Họ Phan được ông Ban Ki Moon tìm đến: Những tên tuổi lẫy lừng

Long Nguyễn - Đình Tuệ |

Từ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19, hiếm có dòng họ nào có nhiều thế hệ cùng đỗ đạt và giữ các chức vụ cao cấp trong triều đình phong kiến như dòng họ Phan Huy.

Xứng danh "dòng họ khoa bảng"

Sự kiện ông Ban Ki Moon – TTK LHQ có chuyến thăm viếng tới nhà thờ họ Phan Huy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) hồi tháng 5 vừa qua đang thu hút sự quan tâm cao của dư luận.

Tuy thực hư câu chuyện ông Ban có phải là hậu duệ của dòng họ Phan Huy nổi tiếng hay không vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng những dữ liệu từ lịch sử đã cho thấy rằng, gia thế và truyền thống của dòng họ này thật rất đáng tự hào.

Theo tìm hiểu của PV, tại ngôi nhà thờ họ Phan Huy tại thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn hiện còn lưu giữ được rất nhiều hình ảnh, cứ liệu về truyền thống khoa bảng mà đến nay vẫn còn vang mãi.

Điểm đáng chú ý, chính là việc có nhiều người dòng họ Phan Huy cùng giữ các chức vụ cao cấp trong triều đại phong kiến. 

Ba trong số các nhân vật nổi tiếng đó phải kể tới đó là cụ Phan Huy Chú, con trai của cụ Phan Huy Ích và là cháu nội của cụ Phan Huy Cẩn.


Ông Phan Huy Thanh thắp hương tại nhà thờ và kể cho PV nghe về truyền thống khoa cử của dòng họ mình (Ảnh: Đ. Tuệ)

Ông Phan Huy Thanh thắp hương tại nhà thờ và kể cho PV nghe về truyền thống khoa cử của dòng họ mình (Ảnh: Đ. Tuệ)

Chia sẻ với PV, ông Phan Huy Thanh – hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Phan Huy cho biết:

  "Đây là một điều mà bất cứ ai trong dòng họ chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân, nhằm nhắc nhở đối với con cháu sau này”.

Ông Thanh cũng bộc bạch, cá nhân ông theo nhiều tìm hiểu.cũng thấy rất hiếm dòng họ nào ở Việt Nam có tới cả 3 vị tiến sĩ gồm ông nội, cha và con đều ra làm quan to phục vụ trong cùng 1 triều đại phong kiến, mà cụ thể là triều Tây Sơn.

Theo sử cũ chép lại và hiện vẫn được treo tại nhà thờ họ Phan Huy, cụ Phan Huy Cẩn (1722 – 1789) hiệu là Thận Trai, hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ và đỗ Tiến sĩ vào năm 33 tuổi.

Cụ đã từng giữ các chức vụ Hiến sát Hải Dương, Hiệp Trấn Kinh Bắc. 

Sau khi về hưu năm 1786, cụ Cẩn được thăng làm Tả Thị lang, tước Khuê Phong Bá. Rồi được phong làm Bình Chương Sự kiêm chức Tham tụng. Làm Tả Thị lang 3 Bộ: Bộ Hình, Bộ Binh và Bộ Lễ.

Mùa đông 1886, cụ Phan Huy Cẩn được đặc phong Bình Chương trọng sự (Tể tướng) - kiêm chức Quốc Sử Tổng Tài.

Cụ Cẩn chính là người khai khoa đầu tiên của dòng họ Phan Huy lúc bấy giờ. 

Ngoài ra, đến đời vua Khải Định thứ 9 (tức năm 1924), cụ được gia phong làm Thượng Đẳng Tôn Thần do những công lao to lớn của mình.

Nối tiếp sự nghiệp của cha mình, cụ Phan Huy Ích (1750 – 1882) nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ và đậu Tiến sĩ (sớm hơn cả cha mình) khi mới 26 tuổi.


Chân dung cụ Phan Huy Cẩn (trái) và con trai Phan Huy Ích được treo trang trọng tại nhà thờ họ (Ảnh: Đ. Tuệ)

Chân dung cụ Phan Huy Cẩn (trái) và con trai Phan Huy Ích được treo trang trọng tại nhà thờ họ (Ảnh: Đ. Tuệ)

Dưới triều Tây Sơn, cụ Phan Huy Ích được vua Quang Trung tin dùng và giao giữ các chức vụ cao cấp như Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Thụy Nham Hầu. Rồi phong Thị lang Bộ Binh.

Sau khi dẹp xong giặc Thanh (1789), cụ tiếp tục được vua giao phó việc bang giao với nhà Thanh và từng tham gia Sứ bộ Tây Sơn. 

Năm 1792, được phong làm Thị Trung ngự sử ở tòa nội các rồi thăng lên làm Thượng thư Bộ Lễ.

Nhân vật lỗi lạc nữa không thể không kể tới, đó là cụ Phan Huy Chú (1782 – 1840). Cụ là con trai thứ ba của cụ Phan Huy Ích, gọi cụ Phan Huy Cẩn là ông nội.

Ông được biết đến nhà bác học có kiến thức sâu rộng, tuy chỉ đỗ tú tài nhưng do uy tín và học vấn của mình, ông được vua Minh Mạng mời vào kinh đô Huế cử giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám vào năm 1821.

Cùng năm này, ông đã dâng lên vua bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” mà ông đã dày công nghiên cứu trước đó nhiều năm và được nhà vua khen thưởng, cử giữ chức Lang Trung Bộ Lại, rồi lên chức Hồng Lô Tư Khanh.

Từng được cử giữ chức Phó sứ sang Trung Quốc vào các năm 1824 và 1830. Sau vì chán chốn quan trường mà ông lui về quê dạy học và soạn sách cho tới cuối đời.

Tên tuổi của cụ Phan Huy Chú gắn liền với nhiều tác phẩm lớn và mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử có giá trị giáo dục lòng yêu nước rất cao, được nhân dân mãi nhắc tới.

Truyền thống thơ văn được tiếp nối

Bên cạnh đó, cụ Phan Huy Vịnh (1800 – 1870) – một nhà thơ lớn của Việt Nam và từng giữ chức Thượng thư Bộ Lễ dưới triều Nguyễn. 

Ông là con trai Lễ Bộ Thượng thư Phan Huy Thực, cháu nội cụ Phan Huy Ích và gọi cụ Phan Huy Chú bằng chú ruột.


Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê

Ngoài ra, còn thể kể tới Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (sinh năm 1934), quê gốc tại Hà Tĩnh. Là một nhà nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của Việt Nam. 

Ông là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ năm 1990 – nay.

Theo thứ tự trong Thế Thứ Đồ được ông Phan Huy Giám (đời thứ 15) lập ra từ năm 2013, tính từ đời cụ Sơ tổ Phan Công Trầm cho tới thế hệ ông Phan Huy Thanh, hiện dòng họ Phan Huy đã truyền tới đời thứ 17.

Bản thân ông Thanh cũng là người yêu thích thơ văn. Ông có làm 1 bài thơ sau chuyến thăm viếng của TTK Ban Ki Moon hồi tháng 5 với tựa đề “Tình không biên giới”:

“Vạn dặm tìm về báo đức ân

Giao lưu thắm thiết để thêm gần

Mấy nén hương thơm trình quý Tổ

Mươi dòng cảm xúc tặng thân nhân

Người Hàn muốn nghĩa luôn tươi sáng

Nước Việt mong tình mãi mãi xuân

Hứa hẹn chung tay cùng góp sức

Cho cây hữu nghị đẹp muôn phần”.

Truyền thống khoa bảng, tinh thần hiếu học vẫn luôn được các thành viên trong dòng họ này căn dặn lại con cháu để góp sức cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại