Phim điện ảnh Việt: Cái ác lấn át cái thiện

Nhóm phóng viên |

“Có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực” - tiêu chí cơ bản của các liên hoan phim Việt Nam hay Giải Cánh diều và cũng là tiêu chí chung cho phim điện ảnh Việt để nâng cao chất lượng. Nhưng điểm lại các phim được sản xuất và công chiếu trong năm 2014 - 2015 thì cái ác có phần lấn át cái thiện...

“Độc dược” hay thiếu tính nhân văn?

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII do Bộ VHTTDL tổ chức tháng 11.2014, một câu hỏi được đặt ra: Sau 15 năm, chúng ta có những tác phẩm nào để đời, chói sáng, đạt tới “đỉnh cao” mà nhìn vào đó ta cảm thấy tự hào về nền nghệ thuật nước nhà?

Trong lĩnh vực phim điện ảnh Việt, gần như không có tác phẩm nào chói sáng, như một tác phẩm “giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực”, cho dù có khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Phải chăng đa phần phim Việt chưa làm tròn chức năng thẩm mỹ và nhân văn?

Nhìn lại những phim Việt được sản xuất và công chiếu trong 2 năm 2014 - 2015, thấy rõ ràng sự nghiêng lệch, ngoại trừ những phim lịch sử cách mạng hay về nhân vật lãnh tụ do Nhà nước đặt hàng, đại đa số phim nói về cái ác tồn tại qua những thể loại hài, bạo lực, kinh dị, tâm lý, viễn tưởng…

Từ tháng 1 - 9 năm 2015, gần 30 phim Việt ra rạp, và theo dự kiến đến cuối năm thêm khoảng 10 phim nữa sẽ được công chiếu trên màn ảnh rộng.

Nhìn danh mục phim, có thể hình dung ra phần nào: “Quý tử bất đắc dĩ”, “Ngày nảy ngày nay”, “Siêu nhân X”, “Hợp đồng bắt ma”, “Tây du ký hậu truyện”, “Đập cánh giữa không trung”, “Sơn đẹp trai”, “Ma dai”, “Oan hồn”, “Ngủ với hồn ma”, “Quyên”, “ Bộ ba rắc rối”, “Hy sinh đời trai”, “Con ma nhà họ Vương”, “Tình xuyên biên giới”, “Em là bà nội của anh”, “49 ngày”…

Công thức để “câu” khách đến rạp, từ mấy năm trước là: Hotboy + Hotgirl + hài + hành động + tâm lý - tình cảm, sang tới 2014 - 2015 “nặng đô” hơn là: Sex + giang hồ với chiêu dán nhãn 16+, 18+.

Đầu năm 2014, danh mục phim chiếu Tết Nguyên đán 2014 và các dự án phim trong năm nổi bật vẫn là hài + bạo lực + kinh dị theo dòng phim thị trường.

Đến gần cuối năm, gần như đồng loạt, tháng 10.2014 cả 3 phim Việt ra rạp đều dán nhãn 16+: “Hương Ga”, “Lạc giới”, “Bước khẽ tới hạnh phúc”.

Poster in đậm chữ 16+ màu đỏ, nhiều trailer PR cho phim tung ra có đến 70% thời lượng là cảnh nóng và bạo lực diễn tả những pha đánh đấm, chém giết, đấu súng, đan xen những cảnh cưỡng hiếp và làm tình...

Đến năm 2015, nhiều phim thuộc dòng nghệ thuật là những dự án phim được Nhà nước đầu tư cho các ngày lễ kỷ niệm lớn, hay của một số hãng phim tư nhân sản xuất, và các phim độc lập được ghi nhận ở các liên hoan phim quốc tế.

Nhưng phim mang nội dung giáo dục lịch sử thì cách làm xưa cũ, khô cứng, áp đặt, tình tiết trong phim chỉ là minh họa một số sự kiện trong lịch sử, hay miêu tả lại sự việc một cách cứng nhắc, không thích hợp với khán giả trẻ.

Các phim nghệ thuật khác thì số phim sâu sắc chỉ đếm đầu ngón tay, còn thì hoặc hời hợt hoặc xa lạ không mang hồn cốt Việt.

Những dự án phim khác như “Nước (2030)” chưa biết bao giờ ra rạp vì khó xem, kén khán giả (nhận xét của giám khảo giải Cánh diều 2014)…

Riêng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được quảng bá rầm rộ, làm “nổi sóng” phòng vé thì đang gây tranh cãi về đạo đức tuổi vị thành niên, bởi trong phim nhiều cái ác.

Thiều là nhân vật trung tâm, được xây dựng với hình ảnh ác độc, nhỏ nhen, tàn nhẫn, ích kỷ.

Đặc biệt, 3 màn ác nhất có thể làm khán giả phải rùng mình: Khi Thiều thua trong trò chơi ném đá của bọn trẻ làng quê, bèn bày mưu cho em trai đến gần rồi ném viên đá vào trán khiến thằng em chảy máu; Khi Thiều để ông hàng xóm bắt mất con cóc - thế giới tưởng tượng tuổi thơ của đứa em trai, chỉ vì nó đố kị và ghen tức; Khi Thiều ra đồng mót khoai trở về trong trận đói sau cơn lũ và tình cờ nghe lỏm cuộc đối thoại giữa thằng Tường và con Mận đang chia nhau mấy miếng thịt gà (trong tưởng tượng), dường như không còn chút lí trí, lao vào nhà vác cái gậy gỗ rồi phang tới tấp vào lưng em trai…

Nhiều phim Việt như một loại độc dược

Rõ ràng, hàng loạt phim Việt trong 2 năm 2014-2015 cho thấy một xu hướng chưa rõ nét, nhưng thiếu lành mạnh trong phim Việt, bởi quá nhiều cảnh sex và bạo lực.

Phim hành động Việt thường có một nội dung rất sơ sài, ý tưởng nhạt nhòa, cũng theo kiểu Thiện - Ác và cái Thiện sẽ thắng cái Ác, nhưng nó không đi đến tận cùng, mà cứ nửa vời, để rồi kết của phim gây cho người xem cảm giác bất an thường trực một khi ra khỏi nhà, bởi con người hành xử bằng “luật giang hồ” mà chẳng có ai có thể bảo vệ.

Thiếu đi tính nhân văn, người xem chỉ cảm thấy ghê sợ mà không thấy được tình người trong đó.

Còn những cảnh sex trong phim Việt càng ngày càng bạo liệt, trần trụi, rơi vào chủ nghĩa tự nhiên thô thiển, kể cả những cảnh sex đồng tính cũng bị lam dụng trong nhiều phim như một trào lưu đang mốt, chưa kể những cảnh tình dục có tính bệnh hoạn, ẩn ức giới tính không bình thường…

Nếu nhìn vào phần lớn phim Việt hiện tại, khó nói điện ảnh nước nhà có tính thẩm mỹ cao, mang tính nhân văn, giáo dục chân - thiện - mỹ cho cộng đồng.

Ngược lại, có thể nói, nhiều phim Việt như một loại độc dược dù độc tính không cao, nhưng nếu cứ mãi “đầu độc” bằng các loại phim theo công thức sex + giang hồ + hài nhảm + kinh dị… như hiện tại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách văn hóa cộng đồng, nhất là giới trẻ - những người chiếm đại đa số khán giả phim Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại