cho mục đích tuần tiễu, bắn hạ bất cứ vật thể bay nào từ xa.

Có thể nói MIG-31 như dàn S300. MIG-31 và kể cả MIG-31BM không phù hợp để hộ tống các máy bay cường kích hay tiêm kích ném bom để tránh các mối đe dọa từ trên không.

Các mối đe dọa dưới mặt đất thì không phải nhiệm vụ của MIG-31 áp chế nó. Nhiệm vụ này là của chính các máy bay cường kích, thì cần gì phải MIG-nữa.

Tương tự như vậy Ka-52 dùng cho hải quân là chính, dùng trên bộ không phù hợp, hơn nữa nó là máy bay yểm trợ cận chiến, nếu dùng trên bộ.

Ka-52 chủ yếu dùng để diệt tăng, thiết giáp đối phương và các chốt phòng thủ kiêm cố, nó không thể truy kích các nhóm quân nhỏ lẻ, việc này là của chính Mil Mi 24.

Thứ hai, mối đe dọa trên không là các máy bay NATO, tuy nhiên các máy bay này cũng không mạnh về không chiến và các máy bay Nga đưa sang Syria, khả năng không chiến tốt và đặc biệt là Su-30SM rất mạnh về không chiến.

Mặt khác va chạm giữa máy bay NATO và Nga về lý thuyết là có, nhưng về thực tế coi như bằng không. Không có nước nào trong NATO kể cả Mỹ muốn và dám công khai thách thức quân sự Nga.

Lý do quan trọng cuối cùng là Nga và NATO không bên nào muốn công khai việc đối đầu ở Syria. Cuộc chiến hiện nay ở Syria thực chất là cuộc chiến ủy nhiệm, là sự đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO do Mỹ cầm đầu, nhưng công khai lại là việc khác.

Nó kéo theo hậu quả vô cùng tàn khốc “Lưỡng bại câu thương” mà không bên nào muốn. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga đem các máy bay MIG-31 vào Syria chính là công khai thách thức đối đầu với NATO.

LifeCare

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại