Hậu trường khốc liệt trong những bộ phim kinh điển Việt Nam

Minh Châu |

Nghệ sĩ Phương Thanh có hơn một tháng sống cùng các nữ tử tù để nhập vai Hiền cá sấu trong phim "Tội lỗi cuối cùng".

Phim Tội lỗi cuối cùng - một xã hội thu nhỏ trong phòng giam

31 năm sau khi phim Tội lỗi cuối cùng đóng máy, diễn viên Đặng Việt Bảo (còn gọi là Đặng Lưu Việt Bảo) tiết lộ hậu trường đầy khốc liệt của các cảnh quay trong phim.

Trước khi phim khởi quay, Đặng Việt Bảo và Phương Thanh phải thâm nhập thực tế trong trại giam hơn một tháng.

Trong ký ức đạo diễn phim Gió nghịch mùa, trại phục hồi nhân phẩm Đồng Nai, khu vực dành riêng cho phạm nhân nữ toàn nữ tướng cướp khét tiếng một thời như HTH, MK…

Những nữ sát thủ này từng có trong hồ sơ nóng của chế độ cũ, sau giải phóng, được thu gom lại đưa vào trại phục hồi nhân phẩm.

"Khi tôi trong vai quản giáo trại giam tiếp xúc để hỏi cung, HTH khai cô là con lai. Mẹ khi xưa làm điếm, các anh chị em trong nhà đều cùng mẹ khác cha.

Là chị cả trong nhà, HTH cũng đi làm điếm để nuôi em. Băng đảng của cô thường tiếp cận với những sỹ quan ngụy giàu có.

Một cô gái ra mặt để dụ gã kia vào khách sạn, trong lúc đang làm tình, đồng bọn xuất hiện, dùng chiêu đóng xuyên đũa từ tai bên này qua tai bên kia sau đó cướp tài sản, vứt xác nạn nhân xuống sông Sài Gòn.

Phương Thanh được đưa vào sống chung cùng những người như vậy trong vòng một tháng. Bên ngoài có nữ quản giáo tên Tám và tôi giám sát, bảo vệ.

Trước khi đưa Thanh vào, tôi phải nói với các phạm nhân nữ Thanh là thành phần cộm cán ngoài Bắc dạt vào đây, mọi người không được đối xử tệ", đạo diễn Việt Bảo kể.

Trong ký ức vị đạo diễn tuổi lục tuần, những ngày đóng "Tội lỗi cuối cùng với ông vô cùng đáng nhớ.

"Tôi không hiểu vì sao đêm nào dưới trại cũng có chuyện đánh đấm, thanh toán nhau ầm ĩ. Về sau hỏi ra mới biết, các nữ đại ca tranh giành nhau chuyện làm tình.

Trong trại có một cô gái buộc phải làm các động tác kích dục cho những người còn lại. Đại ca nào cũng tranh giành cô dẫn đến ẩu đả, đánh đấm.

Dưới cái nóng hầm hập của mái tôn, hầu như trưa nào nữ phạm nhân cũng trần truồng, nằm ngổn ngang trên sàn.

Những buổi trưa như thế, Thanh được đưa ra khỏi trại với lý do đưa đi hỏi cung để tránh cho cô ấy bị khủng hoảng tâm lý.

Chính hiện thực khốc liệt ấy mà trong phim có cảnh Phương Thanh khỏa thân. Các phạm nhân khác lấy quần áo buộc thành dây rồi nối vào hai chân, hai tay Phương Thanh để kéo như một màn chào sân của phạm nhân mới.

Cảnh đó sau này bị cắt khi kiểm duyệt", nam đạo diễn kể.

Những cảnh như phạm nhân đang lao động, bỗng cầm cuốc dọa giết, chém quản giáo xảy ra như cơm bữa.

"Chị Tám quản giáo nhiều phen bị HTH dọa giết chỉ vì cô ta cho rằng quản giáo bất công với mình. Nhưng mỗi khi tôi xuất hiện, nhẹ nhàng khuyên bảo, cô ta lại vui vẻ trở lại.

Có lẽ hồi đó tôi trẻ và đẹp trai, lại nói giọng Hà Nội", đạo diễn Đặng Việt Bảo vui vẻ kể. Giữa hiện thực khốc liệt như vậy, con người vẫn trở nên thánh thiện nhờ được giác ngộ bằng âm nhạc.

Đạo diễn Đặng Việt Bảo kể, khi làm nhạc cho phim, anh được giao nhiệm vụ về Sài Gòn đón nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên trại.


Bối cảnh trại giam trong phim Tội lỗi cuối cùng.

Bối cảnh trại giam trong phim Tội lỗi cuối cùng.

Trong trại có một đội văn nghệ do HTH đứng đầu.

"Họ rất thích hát nhạc Trịnh. HTH nói với tôi, không chỉ con thích mà cả nước này thích Trịnh Công Sơn.

Khi biết Trịnh Công Sơn đang đứng trước mặt mình, cô ấy đang quỳ cách chúng tôi chừng 3m trên sân trại giam bỗng đổ ập xuống nền đất khóc nức nở.

Khóc mãi mới nín. Khi đó, HTH tâm sự, cả đời phiêu bạt của cô, cô không nghĩ có ngày mình được hội ngộ người nhạc sĩ mà cô yêu thích.

Bài hát Người mẹ Việt Nam da vàng của ông từng ám ảnh cô, bởi cô là con lai giữa mẹ Việt và bố Tây. Trịnh Công Sơn bèn ra dắt tay HTH kéo cô đứng dậy và vỗ về, động viên nữ phạm nhân cải tạo tốt.

Kể từ sau lần gặp đó, cô ấy ngoan hiền hẳn, không cầm đầu mọi trò phá phách nữa. Sau khi phim hoàn thành, tôi cũng rời trại, không có cơ hội gặp lại cô ấy", đạo diễn Đặng Việt Bảo nhớ lại.

Bao giờ cho đến tháng 10 - Đằng sau những cảnh quay đẹp

Bao giờ cho đến tháng 10 được xem là một bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Với thông điệp "Những người ngã xuống vì đất nước chỉ mong người sống được hạnh phúc", phim kể câu chuyện một phụ nữ chịu mọi điều tiếng, oan khuất để gia đình nhà chồng, đặc biệt là người cha già sống hạnh phúc những ngày cuối đời với niềm tự hào về người con trai là chiến sĩ, khi trong thực tế, anh đã hy sinh nhiều năm trước đó ngoài mặt trận.

Người xem từng khóc nức nở trong cảnh nhân vật chính tên Duyên (diễn viên Lê Vân thủ vai) hội ngộ chồng vài khoảnh khắc ngắn ngủi trong phiên chợ âm phủ vào rằm tháng bảy Âm lịch trên một bến sông.

Đạo diễn Việt Bảo - người đóng vai liệt sĩ Nam trong phim kể, để có được vài giây ngắn ngủi trên phim như vậy, ê kíp phải làm việc vất vả nhiều ngày liền.


Phim Bao giờ cho đến tháng 10.

Phim Bao giờ cho đến tháng 10.

"Trong phim có cảnh Lê Vân chạy chân trần trên bến sông, quanh cô ấy là ánh nến nhập nhòa. Cảnh quay đó được thực hiện ở một bến sông ngoại thành Hà Nội.

Chúng tôi phải canh ở đó nhiều ngày để nắm quy luật lên xuống của thủy triều, chờ khi nước rút mới khởi quay.

Tuy nhiên khi nước rút xuống, lòng sông lộ ra đầy rác rưởi, kim tiêm, mảnh sành, vỏ chai, xác động vật… rất tanh và hôi hám. Để diễn viên chạy chân trần trên nền đất như vậy không ổn.

Tôi đề nghị đạo diễn cho ê kíp dọn sạch. Đạo diễn nói kinh phí không phát sinh khoản này, tôi liền huy động anh em trong đoàn cùng bắt tay dọn dẹp sạch sẽ, cắm nến cho lung linh.

Sau đó, tôi dùng toàn bộ thù lao đóng vai đó chiêu đãi anh em đoàn phim", Đặng Việt Bảo kể.

Cánh đồng hoang, Đất phương Nam và ám ảnh muỗi đốt, vắt cắn

Khán giả xem phim Cánh đồng hoang đều ấn tượng với cảnh miền Tây mùa nước nổi, hoa điên điển nở rợp trời, hoa súng, hoa sen khoe sắc…

Đặc biệt là cảnh trù phú của miền Tây sông nước với nhan nhản rùa, ba ba, trăn… nổi lên sau một trận càn của lính Mỹ.

Trong bối cảnh đó, căn chòi nhỏ chênh vênh trên mặt nước của một gia đình du kích gây ấn tượng mạnh với người xem trước cảnh bé trai hồn nhiên nô đùa dưới sự gầm rú, quần thảo của máy bay địch.

Để có được những cảnh quay tạo hiệu ứng điện ảnh như vậy, ê kíp làm phim cùng diễn viên chịu nhiều cực khổ khi phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, đối phó với hàng trăm con muỗi chực chờ lao ra từ các bụi cây để hút máu người.

Sau hơn 30 năm, xem lại hình ảnh của mình trong vai đứa bé được ba cho vào lu nước hay mẹ buộc vào túi nilon dìm dưới nước để tránh bom, anh Nguyễn Văn Thuận vẫn thấy rùng mình.


Lâm Tới, Thúy An, Nguyễn Văn Thuận trong phim Cánh đồng hoang.

Lâm Tới, Thúy An, Nguyễn Văn Thuận trong phim Cánh đồng hoang.

"Tất nhiên lúc đó, tôi nhỏ xíu, đâu biết gì nhiều.

Chỉ bây giờ xem lại mới thấy ám ảnh. Mùa nước nổi, ấu trùng muỗi sinh sản nhiều lắm. Rác rưởi, xác động vật, phân người, phân động vật cũng hòa lẫn trong nước.

Vậy mà các cô chú chịu khó ngâm mình dưới đó hoàn thành các cảnh quay. Còn tôi, hồi đó bụ bẫm chắc làm mồi ngon cho muỗi", anh hóm hỉnh nhắc lại kỷ niệm khi xem lại những thước phim có mình.

"Muỗi miền Tây đốt ngứa và đau rất lâu. Mùa sinh sản của chúng, quơ tay cũng vơ được cả nắm, đừng nói gì ngâm mình dưới nước, trong các bụi rậm, ngay hang ổ của ấu trùng.

Rất may, bà Thúy An và ông Lâm Tới đều là dân miền Tây nên chắc quen với cảnh này", bố đẻ diễn viên nhí trong phim chia sẻ.

Cảnh Lâm Tới tay không bắt trăn trong phim cũng đầy thách thức.

"Trong cảnh này, khán giả được thấy vẻ hào phóng, hồn hậu của sông nước miền Tây, thêm chút hảo hán của các anh hùng Lương Sơn Bạc khi xưa trong hành động của Lâm Tới.

Nhưng trong thực tế, con trăn đã được buộc kín miệng và Lâm Tới đã vận hết công lực để thực hiện cảnh rút đuôi con trăn ra khỏi đám sình lầy, bụi rậm.

Diễn viên dũng cảm một thì ê - kíp quay phim dũng cảm mười vì phải nằm ngửa trên đám lau sậy đầy vắt và muỗi mà chúc máy ngược lên quay cảnh ông Lâm Tới cầm con trăn quay trên tay", người phụ trách kịch vụ của phim kể.

Diễn viên Lê Quang, người thủ vai "Võ Tòng" trong phim Đất phương Nam luôn sởn gai ốc mỗi khi nhắc về vai diễn của mình.

Các cảnh quay được thực hiện tại đảo khỉ - Cần Giờ, cách TP Hồ Chí Minh 60km. "Cách đây hai chục năm, đảo khỉ còn là khu rừng nguyên sinh hoang vu, muỗi vắt bạt ngàn.

Cứ chập choạng tối, quơ tay vơ được cả nắm muỗi. Bị muỗi đốt bứt rứt, khó chịu không tưởng tượng nổi", Lê Quang kể.

Khán giả từng rất hào hứng, phấn khích trong cảnh Võ Tòng chạy băng băng trên mặt nước, trên tay là cây cung tự chế.

Cảnh rừng đước miền Tây hiện lên lãng mạn, hào hùng và nên thơ như trong cổ tích. Trong thực tế, Võ Tòng Lê Quang còn thấy nỗi đau chạy dọc sống lưng mỗi khi nghĩ lại cảnh quay đó.

"Rừng đước trong phim được người dân chặt thường xuyên để lấy củi bán. Do vậy phần gốc được vát nhọn đâm lên tua tủa như chông.

Nước rút còn thấy được để tránh chứ nước lên ngập gốc cây là coi như thua.

Tôi lúc đó hăng máu cứ chạy băng băng, mỗi lần chân trần đụng gốc nhọn là đau đến chết điếng người, lưng thẳng đơ như có luồng điện chạy từ dưới chân lên đầu".

"Cực lắm, nhưng tình nghĩa, đồng cam cộng khổ với lại lúc ấy ai cũng còn trẻ, chưa ai đặt nặng tiền bạc nhiều", Nguyễn Hậu - Phó đạo diễn của nhiều bộ phim xưa chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại